| Hotline: 0983.970.780

Bí thư Nguyễn Văn Nên: 'Tiền không thể nào mua được làng quê yêu dấu'

Thứ Tư 27/09/2023 , 16:01 (GMT+7)

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, trong quy hoạch phát triển hiện nay của TP.HCM hướng đến xã hội hài hòa, xanh, bảo vệ môi trường sống và bảo vệ những làng quê yêu dấu.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chưa nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến

Bài liên quan

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, sáng 27/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những thành tựu, kết quả mà các cấp Hội và hội viên nông dân Thành phố đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Theo Bí thư Nên, nhiệm kỳ qua, các cấp hội và hội viên nông dân chung sức đồng lòng cùng với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP.HCM vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách, tích cực chủ động triển khai các nghị quyết, chương trình kế hoạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra.

"Mới đây, Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã đánh giá, nông nghiệp, nông dân thành phố đã có những tiến bộ vượt bậc, phát triển đúng định hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại. Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả, có 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5/5 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của đại bộ phận nông dân không ngừng được cải thiện", Bí thư Nên nói và đánh giá, để có được kết quả ấy, các cấp hội có nhiều đổi mới, năng động, sáng tạo trong tổ chức triển khai để thực hiện các hoạt động; tiếp tục duy trì các phong trào thi đua yêu nước thiết thực hiệu quả, nhất là phong trào thi đua kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững.

Cuộc vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng HTX kiểu mới đã lan tỏa nhiều địa bàn nông thôn thành phố. Các mô hình, CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân tham gia bảo vệ môi trường, tổ nông dân tự quản về an ninh trật tự, nhiều chương trình thiết thực hiệu quả được bà con nông dân ủng hộ đang đi vào cuộc sống và lan tỏa sâu rộng.

“Những hoạt động đó đã trở thành những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của thành phố, đặc biệt là trong ứng phó với đại dịch Covid-19. Tiếng loa tuyên truyền, phong trào mở rộng vùng xanh, triệu phần quà, hàng ngàn tấn nông sản, phiên chợ 0 đồng, suất ăn nghĩa tình, chuyến xe nghĩa tình… đã trở thành ký ức không thể nào quên, cùng biết bao nghĩa cử thầm lặng khác ở từng làng quê yêu dấu của chúng ta”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Từ những thực tiễn, phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nghĩa tình nhiều điển hình tiên tiến trong nông dân, với hơn 69.000 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, 90 nông dân tiêu biểu cấp Thành phố và 6 nông dân được tuyên dương Nông dân Việt Nam xuất sắc.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ ra những mặt hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, trong đó, có những nguyên nhân do khách quan và có những nguyên nhân từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Hội Nông dân thành phố, nhất là: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và kiểm tra, giám sát có lúc thiếu đồng bộ, kịp thời; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, thi đua khen thưởng, sơ kết, tổng kết còn hạn chế; chưa nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến.

Việc nắm bắt thông tin, tâm tư, tình cảm và giải quyết khó khăn, vướng mắc của bà con nông dân thiếu kịp thời. Công tác phối hợp các cơ quan chức năng Thành phố xử lý vấn đề liên quan đất đai, kiểm soát giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp, vay vốn sản xuất; thông tin tuyên truyền đến hội viên, nông dân ở cơ sở để phòng ngừa hoạt động lừa đảo, đầu tư đa cấp, tín dụng đen... có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn có lúc, có nơi còn hạn chế.

"Người nông dân rất cần thông tin. Khi nông dân đã hiểu, đã thấu thì việc gì cũng thuận lợi, nhưng khi chưa hiểu thì dù chuyện nhỏ cũng khó khăn", Bí thư Nên nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tặng bảng đồng cho Hội Nông dân TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tặng bảng đồng cho Hội Nông dân TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Xây dựng đô thị thông minh, làng xã thông minh

Về phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ khóa 11, Bí thư Nên thống nhất cao với 5 mục tiêu, 14 chỉ tiêu, 8 đề án - công trình - chương trình trọng điểm và 6 nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội đã thảo luận và chuẩn bị thông qua.

Bí thư Nên đề nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân TP.HCM khóa XI tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Đối với TP.HCM, dù phát triển theo hướng công nghiệp và dịch vụ hiện đại đến mức nào thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn giữ một phần quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị bền vững, tiến tới xây dựng đô thị thông minh, làng xã thông minh là xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng sống người dân. Nông dân TP.HCM phát triểt cỡ nào cũng không thể tách rời mối liên kết với nông dân các tỉnh, thành", Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Ông cũng chỉ ra rằng, kinh nghiệm của một số nước phát triển, khi thực hiện công cuộc cách mạng công nghiệp hóa hiện đại hóa, trong quá trình quy hoạch và phát triển, họ đã phá bỏ những làng nghề. Sau vài chục năm, họ làm giàu từ công nghiệp hóa hiện đại hóa, nhiều nhà lầu xe hơi, nhà cao tầng, tiền không thiếu… nhưng đến lúc đó, "làng quê yêu dấu ngày xưa giờ không còn nữa, lúc đó đi tìm và tiếc, không bao giờ tìm lại được nữa và tiền không thể nào mua được những làng quê yêu dấu", Bí thư Nên nói và nhấn mạnh, trong quy hoạch phát triển hiện nay của Thành phố theo hướng xã hội hài hòa, xanh, bảo vệ môi trường sống và bảo vệ những làng quê yêu dấu.

Thành phố sẽ tập trung huy động mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị.

Xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, là trụ cột của Thành phố trong bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao tặng cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho Hội Nông dân TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao tặng cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho Hội Nông dân TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đi đôi với việc chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và xây dựng Hội Nông dân vững mạnh toàn diện, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối trong mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước, nông dân.

Để thực hiện được mục tiêu kế hoạch đề ra, Bí thư Nên đề nghị Hội Nông dân TP.HCM nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sinh hoạt chi hội, tổ hội nghề nghiệp, các câu lạc bộ nông dân; chú trọng phát triển hội viên mới là trí thức, nhà khoa học, chuyên gia. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống dân tộc, lối sống văn hóa, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của hội viên nông dân.

Đổi mới công tác truyền thông nhanh chóng chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động Hội theo yêu cầu chung của hệ thống chính trị thành phố. Mặt khác, thúc đẩy phong trào chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát huy vai trò của hội viên, nông dân trong ứng dụng công nghệ từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tích hợp giữa chuỗi giá trị - chuỗi cung ứng và thay đổi phương thức quản lý, phòng ngừa rủi ro thiên tai, dịch bệnh.

Đặc biệt, bằng nhiều biện pháp truyền tải được đến người nông dân tư duy hệ thống chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống “khai thác - chế biến - sử dụng - vứt bỏ” sang mô hình “ khai thác - sản xuất - sử dụng - tái sử dụng - tái chế”. Đó là bản chất của kinh tế tuần hoàn, khôi phục – tái tạo, phát triển bền vững...

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.