Giá lúa ổn định
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, vụ hè thu năm 2021 thời tiết trên địa bàn tỉnh khá thuận lợi cho sản xuất trồng trọt. Bên cạnh đó, trữ lượng nước các hệ thống công trình thuỷ lợi, các hồ chứa cung cấp đảm bảo cho sản xuất cây hàng năm. Vì vậy, diện tích gieo trồng các loại cây trong vụ tương đối đạt so với kế hoạch.
Theo đó, cây lương thực đã gieo trồng 48.919 ha, đạt 97,94% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích cây lúa được gieo sạ 42.819 ha, đạt 100,28% so với kế hoạch vụ. Nhưng diện tích cây bắp chỉ đạt khoảng 80% so với kế hoạch. Nguyên nhân là do một số xã miền núi trong tỉnh mưa đến trễ nên bà con không xuống giống vụ hè thu.
Điều thuận lợi nữa ở vụ hè thu này khi các đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây trồng với tỉ lệ hại thấp, không đáng kể.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, đến ngày 17/8, bà con đã thu hoạch 15.846 ha lúa, năng suất trung bình hơn 55 tạ/ha, tương đương sản lượng 87.565 tấn. Với giá lúa trên địa bàn tỉnh hiện tương đối ổn định, dao động từ 4.600 - 4.800 đ/kg (lúa tươi) và từ 6.500 - 7.200 đồng/kg (lúa khô), sau khi trừ chi phí nông dân lãi từ 15 - 20 triệu/ha (tùy năng suất lúa từng vùng).
Dự kiến đến khoảng 20/9 tới, tỉnh Bình Thuận sẽ thu hoạch xong lúa hè thu. Với sản lượng lương thực vụ này ước đạt khoảng 272.944 tấn (lúa 236.618 tấn; bắp 36.326 tấn), đạt hơn 96% so với kế hoạch.
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, hiện một số trà lúa vụ hè thu trên địa bàn tỉnh đang ở giai đoạn đòng trỗ, cần tiếp tục theo dõi và chăm sóc. Các trà lúa còn lại đang ở vào giai đoạn dịch hại vẫn có thể tấn công, làm suy giảm năng suất.
Do đó, Sở NN-PTNT đề nghị các đại phương cần tiếp tục tổ chức thăm đồng thường xuyên để hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời. Đồng thời tranh thủ thu hoạch lúa hè thu nhanh, gọn với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do mưa, lũ đến sớm, lốc xoáy gây đổ ngã cho lúa và giải phóng đất kịp thời, đảm bảo lịch thời vụ xuống giống vụ mùa 2021.
Lưu ý sản xuất vụ mùa
Hiện ngành nông nghiệp Bình Thuận đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa 2021, theo đó từ bắt đầu xuống giống gieo trồng từ ngày 1/8 và kết thúc vào ngày 30/9. Tuy nhiên đối với cây lúa, thời vụ xuống giống tập trung từ 15/8 đến 15/9 đối với vùng không chủ động nước (chủ yếu dựa vào nước trời).
Vùng chủ động nước (do vụ hè thu gieo trồng muộn) nên sẽ tập trung xuống giống từ 30/8 đến 30/9. Riêng những chân ruộng thu hoạch vụ hè thu trễ so với khung thời vụ chung của tỉnh có thể kéo dài tới ngày 10/10.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận lưu ý các địa phương và nông dân trong việc triển khai sản xuất vụ mùa. Bởi vụ mùa có độ ẩm cao nên thường xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại so với các vụ sản xuất khác trong năm.
Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp, thường xảy ra lũ lụt, lốc xoáy cuối vụ. Do đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết, để bố trí thời vụ sản xuất hợp lý. Đồng thời không kéo dài thời vụ gieo trồng làm ảnh hưởng đến quá trình điều tiết nước, lịch thời vụ chung, là điều kiện lây lan mầm bệnh cho các vụ sau.
Thêm vào đó, cần chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, nhất là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa; bệnh rụng lá trên cây cao su; bệnh đốm nâu, bệnh thán thư ở cây thanh long; sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp; bệnh khảm lá do virus gây hại trên cây sắn.
Ngoài ra, hiện nay tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương cần xây dựng phương án đảm bảo kế hoạch, tiến độ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, lưu thông, phân phối trong trường hợp địa phương bị giãn cách xã hội (thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất trồng trọt.
Theo ông Phan Văn Tấn, các vùng thường xảy ra lũ quét, ngập sâu của các huyện Đức Linh, Tánh Linh, khuyến cáo không bố trí sản xuất vụ mùa mà chuyển sang sản xuất vụ đông xuân sớm để tránh được lũ chính vụ trong tháng 9, 10.
Bên cạnh đó, những chân ruộng cao, hoặc ruộng đã sản xuất 2 vụ lúa, ruộng không có điều kiện đảm bảo nước tưới thì nên chuyển sang sản xuất các cây trồng cạn, như bắp, rau đậu các loại để hạn chế thiệt hại về dịch bệnh.
Sau khi thu hoạch lúa vụ hè thu, phải tập trung vệ sinh đồng ruộng; đồng thời tiến hành làm đất kỹ mới tổ chức gieo trồng vụ mùa. Việc gieo trồng phải tập trung đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng để phòng, chống và hạn chế tối đa rầy nâu và dịch bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá.
Bên cạnh đó, nông dân phải sử dụng giống lúa xác nhận và sử dụng các giống lúa ngắn ngày để hạn chế hạn cuối vụ và trễ vụ sản xuất đông xuân 2021 - 2022.