Sáng ngày 12/8, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Sở NN-PTNT Hải Phòng phát động hưởng ứng bảo vệ rừng ngập mặn tại khu vực Bến tàu không số, K15, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng.
Tại sự kiện, Báo Tiền Phong đã trao 2.600 cây trồng, gồm 1.300 cây bần chua và 1.300 cây trang cho Sở NN-PTNT Hải Phòng. Đây là hai loài cây bản địa, có khả năng sinh trưởng và chống chịu tốt với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương. Khu vực lựa chọn trồng cây là bãi bồi ngoài đê đầm Việt Mỹ, thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng - một khu vực bãi bồi ven biển chưa có rừng, nằm trong quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương.
Việc trồng rừng ngập mặn sẽ được thực hiện thành hai đợt, dựa theo lịch thủy triều tháng 8. Đợt 1 dự kiến trồng 1.300 cây trang từ ngày 17-19/8. Đợt 2 dự kiến trồng 1.300 cây bần chua từ ngày 20-23/8.
Ông Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ: “Rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng đối với hệ sinh thái và môi trường, không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, ngăn gió bão ven bờ, điều hòa khí hậu, làm giảm nhiệt độ và biên độ nhiệt độ, rừng ngập mặn được coi là lá phổi tốt nhất để hấp thụ CO2, gấp nhiều lần so với rừng trên cạn, đóng vai trò quan trọng hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Chúng tôi hy vọng sự kiện sẽ góp thêm màu xanh cho thành phố Hải Phòng, góp phần chung vào công cuộc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh thiên tai ngày càng dị thường và khốc liệt. Chúng tôi cũng mong muốn sự kiện sẽ góp phần lan tỏa tinh thần sống xanh, cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường của chúng ta hôm nay và thế hệ tương lai mai sau”, ông Sưởng chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng Nguyễn Ngọc Tuất cho biết: Tuy diện tích rừng của Hải Phòng không lớn như một số tỉnh miền Trung và phía Bắc, nhưng lại có một hệ thống rừng ngập mặn ven biển trải dài với tổng diện tích hơn 2.800ha.
Việc bảo vệ rừng nói chung và bảo vệ rừng ngập mặn nói riêng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cần phải được coi là mục tiêu, nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Đồng thời phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương có rừng, nhằm phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng rừng và bảo tồn các nguồn gen di truyền quý hiếm của rừng nước ta.
Sau khi trồng rừng, công tác bảo vệ được duy trì thường xuyên đến hết 31/11/2024 với việc làm biển báo nghiêm cấm các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trong khu vực trồng; ngăn chặn các hành vi chặt, phá rừng, xâm hại rừng và phòng trừ các loài sinh vật, sâu bệnh hại; nghiêm cấm khoanh đắp bờ bao, quây lưới ngăn dòng chảy trong rừng trồng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản hoặc sản xuất kết hợp.
Việc chăm sóc cây trồng được tổ chức định kỳ từ 15-20 ngày/một lần nhằm kiểm tra, dựng cây đổ ngã, buộc lại cọc chống cây; vun gốc, trông coi không cho người, phương tiện vào khu vực rừng trồng...