Trong bài phát biểu tại Quốc hội Anh và trước cuộc họp của EU bàn các biện pháp trừng phạt tăng cường nhằm vào Nga sau vụ máy bay dân dụng bị bắn hạ ở Ukraine, Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi EU thực hiện một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế nhằm vào Nga.
Ông Cameron cũng đề nghị các nước EU đồng lòng về các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ; cấm vận đa lĩnh vực từ thị trường vũ khí, ngân hàng đến năng lượng và hàng không.
Ông Cameron còn khẩn thiết kêu gọi đóng băng tài sản, tài khoản và cấm vận trực tiếp đối với các đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thủ tướng David Cameron phát biểu tại Quốc hội Anh
Theo Daily Mail, được cho là “nhắc nhở” châu Âu về quá khứ bị uy hiếp bởi nước Đức quốc xã những năm 1930 - 1940, ông Cameron giải thích: “Tất cả chúng ta ở châu Âu này chắc không cần phải nhắc lại hậu quả của việc phớt lờ hành động ức hiếp mà một nước lớn nhằm vào các nước nhỏ hơn. Chúng ta sẽ đánh mất an ninh ngoại giao và an ninh kinh tế nếu không dám đương đầu với sự thật là một quốc gia châu Âu đang bị nước Nga thao túng và gây hỗn loạn. Nếu chúng ta để việc đó xảy ra, nhiều nước khác sẽ trở thành nạn nhân”.
Hợp đồng sản xuất tàu quân sự cỡ lớn chở trực thăng Mistral của Pháp cho Nga cũng bị ông Cameron chỉ trích.
Đã nhiều lần Tổng thống Pháp Francois Hollande từ chối can thiệp để hủy hợp đồng - trị giá 1 tỷ bảng mỗi chiếc Mistral - dù bị sức ép từ một số nước EU và Mỹ. Đây là hợp đồng có ý nghĩa với nền kinh tế Pháp đang cần nguồn thu và tạo thêm việc làm.
Con tàu Mistral chưa hoàn thiện
Anh đang là quốc gia có quan điểm tấn công trực diện vào Nga và chính quyền của Tổng thống Putin, kể từ thời điểm Nga sáp nhật Crimea đến việc hỗ trợ cho lực lượng ly khai ở Ukraine, đặc biệt là việc chiếc Boeing 777 bị bắn hạ làm 298 người thiệt mạng.
Nghị viên đảng Bảo thủ Anh, Bob Stewart - cựu chỉ huy lực lượng Liên hợp quốc gìn giữ hòa bình ở Bosnia đề xuất NATO triển khai quân đồn trú tại các nước vùng Balkan và Ba Lan.
Một nghị viên khác là bà Anne Marie Morris thì đề xuất Anh đưa ra kiến nghị hủy bỏ tư cách nước đăng cai World Cup 2018.
Tổng thống Putin thị sát một cơ sở sản xuất thiết bị hàng không hôm 20/7
Tuy nhiên, tình hình nội bộ EU vẫn có nhiều e ngại nếu phải áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Nga.
Nhiều nước lo ngại ảnh hưởng ngược nhằm vào nền kinh tế của họ nếu Nga bị trừng phạt.
Đức và Italy là hai nước lo ngại nhất.
Italy đang suy thoái lại còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga.
Đức có khoảng 6.000 doanh nghiệp làm ăn mật thiết với Nga. Kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Nga năm 2013 đạt 38 tỷ eurro (51 tỷ USD), cao nhất trong các nước EU.
30% nhu cầu năng lượng của Đức cũng phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.
Hà Lan - quốc gia có nhiều nạn nhân nhất trong vụ rơi máy bay MH17 – phụ thuộc 100% vào nguồn cung năng lượng từ Nga, trong đó có tỷ lệ ít ỏi từ các nước thuộc khối Xô viết trước đây.
Cũng cần lưu ý rằng kim ngạch thương mại của EU xuất sang thị trường Nga trị giá 267,5 tỷ euro (số liệu năm 2012), vượt xa Mỹ với mức 18,9 tỷ euro.
Stefan Hedlund, một chuyên gia về Nga tại Đại học Uppsala (Thụy Điển) cho rằng nếu phát động một cuộc chiến kinh tế toàn diện nhằm vào Nga, nền kinh tế Nga sẽ rơi vào suy thoái trầm trọng, nhưng nền kinh tế Ukraine sẽ sụp đổ tan tành còn khối đồng tiền chung euro không biết bao giờ mới hồi phục nổi.
Anh là quốc gia không sử dụng đồng euro và có nền kinh tế khá độc lập với khối này dù là quốc gia thành viên EU.