| Hotline: 0983.970.780

Bón phân Đầu Trâu cho cây bắp Mỹ ở ĐBSCL

Thứ Sáu 01/04/2022 , 07:05 (GMT+7)

Bắp Mỹ (ngô ngọt) là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, có thể trồng quanh năm, nhất là ở ĐBSCL.

Về thời tiết khí hậu

Vùng ĐBSCL thuộc khí hậu cận xích đạo nóng ẩm mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 24 – 27oC, biên độ nhiệt 2 - 3oC/năm và nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm thấp.

ĐBSCL có 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Cây bắp Mỹ có thể trồng quanh năm, tuy nhiên cây sinh trưởng và phát triển mạnh, cho năng suất cao ở vụ đông xuân do khoảng thời gian này có nhiệt độ khá cao và cường độ ánh sáng mạnh, giúp cây quang hợp tốt, cây sinh trưởng và phát triển thuận lợi.

Bắp Mỹ (ngô ngọt) rất thích hợp trồng ở vùng ĐBSCL. Ảnh: LB.

Bắp Mỹ (ngô ngọt) rất thích hợp trồng ở vùng ĐBSCL. Ảnh: LB.

Về đất canh tác

- Đất phù sa phân bố nhiều ở ven và giữa sông Tiền và sông Hậu, đất phù sa ngọt chiếm diện tích khá lớn. Đất có độ phì cao, ít các yếu tố độc hại, thích hợp cho nhiều loại cây như lúa, bắp, rau quả và các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác.

- Đất phèn là loại đất có diện tích lớn ở ĐBSCL, trong đất này chứa nhiều độc tố, chủ yếu là các ion Al3+, Fe2+, Mn2+, SO32-. Trên đất này cần thiết phải có các biện pháp cải tạo liên tục và lâu dài, trong ngắn hạn, phải có các loại phân bón lót thích hợp và hiệu quả, có tác dụng giảm độc phèn trong đất nhanh để cây trồng phát triển thuận lợi ngay từ giai đoạn cây con hay trong các giai đoạn sinh trưởng dễ bị tổn thương.

- Đất mặn và phèn nhiễm mặn chiếm diện tích cũng khá lớn, tập trung ở các vùng ven biển hoặc cửa các con sông chịu ảnh hưởng của quá trình xâm nhập mặn hàng năm. Trên loại đất này, yếu tố hạn chế đến sinh trưởng và năng suất cây trồng chủ yếu là hàm lượng muối hòa tan trong đất cao, làm mất cân bằng dinh dưỡng, làm cây kém phát triển.

- Đất xám trên phù sa cổ: Chiếm diện tích không nhiều, loại đất này có nhiều ở giáp biên giới Campuchia và bậc thềm phù sa cổ ở Đồng Tháp Mười. Đất xám thường có độ phì nhiêu thấp, thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt, ít yếu tố độc hại. Loại đất này dễ canh tác và phù hợp cho nhiều loại cây trồng, nhất là các loại cây rau, hoa, bắp đậu, cây ăn trái và nhiều loại cây trồng khác

Về nước tưới

Vùng ĐBSCL có hệ thống kênh rạch chằng chịt nên nguồn nước luôn dồi dào. Tuy nhiên, vào mùa mưa nước sông dâng cao thường gây ngập sâu ở một số vùng trũng như Tứ Gíac Long Xuyên, Đồng Tháp Mười. Ngược lại vào mùa khô, lại gây ra hiện tượng hạn hán và nhiễm mặn do nước biển xâm nhập sâu vào nội đồng, làm chất lượng nước tưới bị giảm nghiêm trọng.

Từ các đặc điểm có tính đặc thù của ĐBSCL, cần thiết phải lưu ý để chuẩn hóa tất cả các khâu trong kỹ thuật canh tác, từ bố trí thời vụ cho từng loại cây trồng thích hợp, lựa chọn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc với mục tiêu giảm tối đa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất và chất lượng bắp thương phẩm, đồng thời giảm tác động xấu đến môi trường.

Phân bón NPK Đầu Trâu rất tốt cho các loại cây trồng, nhất là lúa, bắp Mỹ. Ảnh: Anh Cường.

Phân bón NPK Đầu Trâu rất tốt cho các loại cây trồng, nhất là lúa, bắp Mỹ. Ảnh: Anh Cường.

Kỹ thuật làm đất và bón phân cho cây bắp Mỹ

Đất trồng và kỹ thuật làm đất

Đất trồng bắp Mỹ (hay còn gọi là ngô ngọt, bắp ngọt) cần được bố trí trên các chân ruộng cao, cao vàn, thoát nước tốt, không phèn hoặc ít nhiễm phèn, nhiễm mặn. Cần làm đất tơi xốp, sạch cỏ dại, nếu đất có pH <5 cần bón thêm vôi từ 300 - 500 kg/ha khi làm đất lần cuối.

Cây bắp Mỹ rất cần nước, do vậy cần bố trí đất trồng hợp lý, đảm bảo cây luôn đủ nước, đáp ứng sinh trưởng phát triển, nhất là giai đoạn cây con tăng trưởng mạnh và giai đoạn trỗ cờ, thụ phấn nhưng không được để ngập úng.

Kỹ thuật bón phân

Tùy theo từng loại đất có độ phì khác nhau, lượng phân bón có thể sử dụng trong khoảng như sau:

+ Bón lót: Sau khi lên luống, trước khi gieo hạt, bón từ 500 - 700 kg phân hữu cơ Đầu Trâu Đa dụng (OM 48,6%+ TE)/ha và 120 - 150 kg NPK 20-15-5 +TE/ha.

Chú ý: Nếu đất bị nhiễm phèn hay mặn ít, cần bón lót khoảng 50 kg Đầu Trâu mặn phèn/ha giúp bảo vệ cây con sinh trưởng thuận lợi ngay từ đầu.

Cách bón: Phân hữu cơ và NPK được rải vào rãnh, lấp phân bằng lớp đất mỏng 2 - 3 cm trước khi gieo hạt, sau khi gieo lấp hạt bằng lớp đất mỏng 2 - 3 cm.

+ Bón thúc 1: Sau khi cây mọc đều, có từ 3 - 4 lá, lượng bón từ 250 - 300 kg NPK 20-15-5 + TE/ha. Cách bón: Tạo rãnh, rải phân đều vào giữa 2 hàng bắp, sau đó lấp đất, kết hợp làm cỏ, tưới đủ ẩm, tan phân vào đất.

+ Bón thúc 2: Khi 9 - 10 lá (khi xoáy nõn, chuẩn bị xuất hiện cờ), lượng bón từ 200 - 250 kg NPK 15-5-20 + TE/ha.

Cách bón: Xới nhẹ, tạo rãnh giữa 2 hàng bắp, rải phân, lấp đất và vun gốc phủ kín rễ chân kiềng, hạn chế đổ ngã.

Một số lưu ý:

- Ruộng trồng bắp Mỹ cần cách xa ruộng sản suất giống bắp khác để tránh tạp giao phấn qua lại làm giảm chất lượng bắp thương phẩm.

- Cần tỉa bỏ sớm các nhánh mọc trên thân, chỉ để 1 bắp/cây.

- Thu hoạch đúng độ chín, dùng cho mục đích thu trái tươi.

- Tận dụng sinh khối xanh đề ủ chua làm thức ăn gia súc ngay khi thu hoạch, tăng thu nhập cho nông dân.

- Theo dõi, kiểm tra phát hiện sâu bệnh sớm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Xem thêm
Sâu cuốn lá và cách phòng trị

Sâu cuốn lá là dịch hại phổ biến trên lúa, nhất là ở vùng trồng lúa thâm canh, dùng nhiều phân đạm làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất và chất lượng nông sản...

Quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang chồng chéo, xung đột

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang xung đột giữa các quy định hiện hành và mang nặng tính hình thức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?