| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 28/07/2016 , 08:00 (GMT+7)

08:00 - 28/07/2016

Bổn phận của những người lành lặn đang sống

Đi nhiều nơi, thấy ở bất kỳ đâu trên nước Việt mình, bất kỳ làng xóm khu dân cư, hầu hết trong các đại gia đình, đâu mà không có thương binh hay gia đình liệt sĩ. Chiến tranh nhiều mà. Đau thương, mất mát cũng lắm.

14-59-02_b-me-vnh2
Chỉ có 1 mẹ còn sống là mẹ Nguyễn Thị Trong, sinh năm 1927 trong Lễ phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt 27 cho 33 bà mẹ thuộc 17 quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh

 

Đất nước hòa bình đã được mấy chục năm rồi. Thương binh, liệt sĩ là những mất mát không ai dám quên. Nhưng họ, những người thân của họ cũng vẫn còn khổ đau, thiệt thòi nhiều. Chuyện chứng kiến và nghe được về thương binh, gia đình liệt sĩ thì khổ lắm, cám cảnh lắm, và... chán lắm.

Thương binh, liệt sĩ là ai?

Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời kêu gọi: "Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống... Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ" .

Đi nhiều nơi, thấy ở bất kỳ đâu trên nước Việt mình, bất kỳ làng xóm khu dân cư, hầu hết trong các đại gia đình, đâu mà không có thương binh hay gia đình liệt sĩ. Chiến tranh nhiều mà. Đau thương, mất mát cũng lắm.

Có lần đi về Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam. Dân quanh vùng thì không gọi theo cái tên dài dằng dặc đấy, mà quen mồm gọi là "trại thương binh".

Vào dãy nhà của các gia đình thương binh, thấy có anh đang ngồi xe lăn, cũng tầm tuổi, người Hà Tây, đi lính rồi thành thương binh nặng do pháo Tàu bắn.  Nhập trại sống ở đây, cưỡi xe lăn đi chơi, lấy vợ là một thôn nữ trong làng.

Hà Nam lúc đó nghèo. Vợ cũng xêm xêm tuổi, giờ những nếp dăn deo phủ kín mặt. Người tong teo, gày guộc. Tiêu chuẩn thương binh nặng thì tạm là nhỉnh hơn so với xung quanh, vợ tần tảo rau cỏ, bèn đẻ 3 đứa, đều con giai.

Những năm trước đi buôn, thẻ thương binh hồi đấy được nể, lấy hàng rồi xuống Hà Nội bán. Lãi lờ cũng khá. Nhưng rồi ốm, bệnh nặng hơn. Chả đi được nữa. Hàng ngày có tiêu chuẩn tiêm morphine để giảm đau ở trung tâm. Mà cơ thể thì luôn đòi hỏi tăng liều. Cũng chỉ hơi đủ cho những cơn vật vã. Lúc lên cơn thì đập phá hết, nên trong nhà hiện chỉ còn cái nồi cơm điện méo mó, vài đồ đạc là cái tủ cái giường. Trẻ con xem ti vi thì xem nhờ hoặc ra chỗ khác.

Vợ thì vẻ mặt nhẫn nại âm thầm, dáng vẻ vun vén, chả thấy cười. Hàng xóm và nhân viên ở đây khen lắm về sự lo toan. Nói chuyện, chỉ thấy chị nhắc đến những việc phải làm hôm nay, sáng mai, chứ không hề nhắc đến tuần sau. 

Trong ánh điện vàng vọt của cái bóng đèn 75W, thấy cuộc sống những người vợ của các anh thương binh nặng, đều bi hùng ngang ngửa với các anh, nếu không muốn sụt sùi nói là có phần nhẫn nại hơn.

Hằng năm, đọc không biết bao lần những mẩu tin có nội dung đại ý: Tỉnh X vừa tổ chức lễ truy tặng, trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho ABC mẹ. Hầu hết là truy tặng, chỉ vài mẹ là được nhận trao tặng. Tức là chỉ vài mẹ còn sống, và nếu còn sức khỏe để nói cảm ơn được cũng chỉ là thều thào.

Thời gian thì trôi theo cách vô cảm. Sao những người có trách nhiệm không làm thủ tục gấp lên, để trao tặng cho các mẹ. Đó là bổn phận của những người lành lặn đang sống. Rồi sẽ đến ngày chỉ còn có thể truy tặng mà không thể trao tặng được nữa.

Ngày ấy gần lắm rồi...

Bình luận mới nhất