Phần lớn số tiền tiết giảm dành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các địa phương, tăng lương cho cán bộ, công chức. Ấy là kế sâu bền gốc rễ thực chất nhất để nói “dân là gốc”.
Đừng để đại biểu bắt cua, cắt cỏ giơ tay hoài
Con số ông nhẩm tính quả là không nhỏ. Nhưng thưa ông, tiết giảm như thế còn cơ học lắm, ông có đề xuất gì mạnh mẽ hơn từ thực tiễn công tác của mình?
Nghị quyết 18, 19 khóa XII của Trung ương đã ban hành hoàn toàn đúng, phù hợp lòng dân, đồng thời Bác Hồ của chúng ta đã nói “cái gì có lợi cho dân thì nên làm”. Vì vậy các chủ trương của Đảng, Nhà nước đề ra, nếu được cả nước thực hiện đồng bộ, thành công thì tiết kiệm chi ngân sách để trả lương cho cán bộ hàng ngàn tỷ đồng.
Tôi chưa nói đến sáp nhập bộ máy, các tổ chức trong hệ thống chính trị mà có chỉ đạo quyết liệt nhập xã, nhập huyện rồi tiến tới nhập tỉnh với nhau như sau năm 1976 Đảng, Nhà nước đã làm.
Thực chất một số đơn vị cấp huyện, thị… đẻ ra bộ máy chủ yếu giải quyết công tác cán bộ là chính. Sự lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội trong 1 quốc gia, 1 tỉnh, nó không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, nên không nhất thiết phải thành lập thêm đơn vị hành chính, nhất là cấp huyện, thị, vì thêm 1 huyện ngân sách phải chi lớn hơn 500 tỷ đồng/năm cho bộ máy hoạt động.
Theo tôi, Trung ương cần mạnh dạn quyết định việc bỏ HĐND cấp huyện và cấp xã (không tổ chức HĐND cấp huyện, cấp xã). Chỉ riêng bộ máy này, mỗi năm cấp xã tiêu tốn ngân sách trên dưới 100 triệu đồng, cấp huyện 1 tỷ. Cả nước có 12.000 xã x 100 triệu x 5 năm thì số tiền sẽ là 6.000 tỷ đồng; 800 huyện x 1 tỷ x 5 năm thì số tiền sẽ là 4.000 tỷ. Như vậy, chỉ một nhiệm kỳ, HĐND cấp xã, huyện đã ngốn khoảng 10.000 tỷ đồng ngân sách.
Ở đây, nếu bỏ HĐND cấp xã, huyện, tôi thiết nghĩ rằng, hoạt động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và quyền giám sát của nhân dân vẫn không bị mất đi.
Tôi khẳng định, nhiều chủ trương, quyết sách bây giờ đều cơ bản đã được Trung ương và tỉnh hiện thực hóa một cách cụ thể, rộng rãi. Những vấn đề có tính chất địa phương đặc thù thì xuống dưới đã có Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Huyện ủy, xuống dưới nữa là Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy xã họp thống nhất hết cả rồi.
Nhiều khi đưa ra HĐND có lúc mang tính hình thức. Có xã, có đại biểu trình độ hạn chế, vì cơ cấu, vì quan hệ họ hàng cùng thôn, xóm mà trúng cử chứ họ chỉ đi bắt cua, cắt cỏ, đọc cái báo cáo còn chưa hiểu hình thù ra cái gì, chỉ giơ tay biểu quyết, thế thì có lãng phí tiền của nhân dân không?
Do đó, việc giám sát, phát huy quyền làm chủ của nhân dân bây giờ đâu chỉ có mỗi kênh HĐND. Việc đó hãy trao cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện. Bên cạnh đó còn có báo chí.
Việc cắt bỏ HĐND cấp huyện, xã, Trung ương nên điều chỉnh luật tổ chức HĐND, UBND vì không phải người đứng đầu cấp chính quyền phải dân bầu mới dân chủ… mà người dân chỉ cần lãnh đạo làm được việc vì dân, có sản phẩm của sự lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đồng thuận cao, nên công tác cán bộ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cứ mạnh dạn sửa đổi là cấp trên chỉ định cấp dưới và lấy sản phẩm, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo.
Trong khi chưa bỏ được điều này thì việc sáp nhập các xã, theo ông nó có mang lại chuyển biến gì hơn không?
Đức Thọ là huyện thuần nông, dân số không tập trung, phong tục, tập quán khác nhau, thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập tổ chức lại đơn vị cấp xã còn nhiều khó khăn từ 28 xã, thị trấn xuống còn 16 xã, thị trấn (giảm 12 đơn vị hành chính cấp xã) từ đó số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động chuyên trách dôi dư trên 300 người.
Ngoài ra, Đức Thọ đã sáp nhập 243 thôn, xóm, tổ dân phố xuống còn 155 thôn, xóm, tổ dân phố; giảm 88 đơn vị cấp thôn; giảm trên 900 cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố. Bố trí, cơ cấu cán bộ cấp thôn đồng chí Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận; nơi đủ điều kiện Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, chi hội trưởng kiêm nhiệm.
Lẽ ra việc sáp nhập phải được tiến hành cách đây 10 năm rồi mới phải, khi chưa thực hiện chương trình xây dựng NTM. Nếu chúng ta có được một quyết tâm chính trị về việc này sớm hơn thì bây giờ việc sáp nhập sẽ thuận lợi hơn nhiều. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn thì cũng phải làm. Ngay khi có Nghị quyết 18, 19 của Trung ương là Hà Tĩnh rục rịch triển khai và Đức Thọ gần như là địa phương đi đầu trong việc này.
Nói thật, việc sáp nhập các xã, có phần tâm tư trong đội ngũ cán bộ thôi, chứ hầu hết nhân dân thì đồng tình lắm. Dân đồng tình vì nhận thức của nhân dân ngày càng cao, họ cho rằng, bớt bộ máy cồng kềnh thì sẽ đỡ phải đóng nộp hơn.
Tại huyện Đức Thọ, việc sáp nhập đã được tiến hành làm từ trên để làm gương cho cơ sở. Chẳng hạn, Văn phòng cấp ủy, HĐND, UBND đã nhập vào làm một; Ban tổ chức và Phòng Nội vụ vào một; Thanh tra nhập vào UBKT; Trưởng ban Tuyên giáo kiêm giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị.
Từ đây, chúng tôi tiến hành đề án sáp nhập các xã, thị trấn. Huyện Đức Thọ từ 28 xã, nay sáp nhập lại còn 16 xã (giảm 12 xã). Thực tế có xã như Đức La chỉ có 2 thôn với trên dưới 120 hộ dân (1.200 khẩu) nhưng vẫn bộ máy vẫn phải bố trí theo quy định. Nay, sáp nhập xã này vào hai xã Đức Nhân và Bùi Xá thành xã Bùi La Nhân. Như vậy chỉ riêng chỗ này đã bỏ được 2 xã, hai bộ máy.
Chính vì thế, tôi cho rằng, việc sáp nhập này càng làm sớm càng tốt bao nhiêu để giảm bớt nguồn chi, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước bấy nhiêu.
Tại thời điểm này, việc sáp nhập các xã trên địa bàn huyện Đức Thọ nói chung và qua tìm hiểu trên bình diện chung cả nước, ông thấy đâu là vướng mắc, khó khăn cần được khắc phục?
Theo tôi có mấy vấn đề đang đặt ra như thế này.
Một là, hệ thống pháp luật, các quy định, hướng dẫn của Trung ương về quy định tổ chức, bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị chưa được ban hành đồng bộ, kịp thời. Chưa có Nghị định thay thế Nghị định 37 ngày 5/5/2014 Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã... điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai thực hiện kế hoạch, nhất là các nhiệm vụ, nội dung mới liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế.
Hai là, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị sau khi hợp nhất chưa được quy định thống nhất, cơ chế chính sách giữa khối Đảng và khối Nhà nước sau khi thực hiện hợp nhất vẫn chưa được quy định cụ thể, ảnh hưởng đến quá trình hợp nhất các cơ quan, đơn vị theo kế hoạch. Về quản lý biên chế sau khi hợp nhất thực hiện thống nhất quản lý biên chế thuộc biên chế khối Đảng, nhưng biên chế chưa được cấp có thẩm quyền phân bổ.
Ba là, việc thực hiện Đề án sáp nhập đơn vị hành chính các xã, dôi dư số lượng cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách nhiều, khó khăn trong bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã và giải quyết chế độ chính sách khi Trung ương chưa có quy định cụ thể.
Để khắc phục các vướng mắc này, theo tôi, Chính phủ cần sớm ban hành các nghị định sửa đổi, thay thế liên quan đến tổ chức, bộ máy.
Sửa đổi Nghị định 37 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế; Nghị định 34 của Chính phủ nhất là đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương cần sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng quy định mẫu dấu cho các cơ quan hợp nhất, hướng dẫn việc khắc và quản lý, sử dụng con dấu theo Kết luận 34 của Bộ Chính trị (không nên để 1 cơ quan 2 con dấu).
Vắng bóng cải cách vượt rào
Nhiều năm nay, những cải cách “vượt rào” cấp cơ sở gần như vắng bóng, lịm dần. Những cuộc vượt rào nổi tiếng nhất có thể kể như chuyện TP.HCM cho bà Ba Thi buôn gạo, rồi đến khoán 10, 100… Tất cả đều được xé rào ở cấp địa phương. Họ phát hiện những bất cập, trái ngược với quy luật tự nhiên, bất ổn với lòng người, và tự thực hiện cho dù án kỷ luật có thể ập xuống, hay treo lơ lửng.
Ở một nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, những sáng kiến cấp địa phương là rất quan trọng. Cán bộ có dũng khí để làm những cái mới mẻ, phá vỡ những giáo điều, để rồi sau này Trung ương nhận ra và triển khai trên diện rộng.
Nhưng nhiều năm nay, chuyện vượt rào lịm dần. Chả lẽ sáng kiến, giải pháp đã cạn kiệt? Hay là họ không dám làm gì, án binh bất động? Hay là đến lúc cải cách phải từ trên xuống thì mới có sức nặng?
Tôi hiểu tâm tư này của anh qua cách đặt vấn đề và những câu hỏi hóc búa đó. Vì tôi nghĩ rằng, đây là điều mà nhiều người có chung tâm tư ấy. Ngay như ý kiến của tôi về việc đề nghị Trung ương sớm quyết định cho việc bỏ HĐND cấp huyện, xã cũng là vấn đề đặt ra từ thực tiễn ở cơ sở, từ dưới lên đấy.
Tôi tin nói ra được điều này cũng đã là dũng cảm lắm rồi, có khi bị mắng nhưng cán bộ, đảng viên thấy bất cập, bất hợp lý mà không mạnh dạn nói ra thì cũng khó cho cả cấp trên.
Nhân tâm tư này của anh, tôi muốn bàn về vấn đề con người, ấy là công tác cán bộ.
Theo ông Võ Công Hàm, việc thực hiện Nghị quyết 18, 19 thời gian qua cấp Trung ương chưa làm mạnh, mới chỉ tập trung ở một số huyện, tỉnh. Thời gian tới mong Trung ương chỉ đạo mạnh mẽ làm từ Trung ương làm xuống, mạnh dạn sáp nhập các ban, bộ, ngành, các tổ chức có nét tương đồng về công việc phục vụ nhân dân, doanh nghiệp... cắt bỏ những tổ chức cấp dưới không cần thiết, chứ không phải trung ương có tổ chức nào thì cấp dưới phải có tổ chức đó.
Tôi có quan điểm, cán bộ không nhất thiết phải do dân bầu thì dân mới tin yêu. Bằng chứng là nhiều địa phương trong cả nước và ngay tại huyện Đức Thọ, chúng tôi thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã, từ xã này qua xã khác đảm đương các vị trí Bí thư, Chủ tịch, dù không phải người địa phương, không phải do dân bầu nhưng vì họ làm được việc, tạo ra nhiều sản phẩm (công trình dân sinh, năng suất, sản lượng, bộ mặt làng quê khang trang, nội bộ đoàn kết...) thế là dân mến, dân tin, dân yêu.
Điều khiến tôi trăn trở nhất hiện nay là việc hiện thực hóa cụm từ “dân là gốc”. Lâu nay chúng ta nói nhiều nhưng dường như đâu đó vẫn xem nhẹ. Tôi cho rằng, cái mấu chốt của “dân là gốc” chính là việc quan tâm sâu sắc nhất, trách nhiệm nhất cho cấp thôn, xóm. Chăm lo đời sống cho nhân dân thì phải quan tâm, chăm lo cho cán bộ thôn, xóm.
Tôi lấy ví dụ, cùng một thôn, cử cán bộ công chức xã về thôn làm rất tốt; cử cán bộ tại chỗ họ làm đối phó. Vì sao? Vì chính sách bất cập, bất cập ngay chính việc xem nhẹ lực lượng cùng ăn cùng ở cùng làm với dân. Cán bộ thôn, xóm đúng ra phải được đào tạo, giúp đỡ họ nhiều hơn về mọi mặt và quan trọng hơn là đảm bảo nguồn thu nhập cho họ. Chúng ta chưa làm tốt điều này.
Ngay trong chi bộ cũng vậy, chủ yếu là đảng viên già, về hưu. Việc kiếm tìm một Bí thư chi bộ hay một trưởng thôn ra cáng đáng trách nhiệm ở thôn, xóm bây giờ rất nan giải. Nói một cách vuông vắn và chân tình là không ai muốn làm.
Chính vì thế muốn Đảng bộ mạnh thì phải có chi bộ mạnh; muốn chi bộ mạnh thì phải có đảng viên mạnh. Trong khi thôn, xóm bây giờ chủ yếu là đảng viên về hưu, đảng viên già, nhiều tuổi. Đồng chí Bí thư chi bộ cũng phải được vận động mãi mới có người cáng đáng cho.
Nhiều đồng chí được Đảng ủy giới thiệu làm bí thư, biết ý cái là trước chục ngày hoặc 1 tháng là họ xin phép vào Nam, ra Bắc thăm con, thăm cháu. Thế là thoát được nhiệm vụ làm bí thư. Đến ngay trưởng thôn cũng thế. Còn cán bộ đoàn thể mỗi tháng 200.000 đồng, không bằng một ngày công lao động bình thường thì bảo sao khuyến khích họ làm việc. Trong khi thôn, xóm xảy ra chuyện gì thì họ là người có mặt ở hiện trường đầu tiên.
Rõ ràng, muốn “dân là gốc” thì gốc phải mạnh. Muốn vậy thì phải quan tâm đến cán bộ thôn, xóm bằng tiền lương, đào tạo… Phải tạo ra một không khí nhiều người ở thôn tranh nhau làm cán bộ mới được chứ không phải như bây giờ toàn đùn đẩy vì chẳng ai muốn làm cán bộ thôn, xóm.
Đúng là phải như thế. Nói cho dân nghe bây giờ không dễ đâu. Muốn nói được cho dân nghe, dân tin, dân yêu thì ngoài năng lực vốn có còn phải tạo ra động lực bằng các giá trị thực tế nơi người dân gắn bó. Ngay cái việc kêu gọi xã hội hóa để con em xa quê góp sức xây dựng ở thôn, nếu một người biết kêu gọi sẽ thu hút được nguồn lực và dĩ nhiên phải làm ra cái thiết yếu nhất cho dân, chẳng hạn đầu tư một khu vui chơi cho người già, em nhỏ.
Bao giờ cho đến ngày xưa!
“Ngày xưa đất nước nghèo, lạc hậu, điện, đường, thông tin liên lạc còn kém, thậm chí nhiều nơi không có… thì tỉnh to, huyện to, xã to, việc quản lý vẫn ngon lành, thậm chí ít tệ nạn xã hội hơn. Ngày nay công nghệ thông tin phát triển hiện đại, điện, đường nối nhau từ trung tâm đến tận từng thôn, xóm thì tỉnh nhỏ, huyện nhỏ, xã nhỏ, bộ máy cồng kềnh", Bí thư Huyện ủy Đức Thọ Võ Công Hàm trầm tư.
Để cán bộ tâm huyết thì phải đảm bảo đời sống cho họ. Trước hết là lương. Một xã có 5 thôn, nếu bỏ HĐND thì 100 triệu đó đưa về cho 5 thôn cũng đã tăng được mức lương cho cán bộ thôn, xóm rồi. Ý tôi nói ở đây là phải bỏ cái hình thức để đầu tư cái thực chất cho nhân dân. Đó mới là kế sâu bền gốc rễ.
Ngay như đoàn thanh niên hiện nay hầu hết các thôn, xóm thanh niên chủ yếu đi làm ăn xa, khó khăn cho hoạt động tổ chức đoàn thanh niên, việc phát triển đảng viên ở nông thôn gặp nhiều khó khăn.
Nói đến công tác phát triển đảng viên, Hà Tĩnh nói chung và Đức Thọ nói riêng là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, cái nôi của nhiều bậc chí sỹ, anh tài. Ông nhìn nhận thế nào về thế hệ trẻ bây giờ và khát vọng vào Đảng của lớp trẻ?
Tôi có niềm tin tuyệt đối vào thế hệ trẻ. Họ có điều kiện để ăn học bài bản và có trí tuệ để tiếp nhận các tinh hoa bồi bổ cho mình, có khát vọng làm giàu. Trong khi cơ chế vận hành của chúng ta có cái còn bất cập thì có một xu hướng thanh niên học thứ họ cần để kiếm tìm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Có một điều khiến tôi suy nghĩ, hàng năm Đức Thọ kết nạp được nhiều đảng viên trẻ ở các học sinh trường học cấp 3 có thành tích học tập và tư cách đạo đức tốt. Tuy nhiên, khi các em vào đại học, ra trường đi làm ở các tập đoàn, doanh nghiệp thì việc duy trì sinh hoạt đảng vẫn còn hạn chế, có một số em không tham gia sinh hoạt đảng, đặc biệt là ở doanh nghiệp nước ngoài.
Xin trân trọng cảm ơn ông!