Chất lượng không khí ở Hà Nội giảm mạnh trong tháng 9/2019. |
Trả lời báo chí, Thứ trưởng TN-MT Lê Công Thành cho rằng, các trang mạng, ứng dụng cung cấp thông tin phục vụ người dân ngày càng phát triển. Hiện nay, có nhiều trang mạng, ứng dụng đo chất lượng không khí như Air Visual hay Pam Air dùng số liệu từ các trạm quan trắc của nhiều bên.
Trước đây bụi mịn PM2.5 rất khó xác định nồng độ nhưng hiện nay đã có công nghệ để đo được mật độ này. Trong đó, có những phương pháp chính thống, chuẩn, đúng quy trình, đưa ra các số liệu chính xác. Nhưng có những thiết bị đo đưa ra số liệu tức thời nhưng không chính xác bằng các thiết bị tiêu chuẩn.
Do đó, theo ông Lê Công Thành, các thông tin trên các ứng dụng trên mạng chỉ mang tính chất tham khảo. Các số liệu chính xác có thể tham khảo qua trang mạng của Hà Nội hoặc Tổng cục môi trường.
Thứ trưởng này cho biết thêm, Hà Nội và TP.HCM đang có kế hoạch lắp thêm trạm đo để cảnh báo kịp thời hơn cho người dân trong những mùa chất lượng không khí sụt giảm. Nhưng ông Thành cũng lưu ý, chất lượng không khí sụt giảm mang tính thời điểm và địa điểm.
Về lâu dài, đại diện Bộ TN-MT nói Chính phủ đã có Quyết định 985 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí, trong đó có các tiêu chuẩn, quy chuẩn được đưa ra để theo dõi, giám sát và giảm nguồn bụi mịn nhằm nâng cao chất lượng không khí.
Liên quan vấn đề này, phía Hà Nội cho rằng, đây là giai đoạn chuyển mùa, thay đổi khí hậu nên gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Cụ thể, những ngày qua Hà Nội không có gió, mưa dẫn đến tình trạng sương mù, khuếch tán bụi mịn trong không khí.
Để phục vụ thông tin cho người dân, thành phố Hà Nội khẳng định, công bố số liệu là nhiệm vụ hàng ngày, thông qua các kênh truyền thông. Giải pháp thành phố đưa ra là xác định rõ các nguồn xả thải để có hành động kiểm soát, hạn chế. Bên cạnh đó, chính quyền thủ đô đang có kế hoạch tăng từ 11 trạm quan trắc lên 25 trạm để có số liệu chính xác hơn, có thể cảnh báo người dân sớm hơn khi chất lươngj không khí đi xuống.
Trước đó, sáng 2/10, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ T-MT cùng Hà Nội, TP.HCM phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ, rõ ràng hơn để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí.
Theo báo cáo của Bộ TN-MT, chất lượng không khí AQI trong tháng 9 vừa qua ở Hà Nội liên tục ở mức kém, trong khi đó tại TP.HCM cũng xảy ra hiện tượng quang hóa cản trở tầm nhìn. Những hiện tượng này đang gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng cũng như khiến dư luận hoang mang.
Trong nửa cuối tháng 9, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội liên tục vượt ngưỡng cho phép trong quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT.
Số liệu từ 13 trạm quan trắc rải rác khắp thành phố (bao gồm cả trạm của Đại sứ quán Mỹ) cho thấy, nồng độ PM2.5 tăng trong thời gian từ 12-17/9, sau đó giảm trong các ngày 18-22/9 nhưng rồi tăng trở lại và duy trì ở mức cao từ 23-29/9. Đặc biệt, từ 25-29/9 chỉ số bụi mịn của tất cả các trạm trong 24h đều vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.
Theo thống kê, từ 12-29/9 chỉ có 5 ngày chất lượng không khí ở Hà Nội đạt mức trung bình còn lại đều ở mức kém (AQI > 100), có nhiều ngày tiệm cận mức xấu. Thậm chí, ngày 29/9, chỉ số đo tại trạm Đại sứ quán Mỹ vượt mức xấu (AQI > 200).