| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT và Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây tăng cường hợp tác nông nghiệp

Thứ Bảy 16/09/2023 , 18:08 (GMT+7)

Ngày 16/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và ông Hứa Hiển Huy, đại diện Chính quyền khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây ký Bản ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và ông Hứa Hiển Huy, đại diện Chính quyền khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây ký Bản ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp. Ảnh: Huy Toàn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và ông Hứa Hiển Huy, đại diện Chính quyền khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây ký Bản ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp. Ảnh: Huy Toàn.

Lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 tại Nam Ninh, Trung Quốc từ 16 - 17/9.

Nhằm thực hiện nhận thức chung đạt được trong "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc" năm 2022; trong đó bao gồm nội dung về thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, thực hiện các giải pháp cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, xúc tiến chuỗi cung ứng song phương về nông sản thực phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu giữa hai nước và làm sâu sắc hơn hợp tác và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, theo tinh thần hữu nghị, hợp tác, đôi bên cùng có lợi, tham vấn để đạt kết quả cùng thắng; ngày 16/9, Chính quyền nhân dân khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và Bộ NN-PTNT Việt Nam (sau đây gọi là “hai Bên”) trao đổi và thống nhất những điều khoản trong Bản ghi nhớ về hợp tác trong nông nghiệp.

Về nguyên tắc chung, trên cơ sở hợp tác hữu nghị cùng có lợi, cùng đạt kết quả, gắn với việc tuân thủ luật pháp mỗi nước và các điều ước quốc tế hai nước là thành viên, hai Bên sẽ cùng phối hợp để tăng cường hợp tác trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình. Việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác này không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi Bên theo luật pháp quốc tế.

Mục tiêu của quá trình hợp tác, hai Bên nhất trí cùng nhau thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hợp tác trong nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Cố gắng hướng tới mục tiêu trong vòng 3 năm tới, với các nội dung sau.

Thứ nhất, tăng trưởng bền vững lượng thương mại nông thủy sản và đầu tư trong nông nghiệp giữa hai nước. Thứ hai, hình thành và phát triển sáng tạo chuỗi cung ứng nông sản xuyên biên giới với sự tham gia của các doanh nghiệp hai nước. Thứ ba, đạt được những kết quả vững chắc về hợp tác trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tăng cường hợp tác trong nông nghiệp và phát triển nông thôn

1. Tăng cường trao đổi và hợp tác trong kỹ thuật canh tác nông nghiệp hiện đại về cây trồng, vật nuôi, làm sâu sắc hơn hợp tác trong sản xuất và chế biến nông sản xuyên biên giới như ngành mía đường, xây dựng “khu liên hợp chăn nuôi - giết mổ - chế biến gia súc gia cầm xuyên biên giới” tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam.

2. Tăng cường trình diễn và khuyến khích các giống cây trồng và vật nuôi tốt, và cùng thúc đẩy xây dựng và nâng cấp chất lượng, nâng cấp Trạm thử nghiệm các giống cây nông nghiệp tốt Trung Quốc (Quảng Tây) - Việt Nam.

3. Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, triển khai và khuyến khích sử dụng máy và thiết bị sản xuất nông nghiệp, khuyến khích trao đổi và áp dụng công nghệ máy nông nghiệp tại những khu vực đồi núi, tăng cường thương mại và trao đổi máy móc thiết bị nông nghiệp giữa hai Bên.

4. Phối hợp nâng cấp mức độ giám sát chất lượng và độ an toàn của nông thủy sản, tăng cường quy định các yếu tố đầu vào của nông nghiệp và kiểm soát chất lượng nông thủy sản tại nguồn.

5. Hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh động vật, dự báo, kiểm soát và phòng ngừa dịch hại mùa màng, nghiên cứu cơ chế trao đổi kỹ thuật và phối hợp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cây trồng và vật nuôi; hợp tác trong việc xây dựng khu an toàn dịch bệnh động vật hay khu kiểm dịch an ninh sinh học và vùng trồng trọt sản lượng cao tại khu vực biên giới nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Cung cấp hỗ trợ về vật tư trang thiết bị để nâng cao năng lực phòng và kiểm soát dịch bệnh động thực vật tại khu vực biên giới.

6. Tăng cường trao đổi khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp, khuyến khích chuyển giao công nghệ và những thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ.

7. Đẩy mạnh đào tạo tài năng, hợp tác sâu về đào tạo nghề nông, khuyến khích trao đổi và hợp tác giữa các trường nông nghiệp của hai bên, như Đại học Kỹ thuật nghề nông nghiệp Quảng Tây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Thủy lợi, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Bắc Giang và các trường cao đẳng dạy nghề nông nghiệp có liên quan. Tổ chức các khóa tập huấn trao đổi các loại hình khác nhau về công nghệ và kinh nghiệm canh tác nông nghiệp, ví dụ công nghệ trang trại tôm mùa đông và nuôi cá nước lạnh, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất hạt dẻ Australia, chè, rau gia vị (quế, hồi), chuối, nho, táo và rau vùng ôn đới, cũng như kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc của Trung Quốc; trao đổi kinh nghiệm về phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm, quản lý sức khỏe động thực vật, giám sát sinh vật gây hại và phát triển thị trường.

8. Hai bên nhất trí duy trì hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ thông qua phối hợp kỹ thuật thả giống cá và thủy sản; phối hợp thúc đẩy phát triển bền vững nghề cá trên vịnh Bắc Bộ.

9. Tìm hiểu các cơ chế hợp tác trong xử lý khẩn cấp cháy rừng và chống buôn lậu động thực vật hoang dã.

Hợp tác đẩy nhanh thông quan hàng hóa nông thủy sản

10. Tăng cường kết nối với các đơn vị chức năng của hai bên để chủ động thúc đẩy các thủ tục liên quan đến xuất khẩu nông sản song phương về nông thủy sản ở cấp địa phương và cấp Cục, Vụ, như xuất khẩu cá tầm của Trung Quốc sang Việt Nam và xuất khẩu dừa, vải, bưởi, thủy sản, và các loại nông sản khác của Việt Nam sang Trung Quốc.

11. Nâng cấp và cải tiến hạ tầng cửa khẩu để phục vụ có hiệu quả thương mại nông lâm thủy sản xuyên biên giới Trung Quốc - Việt Nam; cung cấp thông tin kịp thời về khối lượng thông quan nông lâm thủy sản và những thông tin khác trong trường hợp ùn tắc hoặc nguy cơ ùn tắc tại cửa khẩu.

12. Trên cơ sở điều kiện và nhu cầu tại cửa khẩu ở hai phía, nghiên cứu việc thành lập bộ phận giám sát chuyên ngành đối với động thực vật và sản phẩm động thực vật xuất nhập khẩu, đẩy mạnh thương mại nông thủy sản tương ứng.

Phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm đẩy mạnh việc xây dựng cửa khẩu thông minh và áp dụng công nghệ phù hợp để cải tiến khả năng thông quan.

14. Ở cấp địa phương và cấp ngành (Cục, Vụ), từng bước chủ động thúc đẩy một cơ chế xác minh việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho xuất khẩu hải sản thực phẩm sang Trung Quốc, ký kết bổ sung các hiệp định về quy trình kiểm tra và kiểm dịch xuất nhập khẩu trái cây giữa Trung Quốc và Việt Nam. Triển khai việc chứng nhận AEO (cơ sở kinh doanh được cấp chứng nhận - Accredited Economic Operator) cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây và các loại nông sản khác.

Lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nam Ninh (Trung Quốc) từ 16 - 17/9. Ảnh: Huy Toàn.

Lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nam Ninh (Trung Quốc) từ 16 - 17/9. Ảnh: Huy Toàn.

Đẩy mạnh phát triển thương mại và đầu tư về nông thủy sản

15. Chủ động thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản giữa Trung Quốc (Quảng Tây) và Việt Nam, tổ chức các sự kiện thương mại nông sản, và đầu tư nông nghiệp , tổ chức các doanh nghiệp tham gia các hoạt động giao lưu kinh tế và thương mại tại Trung Quốc (Quảng Tây) và Việt Nam, bao gồm Triển lãm Trung Quốc - ASEAN và các hoạt động trưng bày sản phẩm.

16. Cam kết trao đổi về nguyên tắc, quy định, quản lý, các tiêu chuẩn và các khía cạnh pháp lý khác về hợp tác thương mại nông thủy sản. Thúc đẩy sự công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn nông thủy sản và phát triển thương mại song phương về nông thủy sản chất lượng cao.

17. Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích và thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp nông nghiệp của hai nước. Xây dựng các chuỗi cung ứng và chuỗi ngành hàng xuyên biên giới hai bên cùng có lợi nhằm tăng cường thương mại và đầu tư trong nông nghiệp.

Thứ trưởng trả lời phỏng vấn của cơ quan truyền thông sau Lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong nông nghiệp.

Thứ trưởng trả lời phỏng vấn của cơ quan truyền thông sau Lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong nông nghiệp.

Hình thành một cơ chế nhằm phục vụ doanh nghiệp và thị trường

18. Hình thành cơ chế làm việc để phục vụ doanh nghiệp và thị trường, khai thác và sáng tạo một mô thức mới để các doanh nghiệp nông nghiệp trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Trung Quốc (Quảng Tây) và Việt Nam.

19. Cử các đoàn công tác sang nhau để thường xuyên tuyên truyền và trao đổi thông tin về các vấn đề hợp tác, thúc đẩy quá trình hợp tác trôi chảy về hợp tác song phương.

20. Cung cấp thông tin chính sách liên quan, bao gồm cập nhật chính sách mới, đặc biệt các biện pháp để quản lý thương mại nông sản song phương, tiêu chuẩn, quy cách hàng hóa...

21. Tăng cường chia sẻ thông tin thương mại và đầu tư, cung cấp thông tin về nhu cầu đầu tư, xúc tiến thương mại và những biến động thị trường.

Hai Bên chỉ định đơn vị đầu mối triển khai thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác trong nông nghiệp, của phía Trung Quốc là Sở Nông nghiệp và Nông thôn khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây và phía Việt Nam là Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT.

Căn cứ nhu cầu thực tế, hai Bên sẽ tổ chức họp 1 năm 1 lần, luân phiên theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, để đánh giá việc thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác này và trao đổi thông tin và những góp ý về các nội dung hợp tác cùng quan tâm cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong hợp tác giữa hai Bên.

Xem thêm
Thủ tướng: Việt Nam, Ba Lan tìm ra con đường tốt nhất để hợp tác

Chia sẻ về quan hệ Việt Nam - Ba Lan, Thủ tướng nói trong khó khăn, hai bên vẫn tìm ra được con đường tốt nhất để đến với nhau, hợp tác và phát triển.

Sự cố vỡ đê làm ngập một nửa diện tích cồn Hô

Trà Vinh Do triều cường cao làm vỡ 17m bờ bao cồn Hô, huyện Càng Long, khiến 12ha vườn cây ăn trái của 11 hộ dân bị ngập, tương đương một nửa diện tích của cồn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Những làng đào lặng lẽ ở đất Cảng

Các làng trồng đào Tết 2025 tại Hải Phòng mất mùa do bão số 3, hàng khan hiếm nhưng thời tiết thuận lợi, dự kiến hoa đẹp hơn so với mọi năm.