Việc gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa trong một vài tháng gần đây đã đem lại động lực không nhỏ cho các loạt động kinh doanh, bán lẻ và tiêu dùng, tạo ra niềm tin không nhỏ ở nhiều chuyên gia kinh tế, là cơ sở để họ cập nhật các dự báo tăng trưởng theo chiều hướng tích cực. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, biến thể Delta lây nhiễm mạnh và giờ đã là thể virus giữ nhịp chính cho đà nhiễm mới ở hầu khắp các quốc gia châu Âu, đưa nhiều nơi trở lại với tốc độ lây nhiễm cao kỷ lục tưởng chừng đã đi qua hẳn.
“Tôi có lo lắng tăng trưởng sẽ bị chệch đà do biến thể Delta”, Erik Nielsen - kinh tế gia trưởng tại UniCredit nêu ý kiến. Trước đó, tổ chức tài chính này tự tin nâng cấp dự báo tăng trưởng khu vực đồng EUR từ 4 lên 4,5%. Nielsen cho rằng, thêm một lần phong tỏa nữa thì tình hình sẽ thực sự tồi tệ vì thời gian đến hết năm không còn nhiều và lo ngại nhất là tâm lý lưỡng lự từ các nguồn đầu tư có thể còn để lại hệ quả trầm trọng hơn là tác động trực tiếp từ các biện pháp hành chính để chống dịch.
Mới thứ Sáu tuần trước, Đức cùng với Pháp lại đưa ra cảnh báo công dân không đến Tây Ban Nha nếu không cần thiết, khi tốc độ lây nhiễm tại nước này tăng vọt trở lại, vượt qua quốc gia Bồ Đào Nha láng giềng để trở thành nơi lây nhiễm cao nhất châu lục. Đó thực sự là cú sốc mới với Tây Ban Nha, khi mùa hè vừa mới bắt đầu mang theo hy vọng hồi sinh quan trọng cho ngành du lịch.
Pablo Hernández de Cos, Thống đốc Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha chống chế, các dự báo tăng trưởng mạnh được đưa ra trước đó là do “dựa trên giả định cuộc khủng hoảng y tế sẽ qua đi sau mùa hè và ngành du lịch đạt được một nửa ngưỡng doanh thu so với trước đại dịch” (năm ngoái, kinh tế du lịch của Tây Ban Nha chỉ thu bằng 1/5 so với trước đại dịch). Ông Pablo thừa nhận, “ở thời điểm này mọi điều đều chưa có gì chắc chắn do sự hoành hành của biến thể mới (Delta)”.
Cũng hôm thứ Sáu, Hà Lan tuyên bố hạn chế các sự kiện ngoài trời và áp đặt giới hạn cho hoạt động của các nhà hàng, quán cà phê, hộp đêm, chỉ sau đúng 2 tuần gỡ bỏ. Tốc độ lây nhiễm ở Hà Lan đã tăng 10 lần trong vòng 2 tuần qua, đưa mức nhiễm mới hàng ngày trở lại con số khoảng 7.000 người.
Cộng hòa Síp cũng có quy định giới hạn số người được tham dự sự kiện sau khi số người nhiễm hàng ngày đạt đỉnh cao mới từ tuần trước. Trong khi đó, Bồ Đào Nha quy định những ai đi nghỉ hè phải có chứng nhận đã tiêm vacxin, xét nghiệm âm tính hoặc đã khỏi bệnh, thậm chí chỉ được ở trong phòng khách sạn và ăn trong khách sạn tại nơi nghỉ.
Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Châu Âu thông báo, mức độ lây nhiễm ở châu lục này và khu vực kinh tế châu Âu đã tăng 51,6% trong tuần trước. Điều may là số người nhập viện và tử vong vẫn được giữ ổn định. Cơ quan này dự báo trong vòng 4 tuần tới, tốc độ lây nhiễm sẽ tăng lên 90% tính trên 100.000 dân. “Có nhiều lý do để lo lắng, mối nguy hiểm vẫn tồn tại và tác động tiêu cực luôn trực chờ”, Carsten Brzeski - chuyên gia kinh tế vĩ mô ở tổ chức ING nhận xét.
Tuần vừa rồi, Ủy ban Châu Âu nâng mức tăng trưởng dự báo cho năm 2021 cho khối EU lên 4,8% sau một năm tăng trưởng bị sụt giảm 6,2%. Đó là mức dự báo tăng mạnh nhất kể từ năm 1976, tuy nhiên cũng chỉ đưa EU trở lại đúng với trước khi bùng đại dịch.
Paolo Gentiloni, ủy viên phụ trách kinh tế của EU nói rằng, các dự báo đều xây dựng trên giả định không có làn sóng lây nhiễm mới bởi biến thể Delta, nhưng ông tự tin sẽ không có các lệnh phong tỏa hay giới hạn gay gắt như thời gian chống dịch đã qua. “Chỉ cần một số quốc gia quan trọng duy trì được đà nới lỏng, mở cửa (thì mọi chuyện sẽ ổn)”, ông Gentiloni nói.
Nhìn tổng thể thì có vẻ như ông Gentiloni có cơ sở để tin tưởng, bởi ở châu Âu hiện nay biến thể Delta chủ yếu nhằm vào nhóm người độ tuổi trẻ và họ có sức đề kháng tốt nên dễ vượt qua bệnh hơn, Bằng chứng là tỷ lệ nhập viện và tử vong không có dấu hiệu tăng. Nhóm công dân trẻ ở châu Âu cũng có khoảng 44% đã được tiêm đủ mũi vacxin. “Cân nhắc đặt hoạt động kinh tế lên trước mối nguy y tế có khả năng sắp trở thành xu thế chủ đạo”, Kallum Pickering - chuyên gia kinh tế từ tổ chức Berenberg hy vọng.