| Hotline: 0983.970.780

XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Bình Định: Xây dựng chính sách hỗ trợ giết mổ tập trung

Thứ Hai 02/11/2020 , 10:48 (GMT+7)

Sau TP Quy Nhơn, giờ đến lượt huyện Tuy Phước (Bình Định) tiến hành xóa những lò giết mổ gia súc nhỏ lẻ, đưa hoạt động giết mổ gia súc tập trung về một mối.

Quyết tâm xóa lò mổ gia súc nhỏ lẻ

Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Tuy Phước, trước đây UBND huyện Tuy Phước đã quy hoạch 2 điểm xây dựng nhà máy giết mổ gia súc tập trung, 1 điểm tại khu phố Công Chánh thuộc thị trấn Tuy Phước và 1 điểm tại thôn Phong Tấn thuộc xã Phước Lộc, thế nhưng khi triển khai thực hiện thì không kêu gọi được nhà đầu tư. “Nguyên nhân do mức kinh phí đầu tư 1 nhà máy giết mổ tập trung quá lớn, trong khi số lượng gia súc giết mổ mỗi ngày trên địa bàn huyện quá ít, không đảm bảo được công suất hoạt động. Do đó, không nhà đầu tư nào dám tham gia”, ông Khiêm bộc bạch.

Heo được mổ tại các lò mổ gia súc nhỏ lẻ rồi mang đi bán dạo không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Heo được mổ tại các lò mổ gia súc nhỏ lẻ rồi mang đi bán dạo không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong khi đó, cũng theo ông Khiêm, huyện Tuy Phước cách nhà máy giết mổ động vật tập trung của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định nằm trên địa bàn phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) không bao xa, do đó, ngành chức năng huyện này đề xuất UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương xóa hết những lò giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn, đưa hoạt động giết mổ gia súc về lò giết mổ tập trung tại phường Trần Quang Diệu. Nhận thấy đề xuất trên là hợp lý, nên UBND tỉnh Bình Định phê duyệt Đề án di dời các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư vào nhà máy giết mổ động vật tập trung phường Trần Quang Diệu của UBND huyện Tuy Phước.

Theo số liệu điều tra của ngành chức năng huyện Tuy Phước, đến tháng 2/2020, trên địa bàn huyện này có 99 hộ hành nghề giết mổ nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư. Trong đó, tại thị trấn Tuy Phước có 7 hộ, xã Phước Nghĩa 2 hộ, xã Phước Thuận 1 hộ, xã Phước Sơn 10 hộ, xã Phước Hòa 18 hộ, xã Phước Thắng 3 hộ, xã Phước Quang 4 hộ, xã Phước Hưng 18 hộ, xã Phước Lộc 21 hộ, xã Phước Thành 5 hộ, xã Phước An 4 hộ và xã Phước Hiệp 6 hộ.

Heo được các lò giết mổ gia súc nhỏ lẻ mua dự trữ  gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Heo được các lò giết mổ gia súc nhỏ lẻ mua dự trữ  gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Ngành chức năng huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đã tập trung tuyên truyền, vận động đến từng hộ và hướng dẫn hộ viết bản cam kết chấp hành chủ trương đưa hoạt động giết mổ gia súc về cơ sở giết mổ động vật tập trung tại phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, thời gian hoàn thành trước ngày 20/5/2020”, ông Phan Văn Khiêm, cho hay.

Khó mấy cũng phải làm

Theo ông Phan Văn Khiêm, tâm lý của các hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ là đã quen với cách làm từ xưa đến nay, là mua heo về dự trữ trong chuồng, mỗi sáng sớm dậy nấu nồi nước sôi và tiến hành mổ heo tại nhà sau đó chở đi bán cho bạn hàng. Tuy nhiên, với cách làm này nước thải trong hoạt động giết mổ đã gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư khiến người dân bức xúc. Đáng quan ngại nhất là nếu lò mổ những con heo đã nhiễm bệnh thì tốc độ lây lan trong cộng đồng càng tăng nhanh. Do đó, xóa những điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư là rất cần thiết.

Gia súc đưa vào giết mổ tại Nhà máy giết mổ gia súc tập trung được hỗ trợ phí giết mổ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Gia súc đưa vào giết mổ tại Nhà máy giết mổ gia súc tập trung được hỗ trợ phí giết mổ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để thay đổi cách làm quen thuộc của các hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ là điều không dễ. Thế nhưng , khó mấy cũng phải làm. “Xác định công tác tuyên truyền là mấu chốt để đả thông tư tưởng cho những hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ, trước khi thực hiện đề án, chúng tôi tập trung cho công tác này. Đồng thời, chúng tôi triển khai kiểm tra, giám sát gắt gao hoạt động mua bán thịt heo tại các chợ trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng bán thịt heo không có dấu kiểm dịch của ngành chức năng”, ông Khiêm chia sẻ.

Bên cạnh đó, hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ di chuyển hoạt động vào cơ sở giết mổ động vật tập trung được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đã giúp cho huyện Tuy Phước thực hiện đề án khá thông suốt. “Các hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ trong khu dân cư di dời hoạt động giết mổ vào nhà máy giết mổ tập trung sẽ được hưởng các chính sách của đề án. Trong đó, mức hỗ trợ tháo dỡ lò mổ tại nhà là 3 triệu đồng/hộ, hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm gia súc sau khi giết mổ đến chợ đầu mối là 20.000đ/con heo. Đối với 14 hộ đã thực hiện đưa gia súc đi giết mổ tại nhà máy giết mổ động vật tập trung tại phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn trước khi huyện Tuy Phước thực hiện đề án vẫn được hưởng những khoản hỗ trợ kể trên. Ngoài khoản hỗ trợ của tỉnh là gần 5,4 tỷ đồng, UBND huyện Tuy Phước còn trích ngân sách hơn 2 tỷ đồng để thực hiện công tác tuyên truyền; hỗ trợ tháo dỡ, đập bỏ các lò giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn; hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm gia súc sau khi giết mổ đến chợ đầu mối”, ông Khiêm cho biết.

Thịt heo được mổ tại Nhà máy giết mổ gia súc tập trung được bày bán tại các chợ người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thịt heo được mổ tại Nhà máy giết mổ gia súc tập trung được bày bán tại các chợ người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định, chủ đầu tư Nhà máy giết mổ động vật tập trung tại phường Trần Quang Diệu, cũng miễn phí tiền điện, tiền nước phục vụ hoạt động giết mổ động vật. Nhờ vậy, nhiều hộ đã đồng thuận đưa heo vào cơ sở để giết mổ.

Ông Lê Minh Hùng ở khu phố Mỹ Điền (thị trấn Tuy Phước), chia sẻ: “Tôi thấy chủ trương và chính sách đưa gia súc vào nhà máy giết mổ động vật tập trung của tỉnh và huyện là hợp tình, hợp lý. Cơ sở hạ tầng, dây chuyền thiết bị và các điều kiện phục vụ cho hoạt động giết mổ động vật tại nhà máy tốt hơn nhiều so với làm tại nhà, nên tôi đưa heo vào đây để giết mổ”.

“Chúng tôi cử cán bộ thú y hỗ trợ doanh nghiệp kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ gia súc trước khi đưa vào nhà máy giết mổ động vật tập trung; đóng dấu kiểm soát và giám sát hoạt động giết mổ tại đây. Đồng thời phối hợp UBND huyện Tuy Phước tăng cường công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật tại địa phương; kiên quyết xử lý cơ sở hoạt động trái phép, chưa đảm bảo đầy đủ điều kiện”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Bình Định.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.