Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tại Hội nghị giao ban ATTP và quản lý vật tư nông nghiệp sáng 22/9 tại Hà Nội, trong thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT đã phát hiện 10/1.838 mẫu thủy sản nuôi nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép (chiếm 0,54%, giảm so với cùng kỳ năm 2019 (chiếm 1,02%); 187/1.192 mẫu thịt lợn, gà tại cơ sở giết mổ và kinh doanh không đạt yêu cầu về vi sinh (chiếm 15%, giảm so với cùng kỳ năm 2019 (18,9%).
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, các Cục thuộc Bộ NN-PTNT cũng đã tăng cường thanh, kiểm tra xử lý các cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp, không đảm bảo ATTP. Cụ thể, đã thanh, kiểm tra 101 cơ sở, phát hiện 47 cơ sở vi phạm với tổng số tiền là 1,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng tăng cường thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, phát hiện và xử lý 693/10.448 cơ sở (chiếm 6,6%) với tổng số tiền phạt 4,2 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2020, các địa phương đã thực hiện thẩm định đánh giá phân loại và định kỳ 3.772 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, trong đó 3.694 cơ sở được xếp loại A, B, chiếm 98%.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Như Tiệp, vừa qua trước sự cố mất ATTP sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã tham mưu Bộ NN-PTNT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương triển khai thu hồi, truy suất và xử lý thực phẩm không an toàn của doanh nghiệp này.
Kết quả sơ bộ đến nay cho thấy số khách hàng/số sản phẩm Pate Minh Chay đã được phân phối trên cả nước là 6.438 khách/8.175 sản phẩm. Số khách hàng đã liên hệ được là 5.012 khách hàng (chiếm 78%), còn 1.426 khách hàng (22%) chưa liên hệ được.
Số sản phẩm Pate Minh Chay đã thu hồi là 559 sản phẩm, só sản phẩm đã sử dụng hết/vứt bỏ là 1.010 sản phẩm (tổng số sản phẩm thu hồi và sử dụng hết/vứt bỏ là 1.569 sản phẩm (chiếm 19%). Hiện vẫn tiếp tục thu hồi số sản phẩm còn lại (chiếm 81% tổng số sản phẩm Pate Minh Chay).
Hiện Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản đã có văn bản số 1273/QLCL-CL2 ngày 15/9 hướng dẫn các tỉnh, thành phố khẩn trương thu hồi các sản phẩm này và cử một Trưởng phòng hỗ trợ Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và khắc phục sự cố.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, vấn đề sử dụng kháng sinh trong thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm rất phức tạp, nguy cơ tồn dư kháng sinh trên tôm là rất cao nên đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản tiến hành thanh kiểm tra đột xuất và xử phạt nặng nhằm tăng tính răn đe.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu sang thị trường EU tăng 105 triệu USD, các mặt hàng lúa gạo, rau củ quả, thủy sản đều tăng mang ý nghĩa vô cùng to lớn trong một năm đặc biệt khó khăn do dịch bệnh như 2020.
Đặc biệt, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu phải rà soát toàn bộ giống tôm, giống cá tra, quản lý kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, xây dựng chuỗi và quản lý theo chuỗi, bởi nếu không quản lý được vấn đề ATTP ngay cả việc bán sản phẩm trên sân nhà đã khó chứ chưa nói gì đến xuất khẩu.
“Nhiều cảng cá, nhiều cơ sở tôi đi kiểm tra thấy vẫn còn nhếch nhác cũng được cấp chứng nhận ATTP, thậm chí có cơ sở còn được cấp VietGAP là chưa ổn. Không thể có chuyện đánh trống khi tên như thế được nên tôi đề nghị phải rà soát và đánh giá thực chất vấn đề, bởi nếu thiếu thực chất thì sẽ thiếu sức mạnh, thiếu sự phát triển, tăng trưởng bền vững.” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.
Về nhiệm vụ cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, đối với thị trường EU thừa thắng xông lên sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020. Với thị trường Mỹ tiếp tục duy trì giữ vững. Riêng thị trường Trung Quốc phải có sự rà soát, đánh gia cung cầu sát với thực tiễn, đặc biệt lưu ý về truy suất nguồn gốc, ATTP, mã số vùng nuôi, vùng trồng.