| Hotline: 0983.970.780

Dân vùng biên mê nông nghiệp sạch: [Bài 1] Phòng trừ sâu bệnh hại ổi bằng giải pháp sinh học

Thứ Ba 03/12/2024 , 11:09 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Nhờ phòng trừ sâu bệnh hại bằng giải pháp sinh học, canh tác theo hướng hữu cơ nên chỉ với 500 gốc ổi, mỗi tháng ông Hải có thu nhập trên 15 triệu đồng.

Theo chân cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp đến thăm mô hình phòng trừ sâu bệnh hại bằng giải pháp sinh học cho cây ổi do Trung tâm chuyển giao, chúng tôi gặp không khí lao động hối hả, khẩn trương của người dân nơi đây.

Đang chăm sóc cho vườn ổi, thấy chúng tôi đến, ông Phan Thế Hải, chủ vườn ổi lê Đài Loan tại thị trấn Thanh Bình tạm dừng tay, nhiệt tình đón chào bằng nụ cười niềm nở.

Mô hình phòng trừ dịch hại bằng giải pháp sinh học trên vườn ổi của gia đình ông Hải. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình phòng trừ dịch hại bằng giải pháp sinh học trên vườn ổi của gia đình ông Hải. Ảnh: Trần Trung.

Đưa chúng tôi tham quan quanh vườn, ông Hải cho biết, từ 10 cây ổi do người quen tặng, nhận thấy giống ổi lê Đài Loan giòn, ngọt, ông đã tự học cách nhân giống. Đến nay, ông đã có trên 500 gốc ổi. Dù vườn ổi đã hơn 10 năm tuổi, nhưng cây vẫn xanh tốt, khỏe mạnh. Trên cành, những trái ổi căng mọng, đều đặn, kích thước đồng đều.

Theo ông Hải, trồng ổi nhanh cho thu hoạch, giá bán tương đối ổn định nên hiệu quả gấp nhiều lần so với các cây ăn quả khác. Tuy nhiên, để đạt được thành quả ấy, việc chăm sóc đòi hỏi tỉ mỉ và công phu.

Muốn ổi đạt chất lượng cao, cho trái to, cần phải chăm bón từ lúc cây mới ra bông. Phải thường xuyên vun gốc, xới đất để đất tơi xốp. Phân bón phải là phân chuồng ủ với men vi sinh và nấm đối kháng như Trichoderma, sau một tháng mới bón cho cây. Bên cạnh đó, cần loại bỏ những cành ổi không cần thiết và vặt đi những trái ổi xấu, hư hỏng. Điều này giúp cây khỏe mạnh, tập trung sức để nuôi trái, cho trái ổi to, đẹp, chất lượng giòn, ngọt.

Ông Hải cho biết thêm: “Khi trái ổi bằng ngón tay phải được bọc quả ngay, tôi phải thuê nhân công làm, chứ một mình không xuể. Việc bao trái ổi tốn rất nhiều công sức. Phải bao 2 lớp, lớp ngoài là túi nilon chống sâu và côn trùng phá hoại, còn lớp trong là xốp mỏng để giữ quả ổi bóng đẹp, tránh bị trầy xước, thuận lợi cho việc đóng gói, vận chuyển khi thu hoạch. Ngoài ra, việc bao trái ổi như vậy còn hạn chế sâu bệnh, ngăn các loài sâu bọ, côn trùng đẻ trứng và phòng ngừa thuốc bảo vệ thực vật không may dính vào quả, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.

Ông Hải phấn khởi bên vườn ổi của gia đình mình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Hải phấn khởi bên vườn ổi của gia đình mình. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Hải, giống ổi lê Đài Loan dễ trồng, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, thời gian thu hoạch ngắn. Khi chín, trái ổi có vị ngọt, giòn, thơm đặc trưng. Ổi là trái cây tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều vitamin C và chất xơ nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn ổi lê của ông Hải phát triển tốt. Trên thị trường, ổi VietGAP có giá trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Dù chỉ sở hữu 500 gốc ổi, bình quân mỗi tháng ông có thu nhập trên 15 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Đây là mức thu nhập lý tưởng cho những hộ ít đất sản xuất và ngoài tuổi lao động.

Ông Hải hi vọng thời gian tới sẽ có nhiều người trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ hơn. “Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ổi cho bà con có nhu cầu”, ông Hải cởi mở.

Thạc sĩ Đỗ Hữu Đức (trái) chia sẻ kinh nghiệm ủ phân chuồng bằng các chế phẩm sinh học cho nông dân. Ảnh: Trần Trung.

Thạc sĩ Đỗ Hữu Đức (trái) chia sẻ kinh nghiệm ủ phân chuồng bằng các chế phẩm sinh học cho nông dân. Ảnh: Trần Trung.

Theo Thạc sĩ Đỗ Hữu Đức (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp), sản xuất nông nghiệp hiện đang có những bước phát triển vượt bậc nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển đó là những mặt trái đáng lo ngại, đặc biệt là việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại.

Trước những hạn chế trên, biện pháp sinh học nổi lên là giải pháp tối ưu trong phòng trừ dịch hại, được nhiều nông dân quan tâm áp dụng. Việc sử dụng chế phẩm sinh học và các loài côn trùng thiên địch để kiểm soát dịch hại đã mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều loại cây trồng.

“Tại địa phương, đơn vị cũng đã triển khai, chuyển giao nhiều mô hình phòng trừ sâu bệnh hại bằng giải pháp sinh học cho cây ăn quả và đạt được nhiều kết quả khả quan. Để biện pháp sinh học thực sự trở thành phương pháp chủ lực trong phòng trừ dịch hại, cần sự chung tay từ cả nhà nước, nhà khoa học, nhà nông...,” Thạc sĩ Đỗ Hữu Đức nhấn mạnh.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.