Sáng 11/5, tại UBND tỉnh Cà Mau, Đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất khẩu.
Sạt lở 10 năm làm mất diện tích tương đương 1 xã
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho bờ sông, bờ biển tỉnh Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 188km trong tổng số 254km. Thống kê từ năm 2011 - 2021, sạt lở làm mất rừng ven biển với diện tích khoảng 5.250ha (tương đương diện tích của một xã). Ngoài ra, sạt lở bờ sông làm hư hỏng gần 26km lộ giao thông và 237 căn nhà, tổng thiệt hại ước khoảng 1.100 tỷ đồng.
Qua kiểm tra tình hình sạt lở thực tế của đoàn công tác Chính phủ tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) và xã Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển) cho thấy, trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống của người dân vốn quen với tập quán xây cất nhà ở và kinh doanh ven các tuyến sông, nhất là tại những khu vực đông dân cư…
Cùng với đó, vị trí gần biển, nhiều tuyến sông lớn, nên khi triều cường dâng cao đã tạo nên dòng chảy xiết, đặc biệt tại những vị trí giao nhau của các nhánh sông, gây nên tình trạng xói mòn, sạt lở nghiêm trọng và thường xuyên hơn.
Với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Cà Mau đã xây dựng hoàn thành 56,7km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí 1.848 tỷ đồng. Những công trình được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ. Hiện nay tỉnh Cà Mau và Bộ NN-PTNT tiếp tục triển khai thực hiện gần 31,2km, với kinh phí 1.285 tỷ đồng để xây dựng kè bảo vệ những đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Tuy nhiên, do tốc độ sạt lở diễn ra quá nhanh và phức tạp, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành chức năng rà soát, cập nhật. Kết quả rà soát cho thấy hiện nay tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 100km, sạt lở bờ sông khoảng 365km, với các mức độ khác nhau. Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất rừng phòng hộ ven biển.
Nếu để sạt lở tiến sâu vào đất liền thì không chỉ mất đất, mất rừng mà còn uy hiếp đến nhiều hạ tầng đã xây dựng bên trong và các cụm dân cư ven biển, khi đó việc xây dựng công trình phòng chống sạt lở sẽ rất tốn kém và khó khôi phục lại diện tích đất và rừng đã mất.
Sau chuyến khảo sát thực tế cùng lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau tại huyện Năm Căn và Ngọc Hiển trước đó một ngày, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: ĐBSCL là một trong những vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu và vùng Bán đảo Cà Mau chịu tác động nặng nề nhất, với địa hình 3 mặt giáp biển Đông và cả biển Tây.
Trong những năm qua tình hình sạt lở tại địa phương đã gây ra nhiều tổn thất về đất đai, về hệ sinh thái rừng, đặc biệt trực tiếp đe dọa đến đời sống sản xuất của người dân.
Trước bối cảnh trên, Trung ương cũng đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đê biển để giảm thiểu được tác động, thiệt hại, thời gian tới Bộ NN-PTNT cũng có những dự án công trình, phi công trình phòng chống sạt lở ở vùng bán đảo Cà Mau, trong đó có tỉnh Cà Mau.
Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh, thách thức mới, trong thời gian sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ đưa ra những giải pháp phòng chống sạt lở ở vùng bán đảo Cà Mau nói chung, trong đó có tỉnh Cà Mau nói riêng vào chương trình trọng điểm quốc gia.
Việc này, chúng ta cần có tầm nhìn, vừa tìm ra những giải pháp công trình, giải pháp phi công trình. Kết hợp đầu tư tuyến đê chống sạt lở, kèm theo đó là các giải pháp phi công trình bảo vệ tuyến đê: Trồng rừng, tái tạo hệ sinh thái rừng cũng như quy hoạch lại không gian sống, sản xuất của người dân.
Ngoài những dự án được Trung ương đầu tư mang tính chất khẩn cấp cho tỉnh Cà Mau, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ cho phép xây dựng kế hoạch với tầm nhìn dài hạn hơn đối với việc phòng chống sạt lở tại tỉnh Cà Mau.
Bộ NN-PTNT sẽ cử đoàn công tác và mời các chuyên gia ở các nước như: Hà Lan, Nhật Bản… có kinh nghiệm về phòng chống thiên tai, phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông để nghiên cứu các giải pháp khắc phục.
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cả nước và thế giới, tình hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh Cà Mau trong quý I/2023 được duy trì mức tăng trưởng khá tích cực; tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) quý I năm 2023 tăng 9,05% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,94%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 15,43%, khu vực dịch vụ tăng 10,4%.