Đây chính là lý do khiến nhiều vùng dưa chuyên canh đang bị bọ phấn gây hại mạnh. Song, hạn chế lớn nhất hiện nay là rất nhiều nông dân trồng dưa khi nhìn thấy lá bị vàng lại cho rằng dưa bị bệnh vàng lá. Do đó họ dùng rất nhiều loại thuốc trừ bệnh phun trừ nhưng không hiệu quả.
Tại vùng chuyên canh dưa các loại tại xã Gia Lương, huyện Gia Lộc hay vùng dưa Linh Xá, huyện Nam Sách (Hải Dương), qua điều tra cho thấy tỷ lệ lá dưa bị vàng lên tới 20 - 30%.
Để nông dân không nhầm tưởng dưa vàng lá là do nấm bệnh gây hại, xin lưu ý một số vấn đề sau:
+ Cách nhận diện, phát hiện bọ phấn: Kiểm tra kĩ những lá non, lá bánh tẻ và ngọn dưa (nhìn ở phần mặt dưới của lá, phía trong kẽ lá non) vào lúc chiều mát sẽ thấy sự có mặt của bọ phấn: Có thể là con trưởng thành màu trắng bay nhanh hay bọ phấn non sống thành ổ, màu vàng di chuyển chậm.
+ Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Bọ phấn là loài côn trùng chích hút đa thực gây hại nhiều cây như cà chua, đậu đỗ, dưa các loại, khoai tây, lạc…
Trưởng thành ban ngày ở dưới mặt lá, hoạt động rất linh hoạt, toàn thân và cánh phủ một lớp phấn màu trắng nên được gọi là bọ phấn. Trưởng thành thích đẻ trứng trên các lá bánh tẻ, mỗi con cái đẻ trung bình khoảng 70 quả.
Sâu non nở ra bò chậm chạp trên lá và sống cố định một chỗ. Bọ phấn là loài sâu phát triển quanh năm trên đồng ruộng, cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5 dương lịch.
Thời tiết nóng và khô khiến bọ phấn phát dục càng nhanh, vòng đời càng ngắn (22 - 23 ngày). Chúng rất nhanh quen thuốc khi phun ở nồng độ cao hoặc phun thường xuyên định kì.
Bọ phấn có kích thước rất nhỏ (chỉ trên 1 mm) cả trưởng thành và sâu non đều chích hút dịch ở lá, ngọn và phần thân non. Cây thiếu đạm hay bị ngập úng thì bọ phấn tấn công nhiều hơn.
Mật độ bọ phấn nhiều trên lá sẽ làm cho lá, ngọn mất diệp lục và biến vàng nhưng không khô rạc. Những chỗ có bọ phấn gây hại thường phủ một lớp bụi màu trắng. Quan trọng hơn bọ phấn còn là môi giới truyền bệnh khảm dưa (bệnh virus) hiện không có thuốc chữa.
+ Cách phòng trừ:
- Không nên trồng dưa tập trung và liên tục nhiều vụ.
- Bón phân cân đối đầy đủ cho dưa (đa, trung, vi lượng) và bổ sung phân canxi để thân lá dưa được cứng chắc. Không để dưa đói đạm.
- Sử dụng chế phẩm vi sinh như nấm bột trắng Beauveria bassiana hoặc nấm Paecilomyces fumosoroseus tấn công trên ấu trùng và trưởng thành.
- Trồng những cây có hoa ở bờ ruộng hoặc gần cây trồng.
- Sử dụng tấm bẫy dính màu vàng cắm trên ruộng dưa để thu bắt trưởng thành (bọ phấn rất thích màu vàng).
- Phun tỏi hay ớt cũng sẽ xua đuổi được bọ phấn.
- Khi cần thiết có thể sử dụng một trong những thuốc trừ sâu hóa học có tính nội hấp và lưu dẫn mạnh như Confidor 100SL, Actara 25WG, Sherzol, Oshin 20WP, Mospilan 3EC hoặc 20SP, Amira 25WG, Gepa 50WG…