| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Chủ Nhật 02/01/2022 , 11:04 (GMT+7)

QUẢNG NINH Thời gian qua, chương trình OCOP của Quảng Ninh gặt hái được nhiều thành công, đóng góp to lớn vào phát triển KT-XH, nâng cao thu nhập cho người dân, HTX và doanh nghiệp.

Những năm vừa qua, chương trình OCOP của Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều thành công, đóng góp to lớn vào phát triển KT-XH, nâng cao thu nhập cho người dân, HTX, doanh nghiệp. Để tiếp tục nâng tầm chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm OCOP, nhiều giải pháp đã và đang được các ngành, địa phương và doanh nghiệp, người dân tham gia chương trình triển khai, trong đó có việc đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ.

Đơn cử như gà Tiên Yên là sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh). Nếu như trước đây, người dân mới chỉ chăn nuôi gà nhỏ lẻ, thì nay, nhờ thực hiện hiệu quả các dự án ứng dụng KHCN trong khâu tạo giống, xây dựng thương hiệu, Tiên Yên đã trở thành một trong những vùng chăn nuôi gà tập trung, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Đầu năm 2015, Công ty CP Phát triển chăn nuôi nông, lâm, ngư nghiệp Phúc Long đã mạnh dạn triển khai dự án ứng dụng KHCN thụ tinh nhân tạo sản xuất gà Tiên Yên. Ông Lý Văn Phúc, quản lý công ty cho biết, từ dự án này, các quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc, phối giống, ấp, nở trứng được lựa chọn kỹ lưỡng, có sự can thiệp của kỹ thuật, công nghệ. Nhờ đó, đã tạo được bộ gien gà Tiên Yên với đặc điểm di truyền ổn định, có đặc điểm nhận dạng đặc trưng.

Gà Tiên Yên là sản phẩm OCOP nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Thành

Gà Tiên Yên là sản phẩm OCOP nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Thành

Đồng thời, tỷ lệ ấp nở giống gà Tiên Yên được nâng lên đáng kể, góp phần tăng sản lượng thương phẩm cho thị trường. Hiện trung bình mỗi tháng, công ty sản xuất, cung ứng ra thị trường khoảng 5 vạn con giống gà Tiên Yên thuần chủng cho các hộ chăn nuôi. Trong đó 95% nguồn cung ứng phục vụ nhu cầu tại chỗ, còn lại xuất ra một số tỉnh lân cận khác.

Cũng như sản phẩm gà Tiên Yên, nhờ ứng dụng KHCN, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng. 

Thời gian qua, Quảng Ninh cũng đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học vào sản xuất sản phẩm OCOP, nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; kết nối người dân, nhà quản lý, nhà khoa học; hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ...

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao KHCN vào sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ... đến nay, hơn 400 nông sản là sản phẩm OCOP của tỉnh đã được hình thành, phát triển, tạo nên chất lượng và giá trị vượt trội. Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh tiến bộ KHCN vào sản xuất nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. 

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Quảng Ninh vừa có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường và nâng cao chất lượng việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ nhu cầu sản xuất và xuất khẩu.

Cụ thể, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu và nắm được về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy địnhHồ sơ cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói gửi về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để kiểm tra, giám sát, thẩm định, đề xuất đơn vị thẩm quyền cấp mã.

Quảng Ninh tăng cường và nâng cao chất lượng việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản. Ảnh: Nguyễn Thành

Quảng Ninh tăng cường và nâng cao chất lượng việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản. Ảnh: Nguyễn Thành

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh đã được cấp 14 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, số lượng này còn nhỏ lẻ, đồng thời một số mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa đáp ứng cao quy trình thiết lập, giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định. Trong khi đó, theo xu hướng phát triển, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào sản xuất quy mô lớn và có cơ hội xuất khẩu sang các nước.

Được biết, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng, cho một cơ sở đóng gói nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản. Đây là điều kiện bắt buộc để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp có thể xuất khẩu nông sản sang thị trường quốc tế.

Việc xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sẽ làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, hạ giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản Quảng Ninh trên thị trường. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.