| Hotline: 0983.970.780

Biến cây dược liệu thành sản phẩm 4 sao OCOP

Thứ Tư 12/01/2022 , 08:43 (GMT+7)

Cây cà gai leo đang được mở rộng phát triển tại xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Năm 2021, Trà cà gai leo Hợp Hòa được công nhận đạt 4 sao OCOP.

Trà cà gai leo Hợp Hòa vừa được công nhận sản phẩm đạt 4 sao OCOP. Ảnh: Đào Thanh.

Trà cà gai leo Hợp Hòa vừa được công nhận sản phẩm đạt 4 sao OCOP. Ảnh: Đào Thanh.

Gia đình ông Đặng Văn Đức, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương trồng cà gai leo từ năm 2016 với diện tích 3 sào. Ông Đức cho biết, cây cà gai leo khá dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, phát triển quanh năm. Vì là cây dược liệu nên ông Đức chỉ tưới nước giếng và bón phân hữu cơ nên không tốn tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Từ đầu năm 2021 đến nay, vườn cà gai leo cho gia đình ông Đức 2 vụ thu hoạch, mỗi vụ được hơn 9 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, cây cà gai leo mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều. Một ưu điểm nổi bật nữa của việc trồng cà gai leo là chúng có thể tái sinh sau khi thu hoạch và duy trì gốc từ 3 đến 5 năm, mỗi năm thu hoạch từ 2 đến 3 đợt.

Giống như gia đình ông Đức, cây cà gai leo đã và đang là cây trồng mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân ở xã Hợp Hòa. Đến nay, diện tích cà gai leo của toàn xã là hơn 10ha. Loài cây này được trồng ở hầu khắp các thôn, trong đó nhiều nhất là thôn Đồng Phai.

HTX Dịch vụ chế biến nông lâm, lâm nghiệp Hợp Hòa được thành lập từ năm 2019 gắn liền với việc phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trồng cà gai leo. Đến nay, HTX có 13 thành viên và hơn 100 hộ liên kết trồng cà gai leo.

Toàn xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương hiện nay có 10ha trồng cà gai leo. Ảnh: Nguyễn Thưởng.

Toàn xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương hiện nay có 10ha trồng cà gai leo. Ảnh: Nguyễn Thưởng.

Từ khi thành lập, HTX đảm bảo thu mua ổn định nguồn nguyên liệu cho bà con. Theo những hộ dân trồng cà gai leo ở xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, trung bình mỗi ha cà gai leo cho sản lượng 10 tấn sản phẩm khô/năm, với giá bán bình quân 28 triệu đồng/tấn, mỗi ha cà gai leo cho thu nhập khoảng 280 triệu đồng/năm. Trừ hết chi phí mỗi ha cà gai leo cho người nông dân nơi đây thu lại trên 160 triệu đồng.

Anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chế biến nông lâm, lâm nghiệp Hợp Hòa cho biết, sau lần đi tham quan mô hình trồng cà gai leo tại tỉnh Hòa Bình, nhận thấy loại cây này phù hợp với đồng đất quê hương nên anh đã mua giống về trồng thử nghiệm. Thấy có hiệu quả kinh tế, anh quyết định đầu tư một số trang thiết bị đồng thời liên kết với một đối tác tại Hà Nội chế biến và đóng gói nhằm nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm.

Các sản phẩm chế biến từ gai leo của HTX với 100% thành phần tự nhiên. Nguồn nguyên liệu chính để chế biến là 3 loại thảo dược gồm cà gai leo, xạ đen và cỏ ngọt mang lại hương thơm đặc trưng cho sản phẩm; tạo vị ngọt dịu nhẹ dễ uống, không gây tác dụng phụ đối với người bị tiểu đường, cao huyết áp, béo phì. Sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu tại địa phương do các thành viên trong HTX trồng và thu hoạch, cam kết 100% không sử dụng chất kích thích, thuốc hóa học trong quá trình trồng, sản xuất... Niềm vui lớn nhất đối với HTX là cuối tháng 12/2021, sản phẩm Trà cà gai leo của HTX được Hội đồng OCOP tỉnh Tuyên Quang công nhận đạt 4 sao OCOP.

Ông Triệu Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương cho biết, mấy năm trở lại đây, cây cà gai leo được mở rộng phát triển đã mở ra hướng đi mới trong tập quán canh tác của người dân địa phương. Từ 3 năm nay, loài cây này cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích. Một thuận lợi nữa cho người trồng cà gai leo đó là sản phẩm của bà con được HTX Dịch vụ chế biến nông lâm, lâm nghiệp Hợp Hòa thu mua kịp thời, giá ổn định.

Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 128 sản phẩm đạt 3 sao OCOP trở lên, trong đó có 33 sản phẩm đạt 4 sao OCOP, 95 sản phẩm đạt 3 sao OCOP. Các sản phẩm OCOP đã và đang góp phần tích cực trong việc nâng tầm thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của nông sản Tuyên Quang trên thị trường.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.