| Hotline: 0983.970.780

Thúc đẩy giải pháp sinh học, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ

Những "hiệp sỹ" tìm diệt bọ cánh cứng hại dừa

Thứ Hai 01/03/2021 , 17:20 (GMT+7)

Nhờ sử dụng biện pháp sinh học, nhất là sử dụng ong ký sinh và bọ đuôi kìm làm thiên địch, tình hình gây hại của bọ cánh cứng hại dừa đã giảm mạnh.

Nhân nuôi ấu trùng bọ cánh cứng làm ký chủ cho ong ký sinh trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Minh Đảm.

Nhân nuôi ấu trùng bọ cánh cứng làm ký chủ cho ong ký sinh trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Minh Đảm.

Ong ký sinh 

Bọ cánh cứng là dịch hại nguy hiểm cho cây dừa. Vườn dừa bị nhiễm bệnh nặng nhiều khả năng chết cây. Bên cạnh giải pháp dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giải pháp dùng thiên địch để khống chế hiệu quả bọ cánh cứng hại dừa (sau đây viết tắt là BCCHD) gây hại được ứng dụng rộng rãi trong thời gian qua.

Ngoài tự nhiên, vòng đời của BCCHD dài từ 35-45 ngày. Chúng trải qua các giai đoạn gồm trứng, ấu trùng, nhộng và thành trùng (trưởng thành). Trừ giai đoạn nhộng kéo dài từ 4-8 ngày, khoảng thời gian còn lại là giai đoạn gây hại của bọ cánh cứng.

Ấu trùng và trưởng thành của BCCHD gây hại bằng cách cạp biểu bì của lá, tạo ra các vệt màu đen song song với gân lá, làm cho các lá bị khô héo, còi cọc. Nếu mật số cao có thể làm chết cây. BCCHD thường gây hại nặng vào mùa nắng và trên các cây dừa nhỏ, dừa mới trồng.

Ong ký sinh Tetrastichus brontispae ký sinh trên ấu trùng bọ cánh cứng. Ảnh: Minh Đảm.

Ong ký sinh Tetrastichus brontispae ký sinh trên ấu trùng bọ cánh cứng. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, Trung tâm BVTV phía Nam (Cục BVTV) đang nhân nuôi hai loài ong ký sinh có tên khoa học là Tetrastichus brontispae và Asecodes hispinarum cùng với bọ đuôi kìm, là những thiên địch của đối tượng dịch hại bọ cánh cứng hại dừa. Trong đó, ong Tetrastichus brontispae sẽ ký sinh trên nhộng, còn ong Asecodes hispinarum sẽ ký sinh ở giai đoạn ấu trùng của bọ cánh cứng.

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Dung, cán bộ Phòng kỹ thuật và chuyển giao (Trung tâm BVTV phía Nam) cho biết: Khi có ong ký sinh, chúng sẽ chích vào ấu trùng (hoặc nhộng) của BCCHD, khiến chúng không thể phát triển vòng đời thứ hai và biến chúng thành vật thể nuôi ấu trùng ong non (gọi là mumy).

Sau đó, khoảng 17 ngày, ong sẽ vũ hoá (trưởng thành và chui ra ngoài) thì có thể phóng thích ngoài đồng. Mỗi mumy sẽ có khoảng 10 con ong nở ra. Ong trưởng thành tự tìm các ấu trùng hoặc nhộng của bọ cánh cứng để tiếp tục chu kỳ sinh sản kế tiếp. Từ đó, mật độ của ấu trùng và nhộng của BCCHD bị giảm dần, không thể gây hại nghiêm trọng cho cây dừa.

Bọ đuôi kìm

Bên cạnh ong ký sinh, bọ đuôi kìm cũng là "đối thủ" giúp tiêu diệt rất hiệu quả BCCHD.

Bọ đuôi kìm là thiên địch bắt mồi. Chúng đi săn ấu trùng bọ cánh cứng để làm thức ăn. Để nuôi bọ đuôi kìm, cần làm tổ cho chúng. Mỗi tổ 3 con được và 5 con cái. Khi bọ đuôi kìm đẻ xong thì lấy trứng ra để nhân nuôi. Sau khoảng 8 tuần, bọ trưởng thành, có thể đem ra thả ngoài tự nhiên.

Bọ đuôi kìm, thiên địch bắt mồi, tiêu diệt ấu trùng bọ cánh cứng hại dừa. Ảnh: Minh Đảm.

Bọ đuôi kìm, thiên địch bắt mồi, tiêu diệt ấu trùng bọ cánh cứng hại dừa. Ảnh: Minh Đảm.

Về quy trình nhân nuôi và phóng thích bọ đuôi kìm làm thiên địch, ông Lê Phước Thuận, cán bộ Phòng Kỹ thuật chuyển giao (Trung tâm BVTV phía Nam) cho biết: Tuỳ theo tình trạng bị gây hại của cây dừa, nếu cây bị nhiễm bệnh nặng có thể thả 10 con bọ đuôi kìm để chúng tấn công, tiêu diệt BCCHD. Bình thường, nên thả khoảng 5 con. Nếu không hiệu quả mới bổ sung thêm. 

Mấy năm nay, nhờ việc nghiên cứu, phổ biến nhân rộng áp dụng ong ký sinh và bọ đuôi kìm làm thiên địch, việc quản lý BCCHD đã có chuyển biến rất tích cực.

Năm 1999, dịch BCCHD lần đầu xuất hiện (cao điểm vào năm 2014). Từ đó đến nay, khuynh hướng dịch hại này đã giảm dần. Trước khi áp dụng ong ký sinh và bọ đuôi kìm làm thiên địch, để bảo vệ vườn dừa, biện pháp dùng thuốc BVTV đã được sử dụng để tiêu diệt BCCHD. Việc dùng thuốc BVTV có hiệu quả cao nhưng khả năng tái nhiễm cũng rất nhanh.

Bên cạnh đó, biện pháp hoá học cũng rất khó khả thi với các vườn dừa lâu năm vì nông dân không thể trèo lên cao để phun thuốc. Hơn nữa, vòng đời của BCCHD chỉ hơn một tháng là có một lứa mới, nên việc nông dân leo trèo thường xuyên sẽ rất khó khăn và nguy hiểm. Do đó, từ khi áp dụng phòng trừ BCCHD bằng thiên địch, đặc biệt là dùng ong ký sinh thì nông dân rất an tâm. Bởi vì ong có thể phát tán theo gió, tầm hoạt động rộng lớn.

Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam kiểm tra mumy ong ký sinh trước khi chuyển giao cho các địa phương phóng thích ra tự nhiên. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam kiểm tra mumy ong ký sinh trước khi chuyển giao cho các địa phương phóng thích ra tự nhiên. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, Trung tâm BVTV phía Nam đã hoàn thiện được quy trình nhân nuôi ong ký sinh ấu trùng, ong ký sinh nhộng và bọ đuôi kìm. Những quy trình này đã được Hội đồng Khoa học của Cục BVTV công nhận là tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trung tâm BVTV phía Nam đã chuyển giao các tiến bộ khoa học này cho các địa phương để quản lý BCCHD.

Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết thêm: Hàng tháng, tùy theo nhu cầu của từng địa phương Trung tâm đều gửi các mumy ong ký sinh và bọ đuôi kìm về các tỉnh để phóng thích ra tự nhiên và cũng để địa phương có nguồn con giống nhân nuôi. Bình quân mỗi tháng, Trung tâm gửi các địa phương khoảng 3.000 con mumy cho cả hai loài ong ký sinh và 2.000 - 4.000 bọ đuôi kìm.

Riêng tháng 11/2020, trong Đề án phòng trừ BCCHD giai đoạn 2015 - 2020, Cục BVTV đã đặt hàng để Trung tâm nhân nuôi và phóng thích 70.000 con bọ đuôi kìm. Tháng 12/2020, Trung tâm cũng đã phóng thích 50.000 mumy ong Tetrastichus brontispae.

Năm 2020, Trung tâm đã chuyển giao để các địa phương đã phóng thích ra môi trường tự nhiên trên ước tính trên 1,6 triệu con ong, diện tích áp dụng 673 ha, cùng với đó là 83.500 con bọ đuôi kìm, diện tích được phóng thích là 108ha.

Biện pháp sinh học không chỉ áp dụng trên cây dừa mà còn có thể áp dụng trên nhiều SVGH trên cây trồng khác như sâu đục thân lúa, sâu đục thân mía. Hiện nay Trung Quốc đã xã hội hóa việc này, nhà nước đặt hàng các HTX, công ty tư nhan nhân thả ong mắt đỏ ký sinh sâu đục thân mía rất thành công.

Hướng đi cho canh tác dừa hữu cơ

Cả nước hiện có gần 180.000 ha dừa, tập trung chủ yếu ở vùng ĐBSCL (gần 150.000 ha) và Duyên hải Nam Trung bộ (15.000 ha).

Cây dừa không chỉ mang lại giá trị từ quả dừa tươi mà còn có giá trị trong sản xuất mỹ nghệ và công nghiệp chế biến.

Dừa là loại cây dễ trồng, có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, có thể chống chịu và tồn tại được trong những điều kiện khắc nghiệt của môi trường như khô hạn, ngập úng, đất cát nghèo dinh dưỡng, nước mặn xâm nhập, bão tố…

Sử dụng thiên địch là hướng đi hiệu quả để phát triển mặt hàng dừa theo hướng hữu cơ, bền vững. Ảnh: TL

Sử dụng thiên địch là hướng đi hiệu quả để phát triển mặt hàng dừa theo hướng hữu cơ, bền vững. Ảnh: TL

Thực tế nhiều vùng trọng điểm trồng dừa của tỉnh Bến Tre cho thấy, hàng năm bị nước mặn 4‰ xâm nhập 3-4 tháng nhưng nhiều giống dừa phát triển rất tốt và vẫn cho năng suất cao.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và việc nhập các giống cây trồng mới đã làm phát sinh nhiều loại sinh vật gây hại (SVGH) mới hoặc SVGH thứ yếu bùng phát trở thành chủ yếu. Điển hình là bọ cánh cứng hại dừa.

Để thúc đẩy việc phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa (BCCHD) bằng biên pháp sinh học, năm 2016, Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định số 4514/QĐ-BNN-BVTV phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng biện pháp sinh học trong phòng trừ BCCHD, giai đoạn 2017 – 2020 ở 15 tỉnh bị BCCHD gây hại nhiều (Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau). Trong đó, sử dụng ong ký sinh (Asecodes hispinarum, Tetrastichus brontispae) và bọ đuôi kìm (Chelisoches variegatus) để kiểm soát BCCHD.

Theo Cục BVTV, sau 4 năm thực hiện, đã có hơn 13 triệu con ong ký sinh, phóng thích trên 2.000 ha dừa bị hại nặng và gần 300 ngàn con bọ đuôi kìm được phóng thích trên diện tích 500 ha, góp phần kiểm soát rất hiệu quả đối với BCCHD, giảm thiệt hại do gây ra tại các tỉnh trồng dừa trọng điểm.

Ong ký sinh và bọ đuôi kìm sau khi phóng thích đều tồn tại và tự nhân số lượng trong tự nhiên nên sau mỗi năm chỉ cần thả bổ sung ở nững nơi cũ và thả ở nơi mới để tăng diện tích ứng dụng.

Quy trình nhân nuôi, phóng thích ong ký sinh và bọ đuôi kìm cũng được Cục BVTV liên tục cập nhật, bổ sung như cải tiến nguồn thức ăn nhân nuôi BCCHD, thay đổi giá thể và thức ăn nhân nuôi bọ đuôi kìm…

Quy trình nhân thả ong ký sinh và bọ đuôi kìm đã được chuyển giao cho 15 tỉnh trong đề án. Tuy nhiên ở địa phương do thiếu nhân lực và cơ sở vật chất rất khó khăn để nhân nuôi ong hiệu quả. Trong khi đó nhân thả bọ đuôi kìm thì nông dân có thể dễ dàng thực hiện tại vườn dừa của gia đình.

Thông qua việc sử dụng ong ký sinh và bọ đuôi kìm, trong mô hình nông dân đã không còn sử thuốc BVTV để phòng trừ BCCHD, góp phần giảm thuốc hóa học tăng khả năng canh tác dừa hữu cơ và nâng cao giá trị sản phẩm dừa.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Bình luận mới nhất