Hơn 16 triệu USD tổ chức thực hiện một bộ SGK
16 triệu USD (tương đương 370 tỷ đồng) là một khoản vay tín dụng, hình thức vốn ODA. Tuy nhiên sau đó, Bộ GD-ĐT không đủ điều kiện chủ trì biên soạn SGK. Vậy 16 triệu USD vay bằng vốn ODA này đã được xử lý ra sao? Đó là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm và các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi này với Bộ GD-ĐT khi công bố Danh sách 32 SGK mới lớp 1 vừa qua.
Ngân hàng Thế giới cho vay 16 triệu USD biên soạn SGK. |
Theo kế hoạch ban đầu, biên soạn một bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện sẽ cung cấp 50.000 bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Dự án bao gồm cả việc biên soạn sách song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc thiểu số có chữ viết) của một số môn học ở tiểu học, biên soạn và thử nghiệm SGK điện tử...Trong đó, 4,5 triệu USD là số tiền SGK mới cung cấp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Khoản vay tín dụng 16 triệu USD này được Bộ GD-ĐT sử dụng vào mục đích gì, đem lại lợi ích cho biên soạn SGK mới và đổi mới chương trình hiệu quả ra sao? Trả lời câu hỏi của PV, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) giải thích: Hiện nay, được sự thống nhất của Ngân hàng Thế giới, một phần số tiền dùng để biên soạn tài liệu và tập huấn cho người soạn SGK.
“Tới đây tài liệu ấy cũng sẽ được sử dụng cho những người tham gia biên soạn SGK để có thể tiếp cận tài liệu này để hiểu được chương trình hiểu được tiêu chí để thực hiện biên soạn SGK cho chất lượng tốt”, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thông tin.
Ông Thành cũng nhấn mạnh: “Ngoài biên soạn chất lượng tốt thẩm định chất lượng tốt, còn một phần kinh phí nữa thì tới đây sẽ có phần tiếp tục tái cấu trúc của dự án thì sẽ được sử dụng vào những cấu phần khác, những hoạt động khác, cũng phục vụ chương trình đổi mới SGK”.
Đồng thời, vị Phó Vụ trưởng cũng khẳng định về nguyên tắc tất cả các SGK được Bộ trưởng phê duyệt đều được sử dụng trong nhà trường.
Ai quyết định chọn SGK mới?
Đồng thời với việc triển khai SGK mới, Bộ GD-ĐT cũng đang gấp rút hoàn thiện Thông tư hướng dẫn quy trình và tiêu chí chọn sách. Vậy ai có quyền quyết định chọn SGK mới?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: Ngay từ đầu năm 2019, Bộ GD-ĐT đã dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Đến tháng 6/2019, Luật Giáo dục sửa đổi đã được Quốc hội thông qua quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học. |
Vì vậy, Bộ tiếp tục dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo Luật Giáo dục sửa đổi. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng Luật này là từ 1/7/2020 do đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã có báo cáo với Quốc hội để xin thực hiện từ 1/1/2020 điểm C, khoản 1, điều 32 để đảm bảo cho việc ban hành Thông tư hướng dẫn việc chọn SGK kịp thời để thực hiện dạy lớp 1 ngay từ năm học 2020 - 2021.
Tuy nhiên, việc xin phép Quốc hội để thực hiện sớm điểm C, khoản 1, điều 32 không khả thi nên trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện Thông tư hướng dẫn theo quy định của Nghị quyết 88, sau đó sẽ đăng tải trên mạng để xin ý kiến rộng rãi trước khi ban hành thực hiện việc lựa chọn SGK kịp thời cho năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
“Đồng thời, Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi để đảm bảo sự kết nối, liên tục trong việc lựa chọn SGK trong khoảng thời gian từ đầu năm đến hết tháng 6/2020. Tiếp sau đó sẽ thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục", vẫn theo ông Thành.
SGK “không đạt” sẽ được thẩm định lại trong tháng 12 Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết: Hầu hết các tác giả có bản mẫu sách giáo khoa xếp loại “không đạt” (11/49 mẫu) đều có nguyện vọng và gửi đơn (thông qua nhà xuất bản) đề nghị Bộ GD-ĐT để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các hội đồng và tiếp tục trình thẩm định lại theo quy định. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định các bản mẫu này như thẩm định lần đầu vào tháng 12 tới. |