| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất TP.HCM xem xét áp dụng Chỉ thị 16

Thứ Hai 08/02/2021 , 13:24 (GMT+7)

Tại cuộc họp trực tuyến khẩn ngày 8/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất TP.HCM chọn địa điểm áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, quyết liệt dập dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại điểm cầu Bộ Y tế (Hà Nội). Ảnh: BYT.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại điểm cầu Bộ Y tế (Hà Nội). Ảnh: BYT.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các quận huyện trên địa bàn TP.HCM trong việc truy vết, xét nghiệm khoanh vùng trong đợt dịch lần này.

Theo ông Long, các ca Covid-19 trong khu vực bốc xếp, vận chuyển hàng hóa của sân bay Tân Sơn Nhất có thể đã xuất hiện từ trước đây, có thể có những ca nhiễm nhưng không phát hiện ra được, chỉ khi lấy mẫu xét nghiệm mới được phát hiện.

“Lưu ý rằng ổ dịch trong khu bốc xếp đã có từ trước, 24 ca vừa báo cáo, 4 ca Bộ Y tế công bố sáng nay và bệnh nhân 1979 chỉ là các ca mới mắc. 

Chúng tôi chưa xác định được điểm đầu của chùm lây nhiễm này. Cho nên, tình hình dịch khá phức tạp vì đã trải qua các chu kỳ lây nhiễm”, ông Long nói.

Chính vì vậy, ông Long cho rằng, có thể sẽ có thêm các trường hợp nhiễm trong thời gian tới, không dừng ở con số 29 như hiện nay. Mặc dù nhóm nhân viên bốc xếp hàng hóa không tiếp xúc, lây sang nhóm hành khách hoặc phục vụ mặt đất ở sân bay nhưng sự giao lưu của nhóm này với cộng đồng rất lớn, nguy cơ lây nhiễm khá phức tạp.

“TP.HCM cần có hành động quyết liệt, nhanh chóng, cần nâng cao hơn một mức, mạnh hơn một mức, nhanh hơn quyết liệt hơn thì mới kiểm soát được dịch bệnh tại TP.HCM.

Phải xác định các trường hợp là nhân viên bốc xếp sân bay, người thân trong gia đình nhân viên khu vận chuyển hàng hóa là nguy cơ nhất, coi đây là các trường hợp nghi nhiễm, phải truy vết tất cả các công nhân làm cùng nhau trong khu vực đó (khoảng 60 người), sau đó làm rộng ra. Tôi nghi ngờ rằng, có nhiều ca đã nhiễm bệnh và đã khỏi, bệnh nhân 1979 không phải là bệnh nhân đầu tiên”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định. 

Ông Long cũng yêu cầu TP.HCM phải khoanh vùng nhanh tất cả địa bàn có người nhiễm, lấy mẫu triệt để trên diện rộng, các trường hợp liên quan đến ca bệnh, sau đó thu hẹp lại khoảng cách phong tỏa để giảm tối đa việc ảnh hưởng đến người dân.

Để thực hiện được xét nghiệm SARS-CoV-2 nhanh, khoanh vùng kịp thời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị đối với các F1 phải xét nghiệm đơn còn cộng đồng thực hiện làm xét nghiệm gộp mẫu.

Thành phố cần phải lấy mẫu theo cụm gia đình, như khu Mả Lạng có 775 hộ gia đình, mỗi hộ sẽ lấy mẫu để chung trong 1 ống để xét nghiệm, nếu mẫu nào dương tính SARS-CoV-2 thì đưa toàn bộ gia đình đó đi cách ly và lấy mẫu lần 2. Như vậy mới đẩy nhanh được tốc độ xét nghiệm và khoanh vùng, dập dịch.

Việc này đòi hỏi phải hành động mạnh, nhanh. Khi phát hiện ca nhiễm thì phong tỏa rộng, sau đó thu hẹp lại từng khu vực phong tỏa nhỏ hơn.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý TP.HCM xem xét thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. "Chỉ khi áp dụng Chỉ thị 16 mới kịp được tiến độ khoanh vùng, dập được ổ dịch. Tùy TPHCM xem xét từng khu phố, từng quận để áp dụng phù hợp".

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đã trao đổi và thống nhất cử Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vào hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch Covid-19 đợt này, đồng thời yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Y tế, đặc biệt Viện Pasteur TP.HCM nâng công suất xét nghiệm tối đa.

Hiện TP.HCM đã tiến hành phong tỏa tạm thời những khu vực có ca nghi nhiễm gồm: toàn bộ khu vực tứ giác Nguyễn Cư Trinh (Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh). khoảng 2000 dân; Tổ 22, khu phố 3A Thạnh Lộc Quận 12 khoảng 100 dân; Tổ 47, khu phố, Trung Mỹ Tây, khoảng 30 dân; Quán Nam Bắc – số 12 A1 Bạch Đằng, phường 2 Tân Bình; Quán Cây Bàng - B68 Bạch Đằng, phường 2 Tân Bình; Quán gà ta Phương Nam - A3 Bạch Đằng, phường 2, Tân Bình; Nhà số 130/57 Phạm Văn Hai, Tân Bình; Khu nhà trọ 90/16 Nguyễn Phúc Chu, phường 15, Tân Bình; Khu trọ 60/41/25 Nguyễn Văn Cự, phường Tân Tạo, Bình Tân.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.