Cuối lối đi dài 500m, những hàng cây đước giãn ra làm lộ một vùng đất ngập nước bị tàn phá bởi đợt triều cường gần đây.
Djuhana nói, những con sóng đã đánh đổ rạp một khoảnh có khoảng 5.000 cây ở một góc của vùng đất này. Cả một vùng đước rộng lớn đang phơi bộ rễ xù xì trên mặt nước đang chịu sự tàn phá của thiên nhiên mà gốc rễ là hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu.
Djuhana là một trong những người đang nhận nhiệm vụ chăm sóc khu rừng ngập mặn cuối cùng ở Jakarta. Ông làm việc tại Cơ quan Công viên và Lâm nghiệp Jakarta với tư cách là trưởng đơn vị bảo vệ và du lịch sinh thái rừng ngập mặn Pantai Indah Kapuk.
Cây ngập mặn từng có thời đan kín đường bờ biển dài 30km của thủ đô Indonesia. Tuy nhiên, nhu cầu về cảng biển thu nhận được tàu và côngtenơ cỡ lớn cũng như nhà ở và trang trại nuôi thủy hải sản đã lấn dần vùng sinh thái này.
Hiện nay, rừng cây ngập mặn chỉ còn đan xen thành từng khu, rộng tổng cộng 320ha, nằm trọn ở phía tây bắc của siêu đô thị rộng lớn đang lún dần so với mực nước biển. Những khu vực này thuộc sự quản lý của chính quyền Jakarta. Ngoài ra, còn một số rừng ngập mặn nhỏ lẻ nằm trong các khu đất tư nhân hoặc ngoài biển ở các đảo nhỏ và đảo nhỏ không có người ở, được Bộ Môi trường giám sát.
Biến đổi khí hậu không chỉ để lại hậu quả nhìn thấy được mà còn tiềm ẩn những rủi ro lâu dài. “Những con sóng ngày càng lớn hơn và thường xuyên hơn”, CNA dẫn lời ông Djuhana.
Sóng không chỉ đánh đổ cây cối trong rừng ngập mặn mà còn biến đây thành nơi tập kết hàng núi rác từ biển trôi vào theo con sóng. Không biết cơ man nào cốc, chai nhựa, túi nhựa kẹt lại trên mặt đất khi nước rút đi mà còn bao kín bộ rễ của rừng đước, khiến cho cây cối chết ngạt, theo các nhà môi trường.
Mưa giờ đây cũng dày hơn, lớn hơn khiến cho hệ sinh thái ngập mặn bị pha loãng, và khi nước lụt nhấn chìm khu vực trong thời gian dài thì sức sống của loài cây đặc hữu này đương nhiên bị ảnh hưởng xấu.
Cơ quan Công viên và Lâm nghiệp Jakarta đang chiến đấu một cuộc chiến không hồi kết chống lại sụt lún đất và biến đổi khí hậu. Họ xây dựng đê chắn sóng, hàng rào tre để ngăn rác thải, lấp đất ở nơi bị sụt lún...
Kết hợp với những hệ quả từ cuộc sống của con người, thiên nhiên không chỉ làm mưa pha loãng độ mặn cần thiết cho rừng đước, nó còn làm mặn hơn ở nhiều thời điểm. Jakarta là vùng đất đang lún dần, đồng nghĩa với hiện tượng mực nước biển dâng cao. Theo một số tính toán, hàng năm vùng thủ đô của Indonesia chìm nhanh, tới 26cm.
Rừng ngập mặn thường nằm dọc bờ biển trên khắp các vùng nhiệt đới, đóng vai trò là bãi đẻ và vườn ươm cho cá và là nơi cư trú của hệ sinh vật phong phú. Rừng ngập mặn cũng bảo vệ các khu vực ven biển khỏi triều cường và bão cũng như xói mòn.
Tại Jakarta, rừng ngập mặn đóng vai trò là khu bảo tồn của khỉ đuôi dài và nhiều loài chim địa phương và di cư khác nhau, một số loài trong số đó có nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Nyoto Santoso, giảng viên Học viện Nông nghiệp Bogor, người đang nghiên cứu về rừng ngập mặn ở Jakarta, cho biết rừng ngập mặn còn là nguồn hấp thụ carbon tuyệt vời.
“Rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ khí thải carbon hiệu quả gấp 3 đến 5 lần so với những cây thông thường ở vùng cao. Đó là lý do tại sao chúng ta cần bảo tồn khu vực này”, ông nói.
Các nghiên cứu từ các tổ chức khác nhau đã chỉ ra rằng cây rừng ngập mặn và lớp đất bên dưới chúng có thể lưu trữ từ 20 đến 89 tấn carbon mỗi ha.
“Việc mất rừng ngập mặn, tuy nhỏ nhưng có tác động rất lớn đến môi trường. Chúng ta sẽ mất khả năng hấp thụ carbon từ khí quyển, tất cả carbon tích tụ trong cây cối và đất sẽ thoát trở lại bầu khí quyển”, ông Santoso nói. Điều đó có nghĩa, “mất rừng ngập mặn, Jakarta sẽ mất khu bảo tồn đa dạng sinh học cuối cùng còn sót lại”.
Ông Nyoman Suryadiputra, giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận Wetlands International-Indonesia, chi biết, thường thì khi chịu áp lực từ biển, rừng ngập mặn sẽ lấn dần vào đấn liền. Tuy nhiên, ở Jakarta, xu hướng tự nhiên này bị chặn lại bởi đô thị hóa đang vươn mạnh ra sát biển. Sức ép từ cả trong và ngoài dẫn đến hệ sinh thái rừng ngập mặn không tránh khỏi thu hẹp dần.
Ông Djuhana thề không bỏ cuộc chống lại sự tàn phá của tự nhiên. “Đây là nơi cuối cùng ở Jakarta có động vật hoang dã thả rông. Nơi cuối cùng ở Jakarta mọi người có thể khám phá những khu rừng và tận hưởng không khí trong lành. Nơi cuối cùng mà trẻ em và cha mẹ của chúng có thể tìm hiểu về hệ sinh thái rừng ngập mặn”, ông nói.