| Hotline: 0983.970.780

Biến lục bình thành sản phẩm triệu đô

Thứ Tư 17/06/2020 , 09:01 (GMT+7)

Từng được xem như “rác” bỏ đi, lục bình bỗng trở thành nguyên liệu làm các sản phẩm mỹ nghệ độc đáo xuất khẩu, thu về hàng triệu USD…

Lục bình trở thành nguyên liện quý cho ngành thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Trần Trung.

Lục bình trở thành nguyên liện quý cho ngành thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Trần Trung.

Lục bình vốn là loại bèo quen thuộc mọc nhiều ở các vùng sông nước, xưa kia người dân phải tìm cách phá bỏ vì chúng gây ách tắc giao thông đường thủy nội địa và khó khăn đánh bắt thủy hải sản.

Thế nhưng, bằng khả năng sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, các thợ thủ công tại HTX Ba Nhất đã hô biến những cây bèo bình dị ấy thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng đa dạng, đẹp mắt, giá trị kinh tế cao.

Người biến “rác” thành nguyên liệu quý

PV NNVN về thị xã Tân Uyên (Bình Dương), một địa phương nổi tiếng với các làng nghề đan lát vào một ngày nắng tháng 6. Màu nắng hanh hao “đan” vào màu vàng của những sợi lục bình phơi trải khắp các con ngõ.

Để tìm hiểu xem nghề đan lát nơi đây có tự bao giờ, nhiều người dân địa phương chỉ cho chúng tôi tìm đường đến HTX Ba Nhất.

HTX được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ trước do bà Nguyễn Thị Cúc sáng lập. Với bao biến cố, thăng trầm cùng lịch sử, dưới sự chèo lái của bà Cúc, HTX đã gặt hái nhiều thành công. Nổi bật nhất, chính bà là người đầu tiên đưa sản phẩm lục bình đến tay người tiêu dùng và “bay” ra thị trường thế giới.

Các sản phẩm làm ra được nghệ nhân trau chuốt trước khi xuất xưởng. Ảnh: Trần Trung.

Các sản phẩm làm ra được nghệ nhân trau chuốt trước khi xuất xưởng. Ảnh: Trần Trung.

Theo bà Cúc, trước khi xuất khẩu sản phẩm đan lát từ lục bình, bà đã rất thành công với các dòng sản phẩm khác từ mây, tre, lá.

Nhận thấy cây lục bình có mặt hầu hết ở các vùng miền trong cả nước với danh nghĩa như một một thực vật gây hại cho người dân nhưng lại giàu tiềm năng cho ngành đan lát, trong những năm 2000, bà đã thử sức với sản phẩm mới từ lục bình.

Sau khi gửi một số sản phẩm tí hon được bện từ cây lục bình ra thị trường thế giới, do có những đặc tính vượt trội như màu sắc bắt mắt, chất liệu bền bỉ, thân thiện môi trường… nên được đón nhận nồng nhiệt, bà tự tin vào cuộc.

Năm 2003 là bước ngoặt khi HTX đưa sản phẩm đan lát từ lục bình tham dự Hội chợ Atlanta tổ chức tại Mỹ.

Từ đây, các hãng bán lẻ hàng mỹ nghệ của Mỹ đã chú ý các sản phẩm này của Việt Nam. Sau đó, hàng ngàn mẫu sản phẩm của Ba Nhất được các hãng bán lẻ hàng đầu như Target, Ikea… nhận phân phối.

Hiện các sản phẩm của HTX có mặt trên 40 nước, đó cũng là niềm tự hào chung của giới mỹ nghệ trong nước.  

Thu chục triệu USD mỗi năm

Bà Cúc cho biết, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, nếu như buổi đầu ra mắt thị trường, HTX chỉ có vài ba mẫu thì hiện nay đã có trên 500 sản phẩm, mẫu mã các loại.

Tùy theo đối tượng đặt hàng, HTX tư vấn sản phẩm phù hợp, từ những loại đơn giản như thảm, chiếu cho đến những sản phẩm phức tạp hơn như kệ đựng báo, giỏ, làn, rổ, hộp, chậu bông các loại và kể cả các con thú cưng, bàn, ghế... đều được HTX đáp ứng.

Một sản phẩm đan lát của HTX Ba Nhất được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Ảnh: Trần Trung.

Một sản phẩm đan lát của HTX Ba Nhất được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Ảnh: Trần Trung.

“Ngoài nguyên liệu chính là lục bình, để làm đẹp cho sản phẩm, tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng, HTX còn đưa vào sử dụng các vật liệu trang trí như hoa cỏ khô, các loại dây, thừng hoặc các loại hạt cườm bằng nhựa hoặc thủy tinh để kết hoa lá lên các sản phẩm lục bình. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX luôn được khách hàng ưa chuộng so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường”, bà Cúc tự hào nói. 

Với phương châm “bán cái người ta cần, chứ không chỉ bán cái mà mình đang có”, để tăng tính cạnh tranh, Ba Nhất đã áp dụng các kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm như chuyển từ sấy bằng dầu D.O sang sấy bằng hơi nước, lắp đặt phòng bảo ôn để bảo quản sản phẩm…

Nhờ vậy, sản phẩm Ba Nhất vẫn đứng vững trên các thị trường khó tính, dù là trong giai đoạn khó khăn nhất.

Năm 2015, Ba Nhất được vinh danh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia ngay lần đầu tiên tổ chức giải. Từ đó đến nay, lần bình chọn nào, cấp nào, sản phẩm Ba Nhất cũng có giải.

“Trước đây, khách hàng của HTX Ba Nhất đặt hàng theo mùa vụ, qua các cuộc thi, khách hàng biết đến sản phẩm HTX ngày một nhiều. Hiện nay nhiều đối tác lớn có uy tín trên thế giới đã ký hợp đồng lớn với HTX Ba Nhất, trung bình mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu của HTX khoảng 8 - 10 triệu USD”, bà Cúc tiết lộ.

Ngôi nhà lớn của người lao động

Bên cạnh việc biến “rác” thành mặt hàng thủ công mỹ nghệ giá trị triệu đô, HTX  Ba Nhất còn được biết đến là đơn vị chăm lo, giải quyết việc làm cho cả ngàn lao động nông thôn.

Vừa đan giỏ lục bình, bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1963) ngụ phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên cho biết, hoàn cảnh gia đình bà khó khăn, chồng mất sớm một mình bà nuôi 2 đứa con nhỏ. Khi con cái trưởng thành, bà phụ chăm sóc 3 đứa cháu nhỏ cho các con đi làm công nhân. “Nhờ HTX tạo công ăn việc làm nên cuộc sống của bà cháu khá ổn định”, bà Hiền tâm sự.

Bên cạnh gần 1.000 công nhân tại các xưởng sản xuất chính, HTX Ba Nhất còn được biết đến là nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh, từ những người nghèo khó, lầm lỡ, mù chữ, thậm chí vào tù ra tội… đều được HTX dang tay đón nhận tạo công ăn việc làm.

Dù tuổi cao, bà Nguyễn Thị Hiền vẫn được HTX tạo công ăn việc làm ổn định. Ảnh: Trần Trung.

Dù tuổi cao, bà Nguyễn Thị Hiền vẫn được HTX tạo công ăn việc làm ổn định. Ảnh: Trần Trung.

Bà Phạm Thị Kim, một nghệ nhân gắn bó hơn 20 năm với HTX Ba Nhất cho biết: Công việc đan lát không khó, đan lục bình càng dễ hơn, mọi lứa tuổi đều làm được. Người thợ chỉ cần bện lục bình theo khung, như thế các sản phẩm làm ra đồng đều và chuyên nghiệp, rút ngắn thời gian sản xuất.

Trong trong qua trình hình thành, xây dựng, phát triển HTX Ba Nhất còn dựng vợ, gả chồng cho hàng trăm đôi uyên ương là lao động của HTX. Cùng với đó là hỗ trợ nhà ở, vốn làm ăn, kinh phí lo cho con em công nhân lao động được ăn học tới nơi tới chốn, lễ tết công nhân đều được nhận quà và hỗ trợ tiền xe về quê ăn tết…

Anh Nguyễn Đình Nghĩa, quản lý phân xưởng sản xuất của HTX Ba Nhất cho biết, để người lao động gắn bó với HTX, làm việc ở đây, mỗi gia đình còn được cấp chỗ ở, lo ăn miễn phí ngày ba bữa...  “HTX Ba Nhất như mái nhà chung của những mảnh đời bất hạnh. Nhờ mái nhà chung này mà nhiều người thành đạt, chung sức cùng HTX xây dựng đơn vị ngày càng phát triển”, anh Nghĩa nói.

Covid-19 chỉ là khó khăn nhất thời

Phó Chủ nhiệm HTX Lê Thanh Tùng chia sẻ, vấn đề khó khăn nhất hiện nay Ba Nhất gặp phải đó là tác động của dịch Covid-19 do hầu hết các nước đóng cửa khẩu. Trước đây mỗi tháng công ty xuất được hàng chục container, nhưng hiện nay lượng hàng xuất khẩu của công ty đã giảm hơn 50%.

Tuy nhiên, HTX xác định khó khăn trên chỉ nhất thời, HTX cố gắng tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa nhằm duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho công nhân tại HTX và hàng ngàn lao động thời vụ.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.