| Hotline: 0983.970.780

Bỏ tư duy 'thân ai nấy lo, mạnh ai nấy sống' trong nông nghiệp

Chủ Nhật 27/02/2022 , 07:34 (GMT+7)

Bà Hồng Shurany thấy rằng hiện nay người nông dân Việt Nam vẫn đang hoạt động theo lối suy nghĩ 'thân ai người đấy lo, mạnh ai nấy sống'.

Không nên quá phụ thuộc vào một thị trường

Nhớ lại thời điểm hơn 20 năm trước, lần đầu tiên đặt chân lên đất nước Israel, bà Hồng Shurany, một Việt kiều tại Israel, kể rằng thời điểm đó, người dân nơi đây đều không hề biết đến đất nước Việt Nam. Với mong muốn quảng bá vẻ đẹp quê hương, bà đã mở một công ty du lịch để giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam đến với người dân Israel và cho đến nay, nữ Việt kiều đã đạt được những thành công nhất định

Chia sẻ về nền nông nghiệp Israel, bà Hồng Shurany cho biết, 5 năm trở lại đây, Israel đã trở thành một đất nước có nền nông nghiệp cực kỳ phát triển. Từ một đất nước ‘khô cằn sỏi đá’, điều kiện địa lý không thích hợp cho nông nghiệp, hơn một nửa diện tích đất là sa mạc, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thiếu nước, họ đã xây dựng được một nền nông nghiệp thực sự có tên tuổi và là một quốc gia xuất khẩu lớn  về nông sản và đứng hàng đầu về công nghệ trong nông nghiệp.

Bơ Hass được trồng tại Tây Nguyên. Ảnh: Minh Hậu.

Bơ Hass được trồng tại Tây Nguyên. Ảnh: Minh Hậu.

Thời gian qua, với mong muốn góp phần phát triển nền nông nghiệp nước nhà vươn lên một tầm cao như Israel, vị nữ Việt kiều đã đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Isarel tại Việt Nam, cụ thể là tại các tỉnh Tây Nguyên.

“Tôi cũng đã đưa các chuyên gia người Israel về Việt Nam, đưa họ đi từ Nam ra Bắc. Họ có nói rằng Việt Nam của các bạn là đất nước phải phát triển nông nghiệp. Tại sao đến nay vẫn chưa phát triển? Và tôi đã và đang cố gắng để góp phần để làm nên điều đó”, bà Hồng Shurany bày tỏ.

Nền nông nghiệp của Israel có phương thức hoạt động theo quy mô lớn theo các hội nhóm và các HTX. Chính phủ và Bộ Nông nghiệp Israel có nhiều chính sách hỗ trợ và luôn đồng hành cùng người nông dân. 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nông sản Việt Nam đã phải đổ bỏ rất nhiều. Thế nhưng nông sản, trái cây của Israel lại có giá cao hơn, xuất khẩu ra thế giới nhiều hơn.

“Theo tôi, cách giải quyết khó khăn, thách thức của Israel rất đáng để Chính phủ và Bộ NN-PTNT Việt Nam nghiên cứu và tham khảo, học hỏi. Chúng ta không nên quá phụ thuộc vào một thị trường. Để làm được điều đó thì sản phẩm nông sản của Việt Nam phải có thể truy xuất được nguồn gốc. Việc xuất khẩu nông sản không thể cứ nói đơn giản xuất là xuất mà phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn và yêu cầu kỹ thuật của thị trường nhập khẩu”, nữ Việt kiều Israel nêu quan điểm.

Bà Hồng Shurany cũng cho rằng, khí hậu của Israel khắc nghiệt nhưng có nhiều nhiều điểm giống với Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên rất phù hợp với những giống cây trồng được đem về từ Israel. Điều kiện để phát triển nông nghiệp của Israel và Việt Nam có nhiều nét tương đồng.

Ngoài ra, bà Hồng Shurany thấy rằng hiện nay người nông dân Việt Nam vẫn đang hoạt động theo lối suy nghĩ “thân ai người đấy lo, mạnh ai nấy sống”. Chính vì vậy, bà rất muốn đưa nông nghiệp công nghệ cao về Việt Nam không chỉ cho riêng các doanh nghiệp lớn mà còn cho cả người nông dân để họ có thể cùng hỗ trợ nhau hoạt động sản xuất theo hình thức kinh tế tập thể. Qua đó có thể sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng được đầy đủ những tiêu chuẩn, quy chuẩn để xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

"Tôi đã được Bộ Nông nghiệp Israel cho phép lựa chọn những doanh nghiệp lớn và có uy tín để đưa hạt giống cũng như nông nghiệp công nghệ cao, có truy xuất nguồn gốc về sản xuất tại Việt Nam. Điển hình là cây bơ Hass, một trong những giống cây đang rất phát triển tại Israel, và một số giống cây không hạt như lựu, cam, dứa MD2…", Việt kiều Israel Hồng Shurany.

7 kiến nghị để nền nông nghiệp Việt Nam cất cánh

Sau 5 năm đầu tư không chỉ thời gian, tiền bạc mà còn là máu và nước mắt, bà Hồng Shurany đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Từ những kinh nghiệm thực tế đó, nữ Việt kiều đã đưa ra 7 kiến nghị để nền nông nghiệp Việt Nam cất cánh như Israel.

Nữ Việt kiều Israel Hồng Shurany. Ảnh: Tùng Đinh.

Nữ Việt kiều Israel Hồng Shurany. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ nhất, cần thực hiện tốt 3 chiến dịch: Thay đổi nhận thức cho lãnh đạo địa phương về chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu tới các thị trường nông sản để tạo ra một cuộc cách mạng nông nghiệp mới; Thay đổi cách đầu tư của doanh nghiệp và việc tổ chức sản xuất, làm hàng xuất khẩu nông sản để tận dụng các lợi thuế về hải quan, thuế suất mới FTA; Thay đổi nhận thức đối với nông dân ở các vùng nông nghiệp xuất khẩu để chuẩn hóa nông nghiệp.

Thứ hai, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể nông nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu nông sản theo kinh nghiệm của Israel.

Thứ ba, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt như các vùng động lực, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng… Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa. Khai thác tốt thế mạnh từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút và tận dụng tối đa dòng vốn FDI vào nông nghiệp.

“Đặc biệt là nguồn lực từ quan hệ Việt kiều. Ví dụ Nhà nước có thể ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao của Israel vào Việt Nam, phối hợp cấp quốc gia giữa 2 nhà nước Israel và Việt Nam để làm từng vùng nông nghiệp lớn cho Việt Nam”, bà Hồng Shurany kiến nghị.

Thứ tư, cơ cấu lại nội bộ từng ngành sản xuất nông nghiệp xuất khẩu theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách rà soát những chính sách bất hợp lý làm cản trở việc sản xuất quy mô lớn và xuất khẩu nông sản.

Thứ năm, chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.

Thứ sáu, thủ tục hành chính truyền thống và ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính hiện chưa được đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp.

“Cần phải tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cho việc vay vốn, thông tin đầu tư, kinh doanh xuất khẩu, bảo vệ thương hiệu nông sản, lập quỹ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, tranh thủ marketing quốc tế tìm công nghệ và tìm thị trường xuất khẩu từ Việt kiều”, bà Hồng Shurany đưa ra đề xuất.

Thứ bảy, cần tạo dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đi kèm với sự đồng thuận của chính quyền địa phương, giải quyết tình trạng “cát cứ” cản trở sản xuất kinh doanh nông nghiệp xuất khẩu, không có thang giá trị cục bộ địa phương trong sản xuất, logistics, thương mại, xuất khẩu.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi đoàn viên công tác nơi biên giới hải đảo

Ngày 17/5, Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Công đoàn cơ sở thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng V.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

8 con bò bị sét đánh chết sau trận mưa lớn

Quảng Bình Trận mưa lớn kèm sét đã đánh chết 8 con bò của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến ở thành phố Đồng Hới.