Hiện nay giá phân bón trên thị trường rất cao. Vì vậy chúng tôi tính toán các công thức khuyến cáo với mức bón tiết kiệm cho bà con nông dân trước khi bước vào vụ vụ lúa hè thu (HT) và thu đông (TĐ) trong vùng.
I - Bón phân trên vùng đất phèn
Tiểu vùng đất phèn tiềm tàng, không nhiễm mặn, ngập sâu từ 1 đến 1,5 m trong mùa lũ, với cơ cấu cây trồng phổ biến là hai vụ lúa ĐX – HT. Đây là vùng ngập sâu thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long. Công thức chất dinh dưỡng được khuyến cáo cho vụ lúa HT ở mức cao cho 1 ha là 80-80-50 (80 kg đạm (N) nguyên chất + 80 kg lân (P2O 5) nguyên chất + 50 kg kali (K2O) nguyên chất). Mức trung bình là 60-40-25 và mức thấp là 40-40-25.
Tiểu vùng đất phèn tiềm tàng, không nhiễm mặn, nhưng ngập cạn với cơ cấu hai vụ lúa (ĐX–HT). Tiểu vùng này xa sông, không nhiễm mặn trong mùa khô, ngập sâu dưới 0,5 m trong mùa mưa và thời gian ngập ngắn dưới 3 tháng tập trung thuộc TP Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long và Long An. Khuyến cáo bón phân cho vụ HT ở mức cao là 90-80-50, mức trung bình 70-40-25 và mức thấp là 50-40-25.
Tiểu vùng đất phèn tiềm tàng nhiễm mặn, ngập cạn với cơ cấu hai vụ lúa HT và mùa địa phương. Tiểu vùng này phân bố tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Bến Tre và một phần nhỏ rải rác tại Hậu Giang (Vị Thanh, Long Mỹ) và Trà Vinh. Kinh rạch vùng này bị nhiễm mặn từ 2 đến 5 tháng trong mùa khô. Mô hình kết hợp nuôi cá trong ruộng lúa là phổ biến tại vùng này. Đối với lúa HT, mức bón phân khuyến cáo cao là 100-60-50, trung bình 80-30-25, mức thấp 60-30-25. Số liệu tương ứng đối với lúa mùa là: mức cao 70-40-00, mức trung bình 50-20-00, mức thấp 30-20-00. Lúa mùa không cần bón kali.
Phần lớn tiểu vùng đất phèn không nhiễm mặn, ngập sâu, với cơ cấu hai vụ lúa ĐX-HT phân bố tập trung ở hai vùng rộng lớn là Đồng Tháp Mười ( Đồng Tháp, Long An , Tiền Giang) và Tứ Giác Long Xuyên ( Kiên Giang, An Giang). Ngoài ra một phần diện tích của huyện Thốt Nốt , Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn của TP Cần Thơ. Đặc điểm chính vùng này là đất phèn nặng, ngập sâu trên 1 m, có nơi trên 2 m, thời gian ngập kéo dài trên 3 tháng. Công thức phân bón khuyến cáo cho vụ HT ở mức cao là 80-80-50, mức trung bình 60-40-25 và mức thấp là 50-40-25.
Đối với tiểu vùng đất phèn không nhiễm mặn, ngập trung bình đến cạn với cơ cấu ba vụ lúa trong năm phân bố rải rác ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng và Kiên Giang. Cơ cấu cây trồng phổ biến là lúa ĐX-XH-HT hoặc lúa ĐX-HT-TĐ, hàng năm tiểu vùng này chịu ảnh hưởng của lũ trong mùa mưa với độ sâu ngập lụt từ trung bình đến cạn và thời gian ngập ngắn. Do đó công thức phân bón khuyến cáo cho lúa HT hoặc TĐ cao sản ở mức cao là 80-60-50, mức trung bình 60-30-25 và mức thấp 40-30-25.
Tiểu vùng đất phèn hoạt động, nhiễm mặn, ngập trung bình với cơ cấu hai vụ lúa ĐX-HT bao gồm những khu vực đất phèn từ trung bình đến nặng ở các tỉnh Kiên Giang, Long An, Tiền Giang và Bến Tre. Mùa khô vùng này nhiễm mặn dưới 3 tháng (tháng 3-5). Trong mùa mưa, vùng này chịu ảnh hưởng của lũ với mực nước ngập từ trung bình đến cạn và thời gian ngập ngắn. Vụ HT nằm gọn trong mùa mưa và là vụ chính có năng suất thường cao hơn vụ ĐX. Công thức phân bón khuyến cáo cho vụ này ở mức cao là 100-60-60, mức trung bình 80-40-30 và mức thấp 60-30-30.
Ở tiểu vùng đất phèn hoạt động, nhiễm mặn, ngập cạn đến không ngập với cơ cấu hai vụ lúa HT- lúa mùa, phân bố chủ yếu ở các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau. Đặc điểm chính của tiểu vùng này là đất phèn nặng, hàng năm bị nhiễm mặn trên 3 tháng (từ tháng 2 trở đi) và ít chịu ảnh hưởng của lũ trong mùa mưa. Do vậy, vùng này lúa không trồng được trong mùa nắng. Cơ cấu cây trồng chủ yếu tại đây là lúa mùa một vụ hoặc lúa HT- lúa mùa. Đối với lúa HT, mức phân bón khuyến cáo cao là 80-80-60, trung bình 60-40-30, mức thấp 40-40-30. Đối với lúa mùa, mức cao là 70-40-00, mức trung bình 50-20-00 và mức thấp 30-20-00.
Vùng phèn có 7 tiểu vùng sinh thái khác nhau. Bình quân chất dinh dưỡng khuyến cáo ở mức cao cho lúa HT và cả TĐ là 87,1-71,4- 52,9; mức trung bình là 67,1-37,1-26,4 và mức thấp là 48,6-35,7-26,4. Đối với lúa mùa, bình quân ở mức cao là 70-40-00, trung bình 50-20-00 và mức thấp 30-20-00 kg N- P2O5-K2O/ha.
(Còn nữa)