Vậy giải pháp nào để ngăn chặn có hiệu quả ngư dân sang vùng biển nước ngoài đánh bắt? Báo NNVN ghi nhận những ý kiến từ 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định:
Vừa rồi ngư dân Bình Định bị bắt ở Indonesia, bà con còn lấy trộm dầu, cắt lưới để chạy về làm ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ. Sau này nếu lỡ chúng ta bị bão phải chạy qua phía họ, họ không cho cư trú tránh bão thì biết làm thế nào? Trước đây trường ĐH Thủy sản Nha Trang tổ chức đào tạo nhưng tôi hỏi được biết ngư dân không ai theo học. Vậy là thuyền trưởng chỉ làm theo kinh nghiệm và không được đào tạo bài bản cộng với nghèo nàn, trong suy nghĩ chỉ tính tới sản lượng, chỉ nghĩ chuyến nào cũng có được nhiều cá.
Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT phải tổ chức đào tạo lại thuyền trưởng, máy trưởng để ngư dân đi đánh bắt cũng phải có ý thức tự giác chấp hành, không xâm phạm qua vùng biển các nước khác. Song song với việc đào tạo lại thì Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định phải thường xuyên liên hệ với các ngư dân, các tổ đội để theo dõi, nắm bắt tình hình, giáo dục cho ngư dân nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp quốc tế trong đánh bắt xa bờ.
Ông Nguyễn Cao Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi):
Chế tài xử phạt chưa cao, cần xử lý về hình sự mới đủ sức răn đe. Chính phủ chưa có chế tài xử lý việc buôn bán hải sâm, trong khi các nước nghiêm cấm nên ngư dân vẫn lén lút đi lặn ở vùng biển nước ngoài. Đối với ngư dân vi phạm bị bắt và trả về thì địa phương phải đi đón tận Quảng Ninh, Sài Gòn, Hà Nội. Tại sao phải làm vậy, trong khi họ là người vi phạm. Chúng tôi đã kiến nghị và tỉnh cũng không phân công đi đón ngư dân nữa.
Ông Bùi Thanh Ninh, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định):
Hiện nay nhiều tàu chỉ dài 14-15 mét và tình trạng rất cũ cũng đi khơi. Những chiếc tàu này chỉ trị giá vài trăm triệu nên ngư dân liều lĩnh sang vùng biển các nước đánh bắt và tính toán nếu bị bắt thì chỉ mất vài trăm triệu đồng. Nếu quy định tàu có thân vỏ, công suất lớn đi khơi thì ngư dân ít dám sang vùng biển các nước đánh bắt, vì nếu lỡ bị bắt giữ thì trắng tay và mất hàng tỷ đồng.
Đại tá Võ Văn Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi và Đại tá Trần Huy Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định:
Tại Hội nghị tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho ngư dân, cả 2 cùng đồng ý kiến, về mặt chứng cứ để củng cố hồ sơ tội trốn ra nước ngoài cũng rất khó, vì ngư dân xóa hành trình lưu trên máy định vị, chứng cứ không rõ ràng để chống oan sai.
Tàu cá ngư dân Quảng Ngãi bị bắt tại nước ngoài (ảnh tư liệu từ cộng đồng người Việt ở Nouméa trên Thái Bình Dương) |
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự khó khăn, vì nước ngoài xử lý rồi thì về Việt Nam không thể xử lý lần thứ 2. Sau khi các nước đưa ngư dân ra tòa, xử lý xong thì không có hồ sơ gì gởi về cho bên Việt Nam nên không biết xử lý ra sao. Để xử lý nhóm tội này phải có những thỏa thuận và cam kết với nước sở tại. Đề nghị Chính phủ rà soát chế độ hiện hành, áp dụng chế tài hình sự tội xuất cảnh trái phép để xử lý thuyền trưởng, ngư dân, môi giới ra nước ngoài trái phép.
Đại tá Lương Ngọc Chinh, Chỉ huy trưởng BĐBP Bình Định:
Trước tình hình xảy ra trên biển, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần có hình thức đấu tranh với hành động của nước ngoài trong việc uy hiếp, lấy tài sản của ngư dân hành nghề khai thác hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam, nhất là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng chồng lấn. Cần bổ sung các quy định đối với tàu cá đánh bắt xa bờ phải mở máy định vị 24/24, từ khi xuất bến đến khi về bờ nhập trạm kiểm soát Biên phòng, đồng thời có chế tài xử lý các thuyền trưởng, chủ tàu không chấp hành. Tiếp tục trang bị phương tiện cho lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, quyền chủ các vùng biển, đồng thời có thể hỗ trợ cho bà con ngư dân.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định:
Số tàu cá của ngư dân bị các nước bắt giữ và nhiều nhất là ở địa bàn huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ. Trong thời gian tới cần phải có biện pháp mạnh tay hơn, đó là quy định ngư dân mỗi ngày phải nhắn tin một lần để quản lý tọa độ, hỗ trợ máy thông tin có định vị vị trí để quản lý, xử lý đối tượng cò mồi đưa ngư dân ra nước ngoài. Khó khăn là hiện nay ngư dân đăng ký tần số thông tin, nhưng ra biển thì cắt máy hoặc đổi tần số nên không liên lạc được.
Đối với công tác tuyên truyền, Bộ đội Biên phòng và Sở NN-PTNT cần phối hợp tốt để tránh việc trùng lặp, bên này vừa tuyên truyền xong thì bên kia lại tiếp tục thực hiện. Đối tượng môi giới đưa ngư dân ra nước ngoài cũng cần phải có biện pháp xử lý nghiêm.
Ngành thủy sản Việt Nam bị EU rút thẻ vàng, vì báo chí các nước liên tục đăng tin bắt giữ ngư dân (ảnh chụp báo tại Tân Thế Giới) |
Tại địa bàn miền Trung, Bình Định và Quảng Ngãi là 2 địa phương có tình hình nóng về việc ngư dân vi phạm chủ quyền các nước. Theo thống kê của tỉnh Bình Định, trong năm 2016 có 52 tàu với 388 thuyền viên bị các nước bắt giữ; từ đầu năm 2017 đến nay có 17 tàu với 118 ngư dân bị bắt giữ. Tỉnh Quảng Ngãi thống kê, từ đầu năm 2016 đến nay đã có 76 vụ với 110 ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó nhiều tàu ra đến khu vực biển Thái Bình Dương và đi vào vùng lãnh hải của các nước để lặn hải sâm. Ý kiến qua ghi nhận tại các hội nghị đều cho rằng, giải pháp hiệu quả là phải gắn chíp hành trình cho tàu cá, xử lý chủ nậu đã tiếp tay, truy tố ngư dân vi phạm. |