Theo đó, bắt đầu từ 12 giờ trưa ngày 9/11, các đơn vị thực hiện lệnh cấm biển, nghiêm cấm không cho tàu thuyền xuất bến cho đến khi có bản tin thông báo cuối cùng về bão số 12.
Song song, triển khai kiểm tra, rà soát số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản, tàu hàng, bố trí sắp xếp hợp lý, an toàn, nhất quyết không để người dân ở lại trên tàu, lồng bè khi bão vào.
Đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch ở khu vực ven biển; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là các tuyến đường ven biển, cầu Thị Nại, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Chỉ đạo, hướng dẫn giằng chống, gia cố nhà cửa, trường học, bệnh viện và các công trình công cộng, đặc biệt lưu ý đến các công trình cột, tháp cao, biển quảng cáo, nhà cao tầng đang thi công, phòng khi gió giật mạnh.
Bên cạnh đó, triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, dễ bị ngập lụt chia cắt và các khu vực người dân sống ven các chân núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Các đơn vị chức năng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập và khu vực hạ du; nhất là đối với 15 hồ chứa nước xung yếu, các công trình đang thi công. Hiệu trưởng các trường học theo dõi diễn biến của bão lũ, khi xuất hiện lũ lớn thì chủ động cho học sinh nghỉ học.
“Các địa phương chủ động triển khai phương án sơ tán các hộ dân ở ven biển, vùng ngập lụt và vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn. Chuẩn bị lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực ngập dài ngày, địa hình chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông an toàn thông suốt.
Các đơn vị phải cử người túc trực 24/24 giờ, liên tục cập nhật thông tin, báo cáo tình hình tại địa phương, đơn vị về Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh để lãnh đạo tỉnh biết, chỉ đạo”, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo.