Ông Diệp Huỳnh Khôn ở ấp Chà Dư xã Lương Hoà A (huyện Châu Thành, Trà Vinh) kể, trước khi trồng dưa lưới, gia đình ông trồng hoa Lài với nguồn thu nhập bấp bênh.
Năm 2018, được sự gợi ý của người thân trong gia đình, ông Khôn đã trồng thử nghiệm cây dưa lưới. Nói là làm, ông Khôn cải tạo 1.000 m2 đất để xây dựng nhà màng, trồng thử nghiệm 2.500 dây dưa lưới với tổng chi phí đầu tư khoảng 350 triệu đồng.
Sau 75 - 80 ngày xuống giống, cây dưa lưới cho thu hoạch với năng suất đạt 3,5 tấn, bán giá 60.000 đồng/kg. Lãi 80 triệu đồng ở vụ đầu tiên nên ông Khôn rất phấn khởi. Ông Khôn đã bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị cây giống cho vụ tiếp theo.
Vì trồng trong nhà màng nên dưa không bị ảnh hưởng vào những tháng mùa mưa, nên mỗi năm gia đình ông Khôn sản xuất đều đặn 4 vụ dưa lưới, thu lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu đồng. Hiện ông đang trồng các giống dưa lưới và dưa lê Hàn Quốc, thị trường tiêu thụ các loại dưa này chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu thông qua thương lái.
Theo chia sẻ của ông Diệp Huỳnh Khôn, những ngày đầu mới trồng dưa lưới, ông phải thuê nhân công để thụ phấn cho cây khi tới đợt. Với 1.000m2, mỗi vụ ông đều đặn trồng từ 2.500 đến 2.700 dây dưa lưới.
Nếu thuê nhân công, phải 3-4 người thực hiện trong hai ba ngày, vì thụ phấn cho dưa lưới khá cầu kỳ. Người thụ phấn phải hái từng hoa đực úp lên hoa cái. Dù vất vả nhưng tỷ lệ đậu trái không cao. Vì vậy, ông Khôn nghĩ ra cách nuôi ong mật ngoài vườn điều, đến đợt thụ phấn chỉ cần thả ong vào chừng non nửa buổi là xong.
Ông chia sẻ, trước đây, do tự thụ phấn bằng hao tốn công, gia đình ông đã liên hệ các cơ sở nuôi ong ở tỉnh Bình Phước mua con giống về nuôi. Tới đợt thụ phấn cho cây, ông chỉ việc mang ong vào vườn để chúng thụ phấn cho dưa.
Khi thấy đạt hiệu quả tốt, ông đem thùng ong ra môi trường tự nhiên. Con ong thụ phấn tự nhiên, giúp tiết kiệm nhân công lao động mà tỷ lệ đạt cũng cao hơn nhiều so với tự thụ phấn bằng thủ công, tỉ lệ thành công đạt tới trên 90%.
Theo kinh nghiệm của ông Khôn, nhiệt độ trong nhà màng rất cao trên 40 độ C, nên tỷ lệ hao hụt ong cao. Vì vậy, cần nhanh chong thả ong ra môi trường tự nhiên để đàn ong phục hồi.
Ông Thạch Chanh Thi, Chủ tịch Hội ND xã Lương Hòa A cho biết: Hiện nay, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của ông Diệp Huỳnh Khôn được các ngành chức năng địa phương đánh giá, có thể nhân rộng. Từ thành công của mô hình, hiện xã Lương Hoà A đã thành lập Tổ sản xuất dưa lưới với 17 thành viên. Các thành viên được Hội Nông tỉnh hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng mỗi mô hình.
Dưa lưới sau thời gian trồng gần 03 tháng cho thu hoạch, với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, trên diện tích 1.000m2 trồng dưa lưới và màu trong nhà màng, nông dân có thể đạt lợi nhuận 120-180 triệu đồng/năm, cao gấp 10 lần so với trồng lúa trước đó.
Ông Nguyễn Tường Linh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho rằng, trồng dưa lưới và màu trong nhà màng sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước. Nhà màng ngăn ngừa được côn trùng tấn công nên hạn chế sâu bệnh, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy bảo vệ được môi trường. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Để phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh ủy Trà Vinh đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, ưu tiên đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, phổ biến các giống mới, các quy trình sản xuất hiệu quả và tăng cường công nghệ tưới tiết kiệm nước...
Toàn tỉnh hiện có gần 17.000ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 4,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Các công nghệ như phun bán tự động, nhà lưới, thủy canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, nuôi trồng thủy sản thâm canh, siêu thâm canh…