| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận triển khai 6 giải pháp về xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 19/08/2021 , 08:51 (GMT+7)

Trong 6 tháng cuối năm 2021, tỉnh Bình Thuận tập trung triển khai 6 giải pháp trọng tâm để đạt các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nỗ lực vượt qua Covid-19 để xây dựng NTM

Trong 6 tháng đầu năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận diễn biến phức tạp, song các cấp khối Đoàn đã phát động và vận động đoàn viên thanh niên tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ra quân vệ sinh môi trường nông thôn.

Xây dựng NTM ở Bình Thuận ngày càng khởi sắc. Ảnh: KS.

Xây dựng NTM ở Bình Thuận ngày càng khởi sắc. Ảnh: KS.

Đồng thời tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương huy động, kết nối các nguồn lực, đội hình thanh niên tham gia thực hiện các công trình, góp phần chung tay xây dựng NTM như làm đường, cầu giao thông nông thôn, triển khai cổng ánh sáng an ninh, xây dựng, sửa chữa sân chơi cho thiếu nhi, sân bóng chuyền thanh niên, xây dựng nhà nhân ái, tuyến đường hoa thanh niên, trồng cây xanh, nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương nội đồng.

Hội Nông dân các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vận động nông dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng NTM”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 tỉnh Bình Thuận, đến nay 93/93 xã trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng NTM, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được công bố công khai đúng thời hạn. 75/93 xã đã hoàn thành cắm mốc giới xây dựng ngoài thực địa và 90/93 xã đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch xây dựng NTM.

Việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội được tỉnh xác định là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết cơ bản nhu cầu thiết yếu của người dân nông thôn, góp phần quan trọng đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá khu vực nông thôn, là yếu tố cơ bản cho sự phát triển bền vững. Toàn tỉnh triển khai xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng cơ bản theo mục tiêu đã đề ra như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, trạm y tế, công trình nước sạch. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021 khối lượng thực hiện ước hơn 1.735 tỷ đồng.

Thanh long là cây chủ lực giúp nông dân Bình Thuận tăng thu nhập, tạo nhiều công ăn việc làm. Ảnh: KS.

Thanh long là cây chủ lực giúp nông dân Bình Thuận tăng thu nhập, tạo nhiều công ăn việc làm. Ảnh: KS.

Các địa phương tiếp tục cụ thể hóa và chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM của UBND tỉnh; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào các khâu sản xuất và tổ chức liên kết phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả và bền vững. Triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, sản phẩm, gắn với xây dựng NTM, trong đó, chú trọng xây dựng mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm các địa phương đã giải quyết cho 172 hộ nghèo vay vốn sản xuất; thực hiện đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ tiền điện cho 9.843 lượt hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hơn 1,3 tỷ đồng. Phát triển giáo dục ở nông thôn cũng như phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn. Cùng với đó nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; chú trọng vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề…

Theo báo cáo của các sở, ngành, đến cuối tháng 6/2021 toàn tỉnh bình quân đạt 15,77 tiêu chí/xã, đạt 91,71% kế hoạch năm 2021. Bên cạnh đó toàn tỉnh đạt 5,38 tiêu chí/huyện, đạt 89,67% kế hoạch.

6 giải pháp trọng tâm

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận kiêm Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, Quốc hội chưa phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Bên cạnh đó, Chính phủ chưa ban hành bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 và các địa phương chưa được bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện chương trình gặp nhiều khó khăn.

Đến tháng 6/2021, tỉnh Bình Thuận có 65/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: KH.

Đến tháng 6/2021, tỉnh Bình Thuận có 65/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: KH.

Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn; công tác vận động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn.

Vừa qua, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt, vì vậy tỉnh sẽ tập trung 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu 6 tháng cuối năm 2021.

Thứ nhất, tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình trong giai đoạn 5 năm và hàng năm gắn với nhiệm vụ của các ngành, địa phương, bao gồm: kế hoạch về nguồn vốn, mục tiêu, nhiệm vụ. Phân công, phân cấp trách nhiệm của từng cấp và các ban, ngành trong việc tổ chức thực hiện Chương trình theo nguyên tắc tăng cường phân cấp và đề cao tinh thần trách nhiệm cho cơ sở.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng NTM; nhất là vốn tín dụng để thực hiện các nội dung của Chương trình, trong đó tập trung hỗ trợ triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ trong nông nghiệp, môi trường và nước sạch nông thôn.

Thứ ba, tăng cường vận động, khuyến khích người dân tham gia, đóng góp xây dựng NTM theo hình thức tự nguyện, không huy động quá sức dân và để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản của Chương trình; vận động các tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ địa phương (huyện, xã) thực hiện xây dựng NTM.

Thứ tư, phát huy đúng mức vai trò chức năng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát và phản biện đối với các chương trình, dự án và các công việc liên quan đến tổ chức triển khai xây dựng NTM ở địa phương nhằm góp phần tăng hiệu quả, chất lượng các chí, công trình, hạn chế thấp nhất lãng phí, tiêu cực trong sử dụng các nguồn nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM.

Thứ năm, các sở, ngành tiếp tục thể hiện tốt hơn nữa trách nhiệm theo dõi địa bàn và tiêu chí của ngành mình phụ trách. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tiến độ triển khai để kịp thời cùng với địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí.

Thứ sáu, UBND cấp huyện tăng cường triển khai các giải pháp duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn; đối với các xã đã đạt chuẩn, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2021.

Đến tháng 6/2021, tỉnh Bình Thuận có 65/93 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 69,9%), cao hơn 5,1% so với bình quân cả nước (cả nước 64,8%); huyện Đức Linh được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020, nâng tổng số huyện đạt chuẩn NTM đến nay là 2 huyện (Phú Quý và Đức Linh). Bên cạnh đó, TP Phan Thiết đã hoàn thiện hồ sơ theo góp ý của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương để tổ chức thẩm định, công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.