| Hotline: 0983.970.780

Bộ Công an điều tra dự án mỏ đất hiếm ở Yên Bái

Thứ Tư 11/10/2023 , 17:33 (GMT+7)

Lãnh đạo xã Yên Phú, huyện Văn Yên xác nhận, C03 - Bộ Công an đang điều tra, xác minh một dự án khai thác mỏ đất hiếm tại địa bàn.

Điều tra liên quan dự án mỏ đất hiếm

Thông tin được Chủ tịch xã Yên Phú (huyện Văn Yên) Hà Minh Phượng xác nhận, khoảng 100 người thuộc  lực lượng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đang tiến hành điều tra, xác minh liên quan tới dự án khai thác mỏ đất hiếm của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương trên địa bàn xã Yên Phú.

Thượng tá Phạm Duy Thịnh, Trưởng Công an huyện Văn Yên thông tin, lực lượng chức năng phong tỏa công ty, yêu cầu tất cả công nhân dừng làm việc để lấy lời khai. Bước đầu nội dung làm việc cụ thể chưa được thông tin, chỉ có thông tin khám xét để điều tra về hành vi vi phạm pháp luật.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương có địa chỉ tại số 33, phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội), người đại diện pháp luật là ông Đoàn Văn Huấn. Đơn vị này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú từ tháng 6/2013 với diện tích 6,24ha, mức sâu khai thác đến mức +35m, thời gian khai thác 8 năm 1 tháng kể từ ngày ký giấy phép; trữ lượng khai thác 1.894.617 tấn đất quặng.

Dự án khai thác mỏ đất hiếm tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương. Ảnh: XĐ.

Dự án khai thác mỏ đất hiếm tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương. Ảnh: XĐ.

Việt Nam bắt đầu khai thác đất hiếm khoảng từ năm 2014, nhưng việc khai thác và xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, hình thức khai thác vẫn nhỏ lẻ, thậm chí còn xuất hiện tình trạng khai thác và buôn lậu đất hiếm.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có khả năng chế biến sâu đất hiếm để phân tách các nguyên tố đất hiếm riêng lẻ, mà chủ yếu xuất khẩu đất hiếm dưới dạng quặng thô có giá thành không cao.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7, Việt Nam dự tính đạt mục tiêu khai thác hơn 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm.

2 mỏ được tập trung đầu tư để khai thác là Yên Phú (Yên Bái) và Đông Pao (Lai Châu). Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu khai thác 2,1 triệu tấn quặng đất hiếm để xuất khẩu đi các nước.

Đất hiếm (Rare-earth element - REE) là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn, bao gồm Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu).

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, quang điện, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế… do vậy đây được xem là một nguồn tài nguyên rất quý giá.

Trữ lượng đất hiếm của thế giới là khoảng 120 triệu tấn. 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới là Trung Quốc 44 triệu tấn (chiếm 37,9% trữ lượng toàn cầu); Việt Nam 22 triệu tấn (chiếm 18,9%);  Brazil 21 triệu tấn (chiếm 18,1%); Nga 12 triệu tấn (chiếm 10,3%); Ấn Độ 6,9 triệu tấn (chiếm 5,9%).

Đất hiếm ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở các vùng núi phía Bắc, ở các tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và phân bố trải dài tại các tỉnh ven biển Bắc Trung bộ và Trung bộ như Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Các mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn tại Việt Nam bao gồm: Mỏ đất hiếm Nậm Xê ở xã Nậm Xê, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, diện tích 125,98km2, trữ lượng ước tính khoảng 10 triệu tấn; mỏ đất hiếm Đông Pao ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, diện tích 53,99km2, trữ lượng ước tính từ 8 đến 10 triệu tấn; mỏ đất hiếm Mường Hum ở xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, diện tích 26,84 km2, chưa rõ trữ lượng chính xác, nhưng được đánh giá có trữ lượng lớn; mỏ đất hiếm Yên Phú ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, trữ lượng ước tính 20.000 tấn.

Bộ TN-MT yêu cầu tăng cường quản lý tài nguyên đất hiếm

Cuối tháng 6/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề nghị 5 tỉnh gồm Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa, Lào Cai điều tra, xác minh tình trạng khai thác, mua bán trái phép đất hiếm với số lượng lớn.

Dự án mỏ đất hiếm tại xã Yên Phú (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Ảnh: XĐ.

Dự án mỏ đất hiếm tại xã Yên Phú (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Ảnh: XĐ.

Bộ TN-MT cho biết, trước thông tin phản ánh một số đối tượng đã tổ chức khai thác trái phép, tuyển, chiết xuất và buôn bán đất hiếm từ khu vực xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (cạnh mỏ đất hiếm Đông Pao) và khu vực xã Tân Hương, huyện Yên Bình, Yên Bái với khối lượng quặng tinh sau tuyển với quy mô lớn. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nêu trên của các đối tượng được phản ánh là xuất phát từ việc đào trộm, hạ cốt nền có người bảo lãnh.

"Đây là hoạt động có tính chất phức tạp, giá trị khối lượng khoáng sản lớn. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh khẩn trương chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra, xác minh thông tin, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm", Thứ trưởng Trần Quý Kiên ý kiến trong văn bản.

Ngoài ra, văn bản cũng đề nghị UBND tỉnh Lào Cai chủ động rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, tuyển, tiêu thụ quặng đất hiếm, tăng cường hơn nữa công tác giám sát, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

Mỏ đất hiếm Đông Pao tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Cổng thông tin UBND huyện Tam Đường.

Mỏ đất hiếm Đông Pao tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Cổng thông tin UBND huyện Tam Đường.

Cùng thời điểm nêu trên, ngày 19/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng ban hành văn bản số 3438 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, mỏ đất hiếm chưa khai thác.

Chủ tịch Lào Cai yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát, quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói chung, bao gồm cả khoáng sản là đất hiếm (có mỏ xác định tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai); đồng thời thực hiện việc truy quét, giải tỏa hoạt động khai thác trái phép hoặc các hoạt động đào trộm, hạ cốt nền để khai thác khoáng sản trái phép và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Xem thêm
Cảnh báo nạn trộm cắp cà phê đầu vụ thu hoạch

GIA LAI Một số vùng trồng cà phê tại Tây Nguyên đã xuất hiện tình trạng bẻ cành, hái trộm cà phê chín sớm khi vụ thu hoạch đang cận kề và giá cao hơn nhiều năm.

Phát hiện người đàn ông treo cổ tại rừng thông

Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác minh được danh tính người đàn ông treo cổ tử vong tại rừng thông do không mang theo giấy tờ tùy thân.