| Hotline: 0983.970.780

Biến họa thành phúc như thế nào?

Thứ Sáu 04/10/2013 , 09:07 (GMT+7)

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn bày tỏ với NNVN quan điểm về cách biến thảm họa do bão số 10 tàn phá hàng chục ngàn ha cây cao su ở miền Trung thành hướng đi mới cho nông nghiệp vùng này…

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn bày tỏ với NNVN quan điểm về cách biến thảm họa do bão số 10 tàn phá hàng chục ngàn ha cây cao su ở miền Trung thành hướng đi mới cho nông nghiệp vùng này…


Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn.

Hàng vạn ha cao su đã bị bão tàn phá tổng thiệt hại ước tính khoảng 5.000 tỉ đồng, ông có bình luận gì?

Ngay từ khi nghe tin bão tiến vào tôi đã phán đoán thiệt hại cho cây cao su sẽ rất khủng khiếp.

Hai vạn ha cao su bị thiệt hại đồng nghĩa với có khoảng hai vạn hộ nông dân đang điêu đứng.

Họ biết lấy gì mà ăn?

Lấy gì mà trả nợ bây giờ?

Mất mát to lớn này nếu không có sự hỗ trợ cả chục năm nữa người dân cũng không gượng dậy nổi.

Đây là hậu quả của một sai lầm về chủ trương, làm trái quy hoạch mà nhiều người can ngăn cũng không nổi.

Hồi có chủ trương đưa cây cao su ra Bắc gồm Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc tôi đã nhiều lần can ngăn bằng miệng mà không ai quan tâm. Một anh Bí thư Tỉnh ủy hỏi tôi về phát triển cao su ở Bắc Trung bộ tôi khuyên không nên và càng không nên đốn rừng để trồng cao su vì rủi ro sẽ rất lớn.

Một anh Phó Chủ tịch tỉnh miền núi phía Bắc hỏi tôi chuyện phát triển cao su tiểu điền ở địa phương mình tôi bảo không có căn cứ đồng thời hỏi ai ký quyết định trồng? Anh ấy bảo anh ký, tôi nói thẳng luôn: “Dừng lại ngay nếu không ít nữa cao su thất bại anh sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Mặc, tỉnh đó vẫn tiếp tục trồng cao su.


Trắng tay sau 1 đêm, người đàn ông này bật khóc (ảnh chụp tại NT cao su Kỳ Anh - Hà Tĩnh). Ảnh: Anh Bình

Ông có thể kể vài ví dụ về những thất bại của việc bố trí cây trồng, vật nuôi không đúng?

Nông nghiệp nước ta đã nếm nhiều mùi cay đắng vì bố trí cây con không đúng rồi.

Trong suốt nửa thế kỷ chứng kiến nhiều thăng trầm của ngành trong đó có những mất mát do các quyết định đầy cảm tính và áp đặt. Đôi khi một số vị lãnh đạo của ta vì nhiệt tình nông nghiệp quá mà thúc đẩy dân làm theo những dự án không có căn cứ khoa học.

Sau giải phóng miền Nam ta đưa cao su ra Bắc bị bão, bị rét gây thiệt hại gần hết.

Ào ào ta đưa cọ dầu trồng trong Nam cũng hỏng nốt vì không thể cho năng suất cao, rồi trẩu, rồi sở, rồi mắc ten. Hết cây trồng lại đến vật nuôi thất bại như đưa cừu xứ lạnh về nuôi trong Nam, phát triển đàn trâu lấy sữa…

Rất may khi ấy quy mô chưa nhiều nên mức độ thiệt hại chưa lớn, xã hội vẫn coi đó là một bài học kinh nghiệm. Những thất bại đó dù được dư luận tha thứ nhưng vẫn để lại nỗi đau cho ngành nông nghiệp.

Ông có nói chuyện đưa cao su vào vùng miền Trung là đưa chúng vào “tử huyệt”, tại sao?

Cao su, cà phê, hồ tiêu là mấy cây công nghiệp mà thực dân Pháp đã đem vào nước ta cả trăm nay. Họ đã bố trí khảo nghiệm từ Bắc chí Nam, ở các độ cao, vĩ độ khác nhau rất kỹ và bài bản.


Buốt ruột giữa vườn cao su đang cho mủ bị đổ gãy.

Riêng về cây cao su Pháp kết luận không nên đưa ra quá vĩ tuyến 17. Vì sao vậy?

Cao su là cây nhiệt đới điển hình, có mấy yếu tố thời tiết là “tử huyệt” của nó như: Nhiệt độ, cao su phù hợp với nhiệt độ từ 25-27 độ, thấp nhất là 16 độ, cao nhất là 39 độ, bị rét hại nếu dưới 5 độ, bị chết ở không độ, rét dưới 10 độ từ 2-10 ngày sẽ thiệt hại nặng. Rất nhiều vùng miền núi phía Bắc có khí hậu như vậy.

Khi cao su gặp rét có thể chết hoặc chết một phần, nếu không chết năng suất mủ của chúng cũng không đạt, không cho hiệu quả kinh tế. Thêm vào đó ở vùng lạnh thời gian từ trồng đến khi thu hoạch kéo rất dài.

Gió, cao su rất nhạy cảm với gió, chỉ cần tốc độ gió trung bình năm 2 - 2,9 m/s đã ảnh hưởng trong khi Quảng Bình, Quảng Trị là “rốn gió” có tốc độ trung bình 2,2 - 3,9 m/s nghĩa là không có bão mà gió thôi cây cao su đã bị ức chế, ra mủ kém rồi. Gió cấp 5, cấp 6 lá cao su sẽ héo và rách; cấp 8 trở lên cây bắt đầu bị bẻ cành, gãy ngọn, trên cấp 10 toàn bộ cây ngã đổ không phục hồi được.

Quảng Bình, Quảng Trị cũng là “rốn bão” mỗi năm hứng vài trận, cứ mươi năm lại có một trận lớn nên trồng cao su sẽ rất dễ bị phá hủy. Trồng cao su ở đấy thực sự là một canh bạc với trời mà lại cứ lao vào.

Theo ông thái độ ứng xử nào phù hợp với chuyện giải quyết hậu quả của cây cao su đổ ngã?

Có hai cột ăng ten truyền hình bị đổ bởi mấy cơn bão vừa rồi đã có những kiểm điểm từ quy hoạch, thiết kế, thi công, giám sát đến chất lượng vật liệu để quy trách nhiệm. Hai cái ăng ten đó giá trị chắc trăm tỉ mà còn thế đằng này tôi tạm tính thiệt hại của bão số 10 cho cây cao su cỡ 5.000 tỉ thì không thể để nó trôi qua được.

Cần phải có chỉ đạo các bộ ngành có liên quan xác định ai quyết định trồng, ai bỏ tiền đầu tư ở đó để có biện pháp xử lý thật thỏa đáng. Đối với nông dân trồng cao su cần lo chống đói và khoanh nợ cho người ta. Đối với doanh nghiệp trồng cao su, nếu là tư nhân anh tự chịu, nếu nhà nước mà anh bỏ tiền ngân sách ra thì phải trừ vào tài sản đang sở hữu.

Vậy cần làm gì nếu bỏ cây cao su ở miền Trung?

Đó là trăn trở của tôi.

Cao su bị đổ gãy là thảm họa nhưng trong họa ta phải tìm phúc bằng cách ngồi lại với nhau mà nghĩ chuyện tái cơ cấu nông nghiệp cho vùng này.

Trước tiên phải dứt khoát nói không với chuyện trồng lại cao su.

Bài toán đặt ra cho miền Trung là cây con nào đưa vào phải phù hợp đất và khí hậu, chịu gió bão tốt, dễ làm, đầu tư ít, nhanh thu hoạch, thu nhập bằng hoặc hơn cây cao su và có thị trường ổn định.

Theo tôi nên biến vùng này thành nơi chăn nuôi quy mô lớn, hãy trồng cỏ để nuôi gia súc như bò thịt, dê thịt nhưng không nên nuôi bò sữa vì kỹ thuật cao, vì đầu tư tốn kém. Một ha cỏ thâm canh tốt năng suất 300 tấn/năm với giá bán 500.000 đ/tấn đã có 150 triệu. Một ha ấy nếu chăn nuôi được 20 con bò hoặc 50 con dê tức sẽ cho khoảng 4 tấn thịt/năm là thu 300 triệu.

Hình thành vùng chăn nuôi hiện đại ở ngay nơi khó khăn là một cơ hội biến họa thành phúc cho nông dân miền Trung.

Nhà nước cần làm gì? Cần có dự án bài bản, cần hỗ trợ giống, vốn cho dân, cần chuyển giao công nghệ, cần lôi kéo doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ vào cuộc (bao gồm cả chế biến cỏ và thực phẩm) và cho người ta vay vốn ưu đãi. Nông nghiệp là một ngành khó, trước khi làm bất cứ một cái gì không ai dám hứa hẹn sẽ chắc thắng trăm phần trăm nhưng phải điều tra kỹ, làm bài bản và làm hết trách nhiệm.

Xin cảm ơn ông !

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm