| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM phấn đấu 50% số xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa

Thứ Tư 27/09/2023 , 10:54 (GMT+7)

TP.HCM phấn đấu đến 2025 có ít nhất 20% số huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, cấp thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đại hội Đại biểu Hội Nông dân TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đại hội Đại biểu Hội Nông dân TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: Nguyễn Thủy.

5/5 huyện được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

Nói về thực trạng phát triển nông nghiệp đô thị và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.HCM tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, sáng 27/9, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách quan trọng có liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành, góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp Thành phố nói chung và chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Trong giai đoạn 2011 - 2021, đã có trên 24.600 lượt tổ chức, hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay được hỗ trợ lãi vay hơn 8.400 tỷ đồng, ngân sách đã giải ngân hỗ trợ lãi vay trên 673 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hiệp, thời gian qua, thành phố đã tập trung thực hiện chuyển dịch, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững. Từ các chính sách của Trung ương và thành phố đã giúp nông nghiệp thành phố chuyển từ các loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện tích cực, chủ động tham gia thực hiện chính sách, hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị.

Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp nhìn nhận, trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn có những khó khăn, bất cập đi kèm, như: công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt các chính sách của Trung ương, của địa phương ở cơ sở còn chưa thường xuyên liên tục. Một số chính sách đã ban hành nhưng chậm triển khai. Từ năm 2020 đến nay, các chủ phương án chưa được nhận kinh phí hỗ trợ lãi vay của chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.

Cũng theo ông Hiệp, qua hơn 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ngoại thành đã thay đổi và đạt được những kết quả khá tích cực, đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt.

Hiện nay, 56/56 xã đã được UBND TP.HCM công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 và đạt chuẩn nâng cao giai đoạn 2016 - 2020; 5/5 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

UBND TP.HCM cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, thành lập Ban Chỉ đạo và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. 

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phấn đấu 50% số xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai chính sách phát triển nông nghiệp đô thị, góp phần hỗ trợ hộ nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp, Sở NN-PTNT cho rằng, cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp: Rà soát các cơ chế, chính sách đang vướng mắc cần tháo gỡ nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất; Quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương và địa phương. Nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp; Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị.

Theo ông Hiệp, để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, bên cạnh các giải pháp về tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả chính sách phát triển nông nghiệp đô thị, Sở NN-PTNT đề xuất các sở ngành, địa phương, các đoàn thể tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh rà soát mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về nội dung xây dựng nông thôn mới. Triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp ứng dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp (huyện, xã). Đẩy mạnh quá trình số hóa, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Đặc biệt, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn; Ưu tiên nguồn lực cho các địa phương thực hiện tốt, xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể.

Về mục tiêu xây dựng chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, ông Đinh Minh Hiệp cho biết, thành phố phấn đấu có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa. Cấp huyện phấn đấu có ít nhất 20% số huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cấp thành phố phấn đấu được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Về chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố, ông Hiệp cho biết, thành phố sẽ tập trung triển khai các nội dung trọng tâm như quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với quy hoạch phát triển vùng nông thôn. Trong đó, đã tích hợp được quy hoạch chung của toàn thành phố đến năm 2030 và hướng đến năm 2050; Tổ chức lại, đặc biệt tập trung quản trị nông nghiệp có liên quan tất cả sản phẩm chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của Thành phố.

Song song đó, thiết lập hạ tầng logistics nông nghiệp gắn với liên kết vùng; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp. Trong đó, có nhấn mạnh 3 khía cạnh: công nghiệp sinh học; sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản; cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, thành phố phấn đấu dịch vụ nông nghiệp chiếm tỷ lệ 50% trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, đẩy mạnh dịch vụ tài chính, dịch vụ thương mại, dịch vụ giá trị gia tăng, trao đổi tín chỉ các bon... Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung ứng cho phát triển nông nghiệp của vùng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.