Ba trung tâm thương mại trái cây tại tỉnh Quảng Tây được triển khai theo dự án Trung tâm Phân phối Nông sản Trung Quốc - ASEAN, nhằm tăng cường kết nối tỉnh này với các nước ASEAN, theo báo cáo do hãng tin CNS công bố.
Mục đích của dự án này nhằm xây dựng một hệ thống thương mại hoàn chỉnh bao gồm phân phối, kinh doanh và chế biến trái cây, báo cáo cho biết.
Giới chuyên gia cho rằng việc thành lập các trung tâm này sẽ thúc đẩy phát triển mạng lưới vận tải trái cây nhập khẩu, mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng Trung Quốc cũng như giảm chi phí vận tải cho nhà xuất khẩu trái cây ASEAN.
Kim ngạch thương mại tỉnh Quảng Tây đã đạt 339,07 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm 2023, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm ngoái và gần một nửa trong đó (161,38 tỷ NDT) đến từ các nước ASEAN, tăng 92,6%, theo truyền thông Trung Quốc.
Trung tâm thương mại trái cây ở Khâm Châu, ở gần khu vực cảng của thành phố này, nằm trong dự án Thí điểm Khu Thương mại Tự do của Trung Quốc. Với lợi thế sở hữu nhiều tuyến đường biển với các nước ASEAN, trung tâm này có nhiệm vụ tiếp cận các thị trường Malaysia, Campuchia và Thái Lan, đồng thời đưa các loại trái cây nhiệt đới chất lượng cao như sầu riêng, xoài và nhãn đến người tiêu dùng Trung Quốc.
Trong lễ khánh thành trung tâm, lô hàng sầu riêng đầu tiên của Malaysia đã cập cảng Khâm Châu, sau đó được xử lý và chuyển vào một kho lạnh chuyên dụng. So với nhập khẩu trái cây qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị ở Lạng Sơn, Việt Nam, cảng Khâm Châu có nhiều lợi thế lớn hơn do chi phí vận tải qua đường biển thấp hơn đường bộ. Vận tải trài cây qua đường biển trung bình có thể tiết kiệm 10.000 NDT/container so với đường bộ, theo giới chức Khâm Châu.
Trong ba năm tới, Khâm Châu có kế hoạch xây dựng một thị trường thương mại trái cây Trung Quốc - ASEAN và nền tảng thương mại trực tuyến, hướng tới mục tiêu xuất nhập khẩu trái cây đạt trên 600.000 tấn/năm vào năm 2025.
Cảng Khâm Châu có kết nối với 26 cảng biển của các nước ASEAN với 36 tuyến đường vận chuyển hàng hóa, theo Mai Liang, thuộc Tập đoàn Đầu tư Phát triển Khâm Châu, đơn vị xây dựng cảng Khâm Châu. "Khâm Châu nằm ở điểm cuối cùng của mạng lưới đường sắt Trung Quốc, có thể vận chuyển hàng nhập khẩu đi khắp Trung Quốc", Mai cho biết hôm 28/8.
Lan Bin, chủ tịch Công ty Logistics Xianglong ở Khâm Châu, hôm 28/8 cho biết công ty của ông đã đầu tư khoảng 400 triệu NDT vào hoạt động kinh doanh tại trung tâm thương mại trái cây.
"Lợi thế địa lý của cảng Khâm Châu có thể đáp ứng yêu cầu vận tải nghiêm ngặt đối với một số loại trái cây tươi, như sầu riêng và xoài. Bên cạnh đó, thời gian vận chuyển có thể giảm 2 ngày", ông Lan nói.
Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu trái cây của Quảng Tây từ ASEAN đạt 3,66 tỷ NDT, tăng 193,7% so với cùng kỳ năm 2022, theo dữ liệu do cơ quan hải quan Nam Ninh công bố.
Kế hoạch này của Quảng Tây sẽ giúp trái cây nhập khẩu được phân phối trên khắp Trung Quốc và nâng tầm quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các thành viên ASEAN, Xu Liping, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết hôm 28/8.
Thành phố Trùng Khánh, ở Tây Nam Trung Quốc, nơi khởi xướng sáng kiến Hành lang Thương mại Biển - Đất liền Quốc tế Mới, cũng đã và đang xây dựng một mạng lưới phân phối nông sản nhập khẩu từ các nước ASEAN ra khắp Trung Quốc.
Chính quyền thành phố Trùng Khánh đang nỗ lực tạo điều kiện cho các hoạt động vận tải đường bộ và đường biển cùng với hành lang thương mại kết nối các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam với các nước ASEAN bao gồm Lào, Việt Nam và Myanmar.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, và tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 3,59 nghìn tỷ NDT, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 15,3% tổng thương mại quốc tế của Trung Quốc, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
"Nhiều hội chợ và triển lãm thương mại được tổ chức tại Quảng Tây với mục đích tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, cộng với sự thuận lợi về giao thông từ hành lang thương mại, đã đem lại cho thị trường địa phương những cơ hội kinh doanh tuyệt vời. Hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ khởi sắc trong tương lai", ông Xu khẳng định.