| Hotline: 0983.970.780

Bình Định quyết chặn đứng đánh bắt hải sản bất hợp pháp

Thứ Sáu 03/11/2017 , 09:45 (GMT+7)

“Thẻ vàng” mà Liên minh châu Âu (EU) rút phạt các mặt hàng hải sản Việt Nam đã khiến nhà chức trách của tỉnh có lực lượng tàu đánh bắt hải sản xa bờ hùng hậu như Bình Định phải “cuống” lên.

Bởi trong những năm qua, nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định vi phạm đánh bắt bất hợp pháp bị nước ngoài bắt giữ. Chính quyền và ngành chức năng tỉnh này đang dùng mọi biện pháp để ngăn chặn tình trạng này.
 

“Thẻ vàng EU”, gánh nặng của DN xuất khẩu hải sản

Đối với 1 DN chuyên xuất khẩu hải sản mà thị trường chính là EU như Cty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), chiếc “thẻ vàng” dành cho các mặt hàng hải sản Việt Nam đã khiến hoạt động của đơn vị lâm vào cảnh bế tắc. Dẫu chiếc “thẻ vàng” này chủ yếu để “răn đe” hoạt động đánh bắt bất hợp pháp của ngư dân, nhưng các DN xuất khẩu hải sản lại là đối tượng trực tiếp lãnh đủ.

16-07-35_2
Hoạt động đánh bắt xa bờ của tàu cá Bình Định

Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc BIDIFISCO, các đội tàu khai thác hải sản xa bờ của Việt Nam liên tục xâm phạm vùng biển của các nước trên thế giới, nhiều nhất là Indonesia, Malaysia, Phippines… Những tàu vi phạm này được EU gọi là tàu đánh bắt bất hợp pháp, theo đó sản phẩm đánh bắt của các tàu này cũng được xem là sản phẩm bất hợp pháp, thế là họ tẩy chay. Trong khi đó, ở Việt Nam thì sản phẩm của tàu đánh bắt hợp pháp và bất hợp pháp “vàng thau lẫn lộn”.

DN thu mua hải sản để chế biến thì không thể phân biệt đâu là sản phẩm hợp pháp đâu là sản phẩm không hợp pháp, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào không minh bạch. Do vậy, EU nghi ngờ và bị “ám ảnh” nguyên liệu chế biến của các DN dính dáng đến sản phẩm của những tàu cá đánh bắt không hợp pháp, vậy là “thẻ vàng” được rút ra.

“EU muốn Việt Nam tăng chế tài xử phạt nhằm ngăn chặn nạn tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển các nước khác, họ cũng đòi hỏi Việt Nam phải có công cụ quản lý được tàu đánh bắt xa bờ để ngăn chặn vi phạm; ngành thủy sản phải quản lý được các thông tin cụ thể về ngư trường, nguồn nguyên liệu từ loài cá được phép hay không được phép đánh bắt. Thật sự mà nói, những vấn đề này Việt Nam làm chưa được tốt. EU nhắc nhở lâu rồi, nhưng vì ta chưa chấn chỉnh kịp nên EU mới rút “thẻ vàng” đối với các sản phẩm hải sản của Việt Nam”, bà Lan chia sẻ...
 

Phải mạnh tay

Bình Định hiện đang có lực lượng tàu cá đánh bắt hải sản rất hùng hậu với hơn 7.300 chiếc, trong đó có hơn 3.000 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ. Đây chính là mối lo lớn của chính quyền và ngành chức năng tỉnh này. Bởi, với số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ nhiều đến vậy thì công tác quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn, nên trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra nhiều trường hợp tàu cá đánh bắt bất hợp pháp bị nước ngoài bắt giữ. Do đó, để góp phần “giải” chiếc “thẻ vàng” của EU, Bình Định đang dùng mọi biện pháp để ngăn chặn tàu cá đánh bắt bất hợp pháp.

“Chúng tôi xử lý nghiêm các tàu cá cố tình đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài. Chủ tàu vi phạm bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng và giấy phép khai thác thủy sản từ 3 đến 6 tháng. Ngoài ra, tàu cá nào vi phạm sẽ không được hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg và các chính sách hỗ trợ khác”, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết.

Ở Hoài Nhơn, huyện trọng điểm của nghề đánh bắt hải sản xa bờ của tỉnh Bình Bịnh thậm chí còn làm gắt gao hơn. “Về vấn đề này Huyện ủy Hoài Nhơn ra Nghị quyết hẳn hoi, xã miền biển nào để xảy ra tình trạng tàu cá đánh bắt bất hợp pháp để nước ngoài bắt giữ thì Đảng bộ xã đó coi như bị điểm liệt trong xếp loại Đảng bộ vững mạnh. Hộ ngư dân nào vi phạm thì không được xét gia đình văn hóa. Chúng tôi đang làm rất quyết liệt, tăng cường tối đa công tác tuyên truyền. Không chỉ thường xuyên tổ chức hội họp, mà cứ đến ngày rằm hằng tháng, khi tàu cá của ngư dân đồng loạt vào bờ là tổ công tác đến từng hộ ngư dân để tuyên truyền”, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết.

Tuy nhiên, đối với ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cách làm trên của huyện Hoài Nhơn vẫn chưa đủ mạnh. Theo ông Châu, Nhà nước đã lo cho ngư dân rất nhiều, từ kinh phí hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm con người, bảo hiểm thân tàu; hỗ trợ lãi suất vốn vay đóng tàu, hỗ trợ nhiên liệu đi đánh bắt… vậy ngư dân phải có nghĩa vụ chấp hành chủ trương của Nhà nước. Nhà nước đã cấm việc khai thác hải sản xâm phạm các vùng biển nước ngoài thì ngư dân phải chấp hành. Nếu ai không chấp hành thì phải xử lý thật quyết liệt.

“Tôi đề nghị Sở NN-PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố có biển bàn bạc để đưa ra quy chế. Nếu tàu cá nào đánh bắt xâm phạm vùng biển để nước ngoài bắt giữ thì dứt khoát từ này về sau không được hoạt động đánh bắt trên biển dưới mọi hình thức. Phải làm thật quyết liệt thì may ra mới chấn chỉnh được tình trạng này”, ông Châu kiên quyết.

“Từ trước khi EU rút “thẻ vàng” đối với các sản phẩm hải sản của Việt Nam, tui luôn căn dặn các tài công và thuyền trưởng của 16 tàu cá đánh bắt xa bờ của tui là đừng đánh bắt xâm phạm vùng biển các nước khác. Nếu lỡ bị bắt giữ thì tài sản mất trắng đã đành, vợ con ở nhà không ai lo, lại làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước mình. Nghe lời phân giải của tui, anh em luôn tuân thủ nên mấy chục năm qua đội tàu 16 chiếc của tui không hề vi phạm lần nào”, lão ngư Bùi Thanh Ninh ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), người đang cầm chịch 16 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ, chia sẻ.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm