| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận chủ động ứng phó thiên tai

Thứ Năm 24/06/2021 , 15:36 (GMT+7)

Trước diễn biến khó lường các loại hình thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tỉnh Bình Thuận đã lên kịch bản xây dựng phương án ứng phó.

Thiên tai ngày càng tăng

Bình Thuận là tỉnh Duyên hải cực Nam Trung bộ, nối liền giữa miền Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên, với diện tích tự nhiên khoảng 7.828km2. Toàn tỉnh hiện có 10 đơn vị hành chính gồm: 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện (có 1 huyện đảo). Những năm gần đây thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh này ngày càng gia tăng, mức độ tàn phá ngày một ác liệt hơn.

Những năm gần đây tình trạng sạt lở bờ biển ở Bình Thuận ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: KS.

Những năm gần đây tình trạng sạt lở bờ biển ở Bình Thuận ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: KS.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Bình Thuận, các loại hình thiên tai, thời tiết thủy văn nguy hiểm thường xảy ra trên địa bàn tỉnh như ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của bão, áp thất nhiệt đới; nắng nóng cục bộ, hạn hán thiếu nước; mưa lớn, ngập úng và lũ quét cục bộ; lốc xoáy, dông sét; gió mạnh, sóng lớn trên biển, sạt lở bờ biển... Các loại hình thiên tai trên xảy ra trước và trong mùa mưa, lũ làm người chết, sập đổ, ngập và hư hỏng nhà cửa, các công trình cơ sở hạ tầng. Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở các địa phương bị ảnh hưởng tương đối nặng nề.

Theo thống kế, từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh có 17 người chết, 7 người bị thương; 3.194 nhà bị sập, tốc tán, ngập; 107 hạng mục công trình thủy lợi và 43 cầu, cống bị hư hỏng; hơn 76.636ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; 86 tàu thuyền, xuống máy bị chìm, hư hỏng…tổng thiệt hại gần 1.100 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong năm 2020, tình hình hạn hán, thiếu nước xảy ra gay gắt trên địa bàn toàn tỉnh, buộc phải cắt giảm, không bố trí sản xuất 15.430/32.859ha vụ Đông Xuân 2019 - 2020. Có 43 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ, với tổng số 27.271 hộ dân/114.095 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt, nhất là ở khu vực nông thôn. UBND tỉnh phải công bố hạn hán tại Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 7/5/2020 về công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra hàng năm, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều giải pháp như tuyên truyền giáo dục; tập huấn phòng ngừa và diễn tập phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn để nâng cao ý thức cộng đồng. Cùng với đó tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm; tăng cường dự báo khí tượng thủy văn; xây dựng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai thường hay xảy ra.

Năm 2020, hạn hán ở Bình Thuận gay gắt, nhiều hồ chứa trơ đáy. Ảnh: KS.

Năm 2020, hạn hán ở Bình Thuận gay gắt, nhiều hồ chứa trơ đáy. Ảnh: KS.

Cũng như ban hành các công điện chỉ đạo kịp thời; xây dựng các công trình phòng chống thiên tai; di dời dân cư khi bão đổ bộ trực tiếp hay khi có lũ xảy ra (tổ hợp bão - lũ - kết hợp xả lũ hồ chứa nước); tổ chức khắc phục hậu quả kịp thời. Trong đó, chú trọng nhất là nâng cao hiểu biết, nhận thức của mỗi người trong cộng đồng và các cấp chính quyền về các loại hình thiên tai thường hay xảy ra trên địa bàn tỉnh theo phương châm “4 tại chỗ” và "3 sẵn sàng" để mỗi người dân tự chủ động phòng tránh cho bản thân và gia đình, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản.

Lực lượng vũ trang của tỉnh đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm và nhiệm vụ của mình trong từng phương án, kế hoạch về phòng, chống thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời, phối hợp hiệp đồng tốt với các lực lượng của Trung ương và của Quân khu 7 nên khi có tình huống thiên tai, sự cố xảy ra được các đơn vị của Trung ương chi viện, hỗ trợ rất kịp thời. Tuy nhiên, thiên tai xảy ra hiện nay rất cực đoan, cục bộ, bất ngờ và thường hay xảy ra vào ban đêm, mặc dù có sự chuẩn bị các phương án, kế hoạch nhưng thiệt hại là khó tránh khỏi.

Giải quyết 2 vấn đề bức xúc do thiên tai

Theo ông Kiều, hiện có 2 vấn đề bức xúc đã và đang được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo rất sát sao đó là tình trạng sạt lở bờ biển và hạn hán thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Vấn đề trên UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan triển khai thực hiện. Tuy nhiên do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên việc xử lý sạt lở bờ biển còn chắp vá, xây dựng chưa đồng bộ, nhất là tại các khu du lịch, các resort ven biển. Do đó tỉnh phải chờ sự hỗ trợ của Trung ương mới xây dựng được công trình.

Tỉnh Bình Thuận đang từng bước xử lý tình trạng sạt lở bờ biển. Ảnh: KS.

Tỉnh Bình Thuận đang từng bước xử lý tình trạng sạt lở bờ biển. Ảnh: KS.

“Từ năm 2016 đến nay, tình hình xói lở bờ biển xảy ra ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn các địa phương trong tỉnh, khiến nhiều căn nhà bị sập đổ, hư hỏng. Nhiều hộ gia đình trong khu vực bị uy hiếp phải di dời để đảm bảo an toàn. Mặc dù UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương huy động mọi nguồn lực để xử lý, gia cố bảo vệ bờ tại những đoạn xung yếu. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của tỉnh còn khó khăn, giải pháp gia cố tạm thời không bảo đảm ổn định lâu dài, bền vững”, ông Kiều chia sẻ và nói, để xử lý khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng kè kiên cố bảo vệ bờ biển những khu vực bức xúc, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban Quốc gia TKCN xem xét, hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình đa mục tiêu, kè biển các khu vực bị sạt lở.

Cụ thể, đầu tư xem xét, bố trí ghi vốn để triển khai các công trình trọng điểm, cấp bách gồm: kè chống sạt lở bờ biển phường Hàm Tiến, kè bảo vệ bờ biển khu phố 4 và 5 phường Phú Hài (đều thuộc TP Phan Thiết); kè bảo vệ khu dân cư xã Tân Phước, (thị xã La Gi); kè bảo vệ bờ biển xã Hòa Phú và xã Bình Thạnh (Tuy Phong).

Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Bình Thuận kiến nghị Trung ương sớm đầu tư dự án hồ thủy lợi La Ngà 3, dung tích hồ Vh = 476,82 triệu m3, đảm bảo cấp 1.011 triệu m3 nước tưới cho 77.615ha (trong đó Bình Thuận 60.165ha, Đồng Nai là 17.000ha); cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ 300.000m3/ngày cho tỉnh Bình Thuận, 300.000m3/ngày cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

    Tags:
Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ôtô BMW tự bốc cháy khi đang đỗ

Khoảng 12h ngày 2/5, trên đường Ngô Thì Sỹ, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông một chiếc ôtô nhãn hiệu BMW đỗ ven đường đột nhiên bốc cháy dữ dội.