Cây thanh long là một trong những cây trồng chính mang về lợi nhuận cao cho nhà vườn miền Đông và miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, so với vùng miền Đông như Bình Thuận, thanh long trồng trên nền đất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải đối mặt với hạn mặn, phèn.
Những năm hạn mặn khắc nghiệt, đỉnh mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, rất nhiều vườn thanh long bị ảnh hưởng, bị ngộ độc mặn. Năm 2021, thời tiết ôn hòa hơn, mùa mưa đến sớm, lượng mưa nhiều tạo điều kiện cho nhà vườn rửa mặn, phèn, phục hồi vườn và lấy trái thuận lợi.
Anh Phạm Mạnh Toàn, một người trẻ nhưng đã có nhiều năm gắn bó với cây thanh long ở vùng Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, thời điểm tháng 4, tháng 5 là vào vụ chính của thanh long. Năm nay, nhờ mưa đến sớm nên không ảnh hưởng hạn mặn. Vì vậy bà con phấn khởi tập trung làm trái.
Theo anh, nhà vườn trồng thanh long ở Chợ Gạo, Tiền Giang nói riêng và những vùng chuyên canh thanh long vùng ĐBSCL nói chung rất lo lắng về chất lượng trái thanh long khi thu hoạch không đảm bảo vì mẫu mã xấu, đốm trắng, bị “lam trái”, không đều màu,… Vì vậy, việc quan trọng với anh và nhà vườn nơi đây, ở giai đoạn này là hạn chế tối đa bệnh đốm nâu, tắc kè trên cây, và chăm bón để trái thanh long phát triển đồng đều, tai đẹp, trái bóng, chín đỏ đều màu để bán được giá cao.
Cây thanh long quan trọng nhất vẫn là bộ rễ. Khi bộ rễ khỏe sẽ giúp cây tăng cường khả năng chống chịu điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, nhất là ở thời điểm hạn mặn khốc liệt như những năm vừa qua.
Đồng thời, sức đề kháng với bệnh hại của cây cũng tăng cao. Nên chăm sóc cây làm thế nào để hệ rễ phát triển khỏe luôn được nhà vườn ưu tiên, nhất là ở 2 khâu tưới nước và bón phân. Nước tưới phải đủ lượng, không quá thừa gây ngập úng, cũng không được quá thiếu, nhất là giai đoạn cây ra hoa đậu trái, nuôi trái. Mùa mưa, cần đảm bảo vườn cây thông thoáng, thoát nước tốt sau mỗi cơn mưa lớn.
Bón phân phải đảm bảo cân đối phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Riêng giai đoạn cây nuôi trái, hàm lượng NPK phải phù hợp với tỉ lệ kali tăng để đảm bảo chất lượng trái ngon, mẫu mã đẹp, năng suất cao, giá bán tốt.
Theo các nhà khoa học, chăm sóc thanh long hiệu quả cần nắm vững sinh lí của cây. Với 2 giống thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ được trồng phổ biến ở ĐBSCL, về dinh dưỡng, mỗi giống thanh long sẽ có đặc tính sinh trưởng và năng suất khác nhau nên nhu cầu phân bón cũng khác nhau. Tuy nhiên, nhu cầu các chất dinh dưỡng có tỷ lệ tương đối giống nhau giữa các giống trong các thời kỳ sinh trưởng.
Ở giai đoạn kinh doanh, cây thanh long cho trái ổn định và đi vào khai thác hàng năm cần bổ sung phân bón hữu cơ đủ để giúp đất tơi xốp, giữ nước, giữ ẩm cũng như giúp bộ rễ phát triển. Khi cây mang trái nhằm giúp trái to đẹp, chất lượng tốt, chín đẹp cần chú ý đến các loại phân có thành phần kali cao, đạm khá, lân vừa đủ, trung vi lượng thích hợp.
Các công thức phân bón có tỷ lệ N:P:K phù hợp của Công ty CP Phân bón Bình Điền (thương hiệu Phân bón Đầu Trâu) cho cây thanh long giai đoạn kinh doanh là: 3:1:4 như 15-5-20+TE; 2:1:3 như 14-7-21+TE…Hoặc nhà vườn có thể bón Đầu Trâu AT3, hay Đầu Trâu nuôi trái, lượng bón 100-200g/gốc, 7-10 ngày bón 1 lần. Việc chia nhỏ lần bón sẽ đạt hiệu cao hơn. Thành phần kali sulphate trong sản phẩm sẽ giúp nâng cao chất lượng và mẫu mã của trái thanh long.
Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, ở từng giai đoạn phát triển của cây thanh long, việc nhà vườn áp dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác, cung cấp dinh dưỡng cân đối hợp lí cho cây sẽ có tác dụng giúp cây thanh long phát triển tốt, phòng trừ dịch hại, đặc biệt là bệnh tắc kè nguy hiểm đối với cây thanh long, đảm bảo năng suất bền vững, với chất lượng cao.