| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng

Thứ Bảy 08/02/2025 , 16:28 (GMT+7)

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện các loại dịch hại sớm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cán bộ của Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận kiểm tra sâu bệnh trên đồng ruộng. Ảnh: NH.

Cán bộ của Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận kiểm tra sâu bệnh trên đồng ruộng. Ảnh: NH.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, tính đến ngày 29/1, tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân 2024 – 2025 trên địa bàn tỉnh đã thực hiện trên 44.600ha, đạt trên 90% kế hoạch.

Thời gian trước, trong và sau Tết, Chi cục đã quán triệt công chức, viên chức của đơn vị luôn trong tâm thế vừa vui xuân đón Tết nhưng không quên nhiệm vụ, thực hiện dự tính, dự báo và thông báo sâu bệnh hại trên cây trồng theo quy định.  

Qua đó, cơ quan chuyên môn đã phát hiện trên cây lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá với diện tích hiện tại là 718ha (tăng 108ha) và sâu đục thân (dảnh héo) 427ha (tăng 243ha) so với cùng kỳ năm trước.

Trên cây thanh long, diện tích nhiễm bệnh đốm nâu 1.050ha (tăng 273ha), bệnh thán thư 159ha (tăng 81ha) và ốc sên 147ha (tăng 58ha) so với cùng kỳ năm trước.

Còn trên cây mì (sắn), diện tích nhiễm bệnh khảm lá virus 10ha, giảm 63ha so với cùng kỳ. Các đối tượng khác gây hại rải rác, cục bộ.

Ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận cho biết đã đề nghị các huyện tiếp tục khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện các loại dịch hại sớm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nông dân phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Ảnh: KS.

Nông dân phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Ảnh: KS.

Trong đó, đối với bệnh đạo ôn lá, khi phát hiện lúa bị bệnh, khuyến cáo nông dân ngừng bón đạm và kali, sử dụng các loại thuốc có hoạt chất sau để phun: Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar Top 325SC, Azotop 400SC), Fenoxanil (Taiyou 20SC), Tricyclazole (Beam 75WP, Trizole 20WP)… Nếu lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá nặng cần phun 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày.

Đối với bệnh sâu đục thân trên lúa, nông dân cũng cần thăm đồng thường xuyên, sau khi thấy bướm (trưởng thành) xuất hiện từ 5 - 7 ngày hoặc sâu non mới nở thì tiến hành phun thuốc BVTV 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày để trừ bằng các hoạt chất sau: Thiosultap-sodium (Neretox 18 SL, Colt 150 SL, Netoxin 90 WP, Taginon18 SL…), Fenitrothion (Factor 50EC, Visumit 50EC…), Chlorantraniliprole (Prevathon® 5SC, 35WG, Virtako 40WG…), Cartap (Padan 95SP, Caral 95 SP, Dantac 950SP, Gà nòi 95SP…), Isocycloseram (Incipio 200SC).

Lưu ý, đối với trà lúa ở giai đoạn đẻ nhánh bị sâu đục thân gây hại nặng, sau khi phun thuốc, khuyến cáo nông dân tiến hành tỉa dặm và bón phân để cây lúa mau phục hồi. Đối với những trà lúa đang trong giai đoạn trổ, nên phun thuốc vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát để tránh ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn.

Đối với cây thanh long, để phòng trừ bệnh đốm nâu hiệu quả, nông dân cần thực hiện tốt “Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long” của Cục Bảo vệ thực vật.

Nông dân Bình Thuận kiểm tra sâu bệnh hại thanh long. Ảnh: KS.

Nông dân Bình Thuận kiểm tra sâu bệnh hại thanh long. Ảnh: KS.

Để phòng trừ bệnh thán thư, cần thực hiện tỉa cành và tạo tán hợp lý giúp cây thông thoáng, quang hợp tốt. Đồng thời tiến hành thu gom và tiêu hủy tàn dư sau khi cắt tỉa để giảm mầm bệnh trong vườn, hạn chế tưới nước phun lên tán cây khi trong vườn có mầm bệnh.

Ngoài ra, nông dân cần bón phân cho cây thanh long cân đối cũng như tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, hữu cơ vi sinh và cung cấp nấm đối kháng Trichoderma, sử dụng thuốc BVTV hoạt chất Propineb, Azoxystrobin...

Phòng trừ kiến hại thanh long bằng cách thường xuyên vệ sinh vườn nhằm hạn chế nơi trú ẩn của chúng. Nông dân có thể sử dụng chế phẩm sinh học SOFRI để diệt kiến trên vườn, sử dụng bẫy ngọt (pha đường, mật ong, nước theo tỉ lệ 1: 3: 0,5: 1) kết hợp với thuốc BVTV để diệt kiến.

Ngoài ra, nông dân cũng có thể sử dụng cơm dừa, mỡ động vật, ruốc... trộn với Spinosad, Azadirachtin, Clothianidin rải lên đầu trụ thanh long hoặc xung quanh gốc để diệt kiến.

Đối với cây mì, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm bệnh khảm lá virus để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời tuyên tuyền, phổ biến “Quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá virus hại mì” của Cục Bảo vệ thực vật cho nông dân để có biện pháp xử lý hiệu quả cũng như khuyến cáo nông dân sử dụng giống kháng (HN1) để trồng.

Xem thêm
Lạng Sơn đảm bảo an toàn dịch bệnh khi tái đàn vật nuôi

Lạng Sơn - Khi tái đàn vật nuôi, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Long An có 16 ổ dịch tả lợn Châu Phi

Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 16 ổ dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn 12 xã, tiêu hủy 509 con lợn.

Không để hết tiền là hết dự án

Nhìn từ dự án tăng cường chuỗi cây trồng an toàn phối hợp cùng JICA, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia gợi mở một số điểm khi xây dựng mô hình sắp tới.

Doanh nghiệp là hạt nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ninh Thuận Những năm qua, với nhiều chính sách ưu đãi cùng khí hậu rất thích hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.

Công nghệ và chuyển đổi số nông nghiệp chưa bùng nổ

Để ứng dụng nhanh công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cần nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng cho nông dân, hợp tác xã.

Tương lai cho nghề cá bền vững: [Bài 3] Quảng Ninh sẵn sàng đón đoàn thanh tra EC

Quảng Ninh đang nỗ lực cùng cả nước chung tay gỡ 'thẻ vàng' IUU, quyết tâm đưa ngành thủy sản của tỉnh nhà phát triển bền vững.

Bàn giao hơn 15.000 cây giống phục hồi rừng

TP. HUẾ Hơn 15.000 cây giống sẽ được trồng để làm giàu rừng bản địa và rừng ngập mặn, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc vệ môi trường, bảo vệ rừng.