| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khảo sát tình hình sạt lở tại Cà Mau

Thứ Tư 10/05/2023 , 21:13 (GMT+7)

Cà Mau Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu có chuyến khảo sát tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại huyện Năm Căn và Ngọc Hiển (Cà Mau).

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT khảo sát thực tế tình hình sạt lở tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT khảo sát thực tế tình hình sạt lở tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Sạt lở diễn ra nhanh và phức tạp

Ngày 10/5, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và kiểm tra tiến độ các công trình ứng phó biến đổi khí hậu tại tỉnh Cà Mau.

Qua kiểm tra tình hình sạt lở tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) và xã Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển) cho thấy, trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đối khí hậu, nước biển dâng đã ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống của người dân vốn quen với tập quán xây cất nhà ở và kinh doanh ven các tuyến sông, nhất là tại những khu vực đông dân cư…

Cùng với đó, vị trí gần biển, nhiều tuyến sông lớn, nên khi triều cường dâng cao đã tạo nên dòng chảy xiết, đặc biệt tại những vị trí giao nhau của các nhánh sông, gây nên tình trạng xói mòm, sạt lở nghiêm trọng và thường xuyên hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại 2 huyện Ngọc Hiển và Năm Căn. Ảnh: Trọng Linh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại 2 huyện Ngọc Hiển và Năm Căn. Ảnh: Trọng Linh.

Nhà cửa, hạ tầng xây dựng (điện, đường…), kể cả sản xuất thủy sản cũng bị ảnh hưởng lớn, thiệt hại về tài sản hàng tỷ đồng trong các năm qua và nguy cơ đe dọa tính mạng của người dân, tác động đến công tác quy hoạch phát triển của địa phương.

Qua thống kê cho thấy, năm 2022, tại thị trấn Năm Căn xảy ra nhiều vụ sạt lở, làm thiệt hại 12 căn nhà của người dân ven sông Kênh Tắc Năm Căn và sông Cửa Lớn.

Trong chuyến đi này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cùng lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra tiến độ các công trình ứng phó triều cường, ngăn chặn sạt lở; các công trình xây dựng kè bảo vệ đai rừng phòng hộ tại các cửa biển trên địa bàn Năm Căn và Ngọc Hiển.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Trong thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ nguồn lực từ Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương cũng như sự nỗ lực của tỉnh Cà Mau, địa phương đã đầu tư xây dựng hoàn thành được 56,7km kè bảo vệ với tổng kinh phí 1.848 tỷ đồng (trong đó, bờ biển Tây 43,8km, kinh phí thực hiện 1.103 tỷ đồng; bờ biển Đông 12,9km, kinh phí thực hiện 745 tỷ đồng).

Những công trình được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ.

Thời gian qua, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau ngày càng khó lường. Ảnh: Trọng Linh.

Thời gian qua, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau ngày càng khó lường. Ảnh: Trọng Linh.

Tuy nhiên, do tốc độ sạt lở diễn ra nhanh và phức tạp, kết quả rà soát cho thấy hiện nay tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 100km, với các mức độ khác nhau; với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ ven biển đã được hình thành qua hàng trăm năm.

Nếu để sạt lở tiến sâu vào đất liền thì không chỉ mất đất, mất rừng mà còn uy hiếp đến nhiều hạ tầng đã xây dựng bên trong, khi đó việc xây dựng công trình phòng chống sạt lở sẽ rất tốn kém và khó khôi phục lại diện tích đất và rừng đã mất. 

Tỉnh Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc, ba mặt giáp biển như một bán đảo, có tổng chiều dài đường bờ biển 254km (trong đó, bờ biển Tây dài 154km, bờ biển Đông dài 100km). Trong những năm gần đây tình hình sạt lở bờ biển ở Cà Mau nói riêng trở nên khá phổ biến, đang có xu thế ngày một gia tăng, cả về mức độ và phạm vi.

Qua quan trắc, bờ biển Tây có tốc độ sạt lở trung bình từ 20 ÷ 25m/năm, có một số vị trí lên đến 50m/năm, bờ biển Đông trung bình từ 45 ÷ 50m, cá biệt có những nơi lên đến 80 ÷ 100m/năm. Từ thực trạng diễn biến sạt lở nêu trên, cùng với các tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu không ngừng tăng lên, với hệ quả là thời tiết cực đoan, nước biển dâng ngày một gia tăng về cường độ, có nguy cơ đe dọa đến đê biển, các hạ tầng bên trong đê biển, an toàn tính mạng và điều kiện sản xuất của người dân.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn Việt Úc tại huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Trọng Linh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn Việt Úc tại huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Trọng Linh.

Phát triển mô hình nuôi tôm sú

Dịp này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và lãnh đạo UBND tỉnh đến tìm hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh tại Công ty TNHH MTV Việt Úc (xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển) đang thực hiện Dự án gia hóa tôm sú bố mẹ.

Đây là khu phức hợp sản xuất tôm giống công nghệ cao Việt Úc Cà Mau, gồm khu  sản xuất tôm thẻ giống với tổng diện tích 50ha và khu dành cho nghiên cứu, chọn giống tôm sú với diện tích 67ha, có công suất 7,5 tỷ giống/năm.

Đây là đơn vị tiên phong và duy nhất hiện nay tại Việt Nam đã và đang triển khai Chương trình nghiên cứu di truyền và chọn giống tôm bố mẹ. Cùng với đó, Việt Úc còn có Trung tâm Nghiên cứu mô hình nuôi tôm và chuyển giao công nghệ cũng tại huyện Ngọc Hiển với diện tích 161ha, sản lượng 300 tấn/năm.

Như thế, Việt Úc đã tập trung thực thi triệt để hai định hướng chiến lược là khép kín chuỗi giá trị ngành tôm và khởi xướng công cuộc "Vì một ngành tôm Việt Nam công nghệ cao bền vững". Bước đi này nhằm hướng đến giá trị cốt lõi, đó là chất lượng, công nghệ, bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình nuôi tôm bố mẹ tại Tập đoàn Việt Úc Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình nuôi tôm bố mẹ tại Tập đoàn Việt Úc Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Lợi thế của tỉnh Cà Mau về nuôi tôm sú đã được khẳng định, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 280.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng khoảng 10.000ha, diện tích còn lại 270.000ha chủ yếu là nuôi tôm sú với nhiều loại hình khác nhau như tôm rừng, tôm - lúa, nuôi tôm quảng canh cải tiến… do đó, dự án phát triển con tôm sú giống của Tập đoàn Việt Úc đối với phát triển ngành thủy sản của tỉnh Cà Mau là hết sức quan trọng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cũng đã gửi lời cảm ơn với đoàn công tác Bộ NN-PTNT trong thời gian qua đã hỗ trợ cho Tập đoàn Việt Úc phát triển Dự án gia hóa tôm sú bố mẹ. 

Tỉnh Cà Mau có nhiều mô hình nuôi tôm sinh thái, vừa bảo vệ môi trường, vừa phát triển kinh tế bền vững, Ảnh: Trọng Linh.

Tỉnh Cà Mau có nhiều mô hình nuôi tôm sinh thái, vừa bảo vệ môi trường, vừa phát triển kinh tế bền vững, Ảnh: Trọng Linh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao quy trình sản xuất tôm giống bố mẹ, đặc biệt là khép kính mô hình, tạo ra giống tốt, giúp nghề nuôi tôm tại Cà Mau đảm bảo về nguồn giống sạch, phát triển mạnh mẽ hơn nữa nghề nuôi tôm tại địa phương, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành thủy sản Việt Nam.

Bộ trưởng mong muốn Tập đoàn Việt Úc tiếp tục đầu tư về công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, ngày càng phát triển đa lĩnh vực con giống, không riêng gì con tôm. 

Sáng mai 11/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và các thành viên trong đoàn công tác có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.