Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà xuất bản và tổ chức liên kết phát hành đã chủ động xây dựng kế hoạch in và bảo đảm việc cung ứng đầy đủ sách giáo khoa đến học sinh và giáo viên trước thềm năm học mới 2023 - 2024. Một số địa phương chậm muộn trong việc cung cấp thông tin nhu cầu số lượng các bộ SGK theo quy định, Bộ đã có 2 văn bản đôn đốc.
Trong số 9 tổ chức biên soạn và phát hành SGK, khoảng 72% thị phần thuộc về NXB Giáo dục Việt Nam, khoảng 22% thị phần thuộc về Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC).
Để phục vụ cho năm học 2023 - 2024, NXB Giáo dục đã xây dựng kế hoạch in, tổ chức đấu thầu in ấn SGK. Đến ngày 27/8/2023 đã hoàn thành in, nhập kho sách các lớp 5, 9, 12 (theo Chương trình 2000); hoàn thành in và nhập kho 100% kế hoạch SGK các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 10 (theo Chương trình 2018); hoàn thành in và nhập kho gần 5 triệu bản SGK lớp 4, 8, 11 mới phát sinh.
Đối với Công ty VEPIC, đến ngày 30/6/2023 đã in và nhập kho đầy đủ 100% số SGK lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 sản lượng dự kiến phát hành và 40% số SGK các lớp 4, 8, 11.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, tính đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên mầm non, phổ thông so với quy định. So với năm học 2021 - 2022, số giáo viên còn thiếu tăng thêm 11.308 giáo viên.
Nguyên nhân chính dẫn đến số lượng giáo viên mầm non thiếu là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ. Cấp tiểu học, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày tăng 6,4%, cần thêm 3.000 giáo viên. Cấp THPT tăng 669 lớp (tương đương cần thêm 1.500 giáo viên).
Ngày 23/8/2023, Bộ trưởng Giáo dục ký QĐ số 2457 ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024 của ngành với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” với 12 nhiệm vụ trọng tâm.
Ngoài ra, năm học 2022 - 2023 toàn quốc có số lượng giáo viên công lập nghỉ hưu (hơn 10.000 người) và nghỉ việc (gần 1 vạn giáo viên) để chuyển đổi nghề nghiệp sang các lĩnh vực có thu nhập cao hơn.
Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2022 - 2023 cả nước mới tuyển được hơn 17 nghìn giáo viên đáp ứng được 61% so với chỉ tiêu được giao. Ngoài ra, toàn quốc có 74.172 biên chế giáo viên được giao từ những năm trước nhưng chưa tuyển được.
Trước thực trạng thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất giao bổ sung biên chế. Trên cơ sở đề xuất, Bộ Chính trị đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Về lâu dài, Bộ GD-ĐT cho biết cần có các giải pháp để củng cố, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, ổn định cuộc sống của giáo viên.