Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 26/3 khẳng định cuộc khủng hoảng ở Ukraine cần phải được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị thay vì áp đặt thêm những trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về chính sách hiện nay của Đức đối với Nga, Thủ tướng Merkel nêu rõ Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng lệnh trừng phạt cấp độ 2 đối với Nga gồm hạn chế đi lại, giới hạn quy chế cấp thị thực (visa) và phong toả tài khoản đối với nhiều quan chức.
Ngày 26/3, Ukraine đã nhất trí tăng mạnh giá khí đốt ở thị trường trong nước lên tới 50% nhằm đáp ứng một điều kiện cho vay chủ chốt từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chính quyền mới ở Kiev do phương Tây hậu thuẫn đang tìm kiếm khoản viện trợ từ IMF trị giá 15-20 tỷ USD nhằm cân đối thu chi và trả các khoản vay nước ngoài sắp đến hạn. |
Tuy nhiên, EU vẫn chưa đi tới cấp độ thứ ba là trừng phạt kinh tế, ngoại trừ các sản phẩm ở Crimea. Bà Merkel bày tỏ hy vọng có thể tránh được các biện pháp trừng phạt tiếp theo này.
Theo Thủ tướng Merkel, các cuộc tiếp xúc kinh tế vẫn diễn ra và Berlin mong muốn giảm căng thẳng thay vì leo thang cuộc xung đột hiện nay. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức cũng cảnh báo trong trường hợp có thêm thoả thuận quốc tế bị vi phạm, châu Âu sẽ sẵn sàng cùng với Mỹ có phản ứng cứng rắn với Nga.
Tuyên bố trên của Thủ tướng Merkel được đưa ra sau khi cùng ngày, Chủ tịch tập đoàn Siemens của Đức Joe Kaeser có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva.
Tại cuộc gặp, ông Kaeser khẳng định với nhà lãnh đạo Nga rằng Siemens vẫn sẽ mở rộng đầu tư lâu dài ở Nga, nơi Siemens đã thiết lập quan hệ kinh doanh từ 160 năm nay.
Liên quan những lời đe doạ về trừng phạt kinh tế Nga, nhiều chuyên gia kinh tế Đức cho rằng việc trừng phạt cấp độ ba với Nga sẽ có tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Đức.
Kim ngạch thương mại Đức-Nga năm 2013 đã đạt 76 tỷ euro trong khi hiện có khoảng 6.000 công ty Đức đang đầu tư và hợp tác ở Nga. Tổng giá trị đầu tư của các doanh nghiệp Đức ở Nga đã lên tới 20 tỷ euro và hiện có khoảng 300.000 việc làm ở Đức phụ thuộc vào mối quan hệ kinh tế với Nga.