| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

Thứ Sáu 19/11/2021 , 08:20 (GMT+7)

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực phát triển sản phẩm OCOP nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp để phát triển kinh tế.

Nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng Nông thôn mới tỉnh Bình Thuận, cho biết, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là một nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống… của các địa phương để phát triển kinh tế.  Xác định rõ mục tiêu này, từ năm 2018 đến năm 2020, tỉnh Bình Thuận đã đánh giá, phân hạng và công nhận 56 sản phẩm đạt OCOP từ 3 – 4 sao.

Thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã phát triển nhiều sản phẩm OCOP. Ảnh: KS.

Thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã phát triển nhiều sản phẩm OCOP. Ảnh: KS.

Năm 2021, Sở NN - PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, song do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, dẫn đến việc triển khai chương trình gặp nhiều khó khăn. Đến quý IV năm 2021, Trung ương mới phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho địa phương. Hiện Chi cục PTNT đang phối hợp với các địa phương và đơn vị triển khai thực hiện tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ cho các chủ thể. Dự kiến, cuối năm 2021, tỉnh sẽ tổ chức đánh giá phân hạng từ 10 – 15 sản phẩm OCOP mới.

Theo ông Phước, thời gian qua sau khi các chủ thể có sản phẩm được công nhận đạt OCOP, các cơ quan ban, ngành đã tập trung đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn. Cụ thể, các sản phẩm OCOP Bình Thuận đã tham gia các hội chợ, diễn đàn trưng bày sản phẩm OCOP của các tỉnh như Nam Định, An Giang, Kiên Giang được khách hàng đón nhận và tiêu thụ rất tốt. Đây cũng là mong muốn của tỉnh Bình Thuận nhằm giúp các sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa đến các địa phương.

Nước mắm Cá Đen tham gia trưng bày ở Singapore. Ảnh: A Trang.

Nước mắm Cá Đen tham gia trưng bày ở Singapore. Ảnh: A Trang.

Ngoài ra, nhiều chủ thể cũng năng động, chủ động tìm cách thay đổi như đa dạng các sản phẩm, tăng cường việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh như zalo, live stream… Chẳng hạn như doanh nghiệp nước mắm Cá Đen đã chủ động tham gia các hoạt động quản bá sản phẩm ở Singapore; Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà đã tham gia và đạt giải trong cuộc thi sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021.

Bên cạnh đó HTX thanh long sạch Hòa Lệ ở thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc) có 35 ha thanh long gồm 12 thanh viên được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với sản lượng mỗi ha cho thu hoạch khoảng 30 tấn/năm. Ngoài ra HTX còn liên kết các HTX sản xuất thanh long VietGAP với diện tích gần 60 ha. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, song sản phẩm thanh long tươi của đơn vị vẫn tiêu thụ tốt, chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Úc, Nga… thông qua liên kết với các công ty ở TP.HCM. Trung bình mỗi ngày, HTX cung ứng cho thị trường từ 15-20 tấn thanh long.

Sản phẩm OCOP của HTX Thanh long sạch Hòa Lệ. Ảnh: KS.

Sản phẩm OCOP của HTX Thanh long sạch Hòa Lệ. Ảnh: KS.

Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ, cho biết, Năm 2020, sản phẩm thanh long sạch Hòa Lệ đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao. Từ đó, chất lượng, mẫu mã bao bì đã được nâng lên đáng kể. Cùng với đó để đa dạng sản, hiện HTX phát triển thêm rượu vang thanh long, kem thanh long… để tung ra thị trường vào dịp cuối năm.

Phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP

Theo ông Phước, phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong việc tăng cường công tác tuyên truyền để các chủ thể có những sản phẩm mang tính truyền thông, đặc sản của địa phương hiểu và có động lực tham gia chương trình.

Cùng với đó cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, công tác quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng trong tỉnh, cũng như đem các sản phẩm OCOP của tỉnh nhà tham gia các sự kiện, các chương trình giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước và thị trường quốc tế thông qua các sàn thương mại điện tử.

Sản phẩm OCOP Bình Thuận tham gia hội chợ ở Kiên Giang. Ảnh: A.Trang.

Sản phẩm OCOP Bình Thuận tham gia hội chợ ở Kiên Giang. Ảnh: A.Trang.

“Để làm tốt vấn đề này, trong thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh tập huấn và hướng dẫn cho các chủ thể từng bước nắm bắt các ứng dụng công nghệ để quản lý quản lý cũng như tận dụng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có như các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội… để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm”, ông Phước chia sẻ.

"Để từng bước khẳng định và bảo vệ thương hiệu sản phẩm OCOP, thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra giám sát các sản phẩm OCOP đã được công nhận cấp quốc gia. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện tư vấn phát triển sản phẩm OCOP mới và nâng cấp sản phẩm. Do đó, những năm tiếp theo các địa phương chủ động sớm xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện chương trình OCOP", ông Nguyễn Hữu Phước cho hay.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.