| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm OCOP nở hoa, nông thôn Nghệ An khoác tấm áo mới

Thứ Năm 11/11/2021 , 07:51 (GMT+7)

113 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, tư duy sản xuất được nâng tầm, hiệu quả kinh tế cải thiện rõ rệt là quả ngọt mà Chương trình OCOP mang lại cho Nghệ An.

Nhiều sản phẩm mang thương hiệu OCOP của Nghệ An được đánh giá cao. Ảnh: Việt Khánh.

Nhiều sản phẩm mang thương hiệu OCOP của Nghệ An được đánh giá cao. Ảnh: Việt Khánh.

Ngày 10/11, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” giai đoạn 2019 – 2020.

Chương trình còn khá mới mẻ, có xuất phát điểm thấp, nguồn lực thực hiện hạn chế, lại diễn ra trong điều kiện Covid -19 tác động dữ dội, tất thảy tạo nên cả tấn áp lực vô hình.

Song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các Bộ ngành Trung ương, quyết tâm chính trị cao của cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng tình của người dân, những rào cản, thách thức cũng sớm được đẩy lùi.

Muốn hướng đến mục tiêu bền vững, nhất thiết phải tạo nên một nền móng vững chắc để làm bệ phóng, trên tinh thần đó UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 quy định một số Chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025.

Các mặt hàng sản phẩm ngày càng được hoàn thiện cả về chất lượng lẫn hình thức. Ảnh: Võ Dũng.

Các mặt hàng sản phẩm ngày càng được hoàn thiện cả về chất lượng lẫn hình thức. Ảnh: Võ Dũng.

Tranh thủ thời cơ, nhiều địa phương đã tập trung vun trồng, chăm bẵm cho các sản phẩm “con cưng”, từ đó sớm hòa nhịp vào không khí “OCOP” đang lan tỏa rộng khắp.

Nhìn chung các sản phẩm dù mới trình làng nhưng cho thấy sự hài hòa, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của số đông người tiêu dùng, bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương.

Thông qua chương trình, các làng nghề truyền thống ở Yên Thành, Diễn châu, Quỳnh Lưu, TP Vinh, Thanh Chương đã có cho mình 5 sản phẩm OCOP gắn với khai thác vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý (Cam Vinh, Gừng Kỳ Sơn; Gà đồi Thanh Chương, Gạo Vĩnh Hòa, Lạc Diễn Châu). Nhìn rộng ra, doanh thu của các sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên tăng khoảng 8%/ năm, lợi nhuận bình quân tăng khoảng 120-150 triệu đồng/năm.

Không chỉ có thế, sản phẩm OCOP được đánh giá là chất xúc tác giúp gìn giữ bản sắc văn hóa, phát huy vai trò của người phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện các sản phẩm đặc trưng của miền Tây xứ Nghệ như Dệt Thổ cẩm gắn với các Làng du lịch cộng đồng (Homstay) bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến); bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa (xã Yên Khê) đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 150 hộ với 205 lao động, thu nhập dao động 3,8 - 4,2 triệu đồng/tháng.

Đó là ví dụ điển hình, khắc họa rõ nét giá trị thực của Chương trình OCOP trên đất Nghệ An.

Nói như thế không đồng nghĩa chương trình đã đạt được cái kết hoàn mỹ nhất, ngược lại Nghệ An vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Thực tế chỉ rõ, sản phẩm OCOP chủ yếu được sản xuất thủ công, máy móc thiết bị công nghệ còn lạc hậu, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm nhiều đến phát triển các sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu…

Dệt thổ cẩm tại bản Hoa Tiến vừa gìn giữ bản sắc văn hóa, lại tạo công ăn việc làm ổn định cho đồng bào. Ảnh: Việt Khánh.

Dệt thổ cẩm tại bản Hoa Tiến vừa gìn giữ bản sắc văn hóa, lại tạo công ăn việc làm ổn định cho đồng bào. Ảnh: Việt Khánh.

Tồn tại, hạn chế là điều khó tránh, nhất là với một Chương trình quy mô, bao hàm như OCOP. Thời gian triển khai chưa nhiều, đòi hỏi sự chỉn chu là phi thực tế, vấn đề cốt lõi là dám đối diện, chấp nhận thách thức để từng bước hoàn thiện dần bức tranh OCOP sinh động.

Chẳng ngẫu nhiên Nghệ An có đến 113/kế hoạch 90 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên, vượt 25,6% so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020 (87 sản phẩm đạt 3 sao; 26 sản phẩm đạt 4 sao).

Những con số dù khô khan nhưng lột tả chân thực giá trị, ý nghĩa to lớn của Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP mang lại.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được của chương trình từ năm 2019 đến nay, Nghệ An sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới vững bền.

Đến năm 2025, Nghệ An phấn đấu hoàn thành các mục tiêu sau: Có ít nhất 300 sản phẩm OCOP; phát triển mới ít nhất 86 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; Hình thành 8-10 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; Phát triển ít nhất 5-8 sản phẩm đạt hạng 5 sao có thể xuất khẩu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.