Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thông tin từ Tổng cục Hải quan, cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Bỉ trong tháng 3/2022 đạt 29,2 nghìn tấn, trị giá 61,7 triệu USD, tăng 440,7% về lượng và tăng 571% về trị giá so với tháng 3/2021.
Tính chung quý 1 năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Bỉ đạt 65,7 nghìn tấn, trị giá 135,3 triệu USD, tăng 446,8% về lượng và tăng 580% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Với những kết quả như trên, Bỉ hiện là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng chiếm 11,3% tổng lượng và 10,4% tổng trị giá trong quý 1 (năm 2021, Bỉ là thị trường lớn thứ 7 về lượng và thứ 9 về trị giá xuất khẩu của cà phê Việt Nam).
Bỉ là nhà nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ 3 của châu Âu. Hơn 96% lượng cà phê nhập khẩu của Bỉ có nguồn gốc trực tiếp từ các nước sảnxuất cà phê, nguồn cung trên 70 quốc gia vàvùng lãnh thổ.
Bỉ là nước tái xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất ở châu Âu. Bỉ chủ yếu tái xuất khẩu sang các nước láng giềng: Hà Lan chiếm 55% lượng cà phê nhân tái xuất của Bỉ vào năm 2020. Các nhà nhập khẩu cà phê quy mô lớn và chuyên biệt của Hà Lan thường sử dụng các cảng của Bỉ cho hoạt động của họ. Các thị trường tái xuất khẩu khác của Bỉ là Pháp (25%) và Đức (4,1%).
Bỉ còn là một trung tâm thương mại cà phê quan trọng ở châu Âu. Một phần lớn cà phê được giao dịch trên thế giới đến cảng Antwerp, nơi được sử dụng cho mục đích trung chuyển. Đây là nơi lưu trữ cà phê lớn nhất trên thế giới, cho phép lưu trữ hơn 250 nghìn tấn cà phê. Cảng Antwerp chiếm khoảng 50% hoạt động kinh doanh hậu cần cà phê của châu Âu.
Trong khi đó, cảng Zeebrugge là một điểm nhập cảnh quan trọng khác của cà phê ở Bỉ. Cảng này cung cấp một cơ sở lưu trữ hiện đại được kiểm soát nhiệt độ và một cơ sở phân phối cà phê nhân cho phần còn lại của châu Âu bằng đường sắt, đường bộ và đường biển.
Đầu năm 2021, hai cảng nói trên đã sáp nhập, điều này sẽ củng cố hơn nữa vị thế của Bỉ như một trung tâm thương mại cà phê quan trọng ở châu Âu.