| Hotline: 0983.970.780

Bọ đậu đen tấn công trường học, nhà dân

Thứ Tư 03/06/2020 , 09:40 (GMT+7)

Qua một vài cơn mưa đầu mùa, bọ đậu đen tái xuất hiện và tấn công vào nhà dân, trường học tại Bình Phước khiến cuộc sống, sinh hoạt đảo lộn…

Giáo viên nhà trường dọn dẹp bọ đậu đen. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Giáo viên nhà trường dọn dẹp bọ đậu đen. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Bắt hàng trăm ký bọ trong lớp!

Đến hẹn lại lên, khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện là thầy và trò trường tiểu học An Phú, thị xã Bình Long lại cùng nhau tìm cách đối phó với bọ đậu đen.

Là giáo viên có thâm niên hơn 10 năm công tác tại trường tiểu học An Phú (thị xã Bình Long), thầy Nguyễn Văn Quyết cho biết, đã 10 năm nay, cứ hễ vào đầu mùa mưa, không biết từ đâu, từng đàn bọ đậu đen lại lũ lượt kéo đến.

Những nơi như trần nhà, đòn tay… là nơi trú ngụ của chúng. Hễ khi trời chuyển mưa là chúng lại bò ra khắp bàn ghế, nền lớp học khiến học sinh kinh hãi.

Thầy Quyết chia sẻ, không chỉ phát ra mùi hôi khó chịu như axít, nhiều giáo viên và học sinh không may dẫm phải chúng là y rằng vài ngày sau vùng da đó bị bỏng rát. “Mỗi ngày giáo viên nhà trường phải quét dọn hàng trăm kg, nhưng hết đợt này đến đợt khác vẫn không hết”, thầy Quyết nói.

Thầy Nguyễn Hữu Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những năm trước, bọ thường xuất hiện vào thời điểm nghỉ hè, nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời điểm này học sinh vẫn còn đang học.

Hiện có 4 lớp thuộc khối 4 và khối 2 xuất hiện bọ đậu đen. Trước mắt, nhà trường cho tạm ngưng hoạt động các phòng học, đồng thời, trưng dụng các phòng chức năng để thay thế tạm thời.

Ngoài ra, nhà trường phối hợp trung tâm y tế thị xã tổ chức phun hóa chất, tẩy, rửa các phòng học, hy vọng thuốc sẽ sớm có tác dụng.

“Mặc dù các lớp học vừa được xây dựng và đi vào hoạt động hơn 6 năm, thế nhưng phần gạch phía trên trần nhà chưa được tô trát, từ đó trở thành nơi trú ngụ của bọ đậu đen. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ sửa chữa để giáo viên và học sinh nhà trường yên tâm công tác, học tập”, thầy Thu nói.

Phải “sống chung” với bọ!

Tương tự hàng chục năm qua, người dân các xã biên giới huyện Bù Đốp (Bình Phước) phải chịu cảnh sống chung với vấn nạn bọ đậu đen.

Gia đình anh Nguyễn Giang ở thôn 3, xã Thiện Hưng, Bù Đốp là một trong những hộ thường xuyên bị bọ đậu đen tấn công.

Để ứng phó, anh đã áp dụng đủ mọi cách như: hun khói, tẩy xà phòng… thậm chí sử dụng cả thuốc sâu, thế nhưng vẫn không hiệu quả nên đành sống chung với chúng.

“Chúng tôi đã tập sống chung với bọ đậu đen từ nhiều năm nhưng không phải dễ bởi chúng gây ra rất nhiều phiền toái, nhất là khi ăn uống.

Cứ nấu xong là mỗi người một tô cơm kiếm chỗ ngồi, vì nếu dọn thức ăn ra là chúng bu hoặc rơi vào thì coi như toàn bộ đồ ăn phải bỏ đi. Chuyện ngủ còn khổ hơn, có đêm, chúng vào nhiều, bò qua khe màn đậu vào người, chăn mền rất khó chịu”, anh Giang than thở.

Bọ đậu đen xuất hiện mọi ngóc ngách trong lớp học. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Bọ đậu đen xuất hiện mọi ngóc ngách trong lớp học. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng thôn 3, xã Thiện Hưng cho biết, hàng năm bọ đậu đen đều xuất hiện “tấn công” người dân, có hộ chỉ vài ngày đã thu gom được cả chục bao bọ.

Để đối phó với bọ đậu đen, mỗi hộ dân có một cách làm như: hộ bị ít tự mua thuốc chống muỗi, kiến, gián về phun xịt, hộ bị nặng hơn thì mua thuốc sâu về xịt.

“Chúng tôi cũng tuyên truyền người dân hạn chế phun xịt thuốc nhiều, nếu có bọ xuất hiện nên đến ngay cơ cơ quan chức năng gần nhất để được hướng dẫn, hoặc trung tâm y tế huyện nhờ hỗ trợ phun thuốc đặc trị nhằm tránh ảnh hưởng sức khỏe”, ông Hoàng nói.     

Theo người dân địa phương, ấu trùng bọ đậu đen sống chủ yếu dưới lớp thực bì trong các vườn cao su, vào đầu mùa mưa là thời điểm sinh sản của chúng nên chúng bay tứ tán tìm chỗ trú ngụ, trong đó các nhà bằng gỗ gần lô sao su là địa điểm lý tưởng chúng.

Bọ đậu đen (hay mọt đậu đen) có tên khoa học là Mesomorphus villiger, thuộc bộ Coleoptera, họ Tenebrionidae. Đây là loài côn trùng cánh cứng, di chuyển nhanh, có hình dáng giống hạt đậu đen. Loài bọ này sống trong đất ở những nơi có vườn cao su, vườn cây ăn trái nhưng không gây hại cho thực vật. Loài bọ này có tính hướng quang nên thường bay vào nhà với mật độ cao, gây mùi hôi khó chịu.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.