| Hotline: 0983.970.780

'Bóng ma' Covid-19 quay lại châu Âu: [Bài 2] Cứng rắn với người chưa tiêm chủng

Thứ Ba 30/11/2021 , 09:50 (GMT+7)

Các lãnh đạo châu Âu đang ngày càng cứng rắn với những người chưa tiêm vacxin Covid-19, cô lập họ với phần còn lại của xã hội khi số ca nhiễm tăng mạnh trở lại.

Bên trong một trung tâm tiêm chủng Covid-19 ở thành phố Cologne, Đức, hồi tháng 5. Ảnh: Reuters.

Bên trong một trung tâm tiêm chủng Covid-19 ở thành phố Cologne, Đức, hồi tháng 5. Ảnh: Reuters.

Đức có thể trở thành quốc gia tiếp theo áp đặt các quy định nghiêm ngặt đối với những người chưa tiêm chủng đầy đủ. Những biện pháp mới được đề xuất tại quốc hội nước sẽ yêu cầu người dân phải xuất trình chứng nhận tiêm vacxin hoặc xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi lên xe buýt, tàu điện hay tới các địa điểm công cộng khác.

Đồng lãnh đạo đảng Xanh Robert Habeck hôm 14/11 tuyên bố trên truyền hình rằng những biện pháp kiểm soát mới sẽ “đóng cửa với những người chưa tiêm chủng”.

Chính sách mới do đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh cùng soạn thảo đã sẵn sàng để bỏ phiếu tại Hạ viện khi ba đảng được ví như “đèn giao thống” trên chính trường Đức này gần tiến đến ngưỡng thành lập chính phủ mới.

Động thái siết kiểm soát diễn ra khi Đức đang đối mặt với sóng lây nhiễm mới, phản ánh tâm lý mệt mỏi, giận dữ trên khắp châu Âu đối với những người vẫn kiên quyết từ chối vacxin.

Khoảng 2/3 người dân Đức đã tiêm chủng đầy đủ, song tỷ lệ này thuộc mức thấp nhất ở Tây Âu. Các chính trị gia hàng đầu đất nước đang truyền đi những thông điệp cứng rắn hơn và chuyển sang các biện pháp hạn chế mạnh tay hơn nhằm mở rộng độ phủ vacxin.

Nhưng trong lúc đó, tốc độ lây nhiễm vẫn gia tăng nhanh chóng. Số ca nhiễm mỗi ngày trung bình 7 ngày của Đức đã lên đến gần 40.000, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát và hơn gấp đôi so với đầu tháng.

Những hạn chế mới với người chưa tiêm vacxin đã có hiệu lực tại thủ đô Berlin từ ngày 15/11. Người dân cần có bằng chứng tiêm phòng đầy đủ hoặc mắc Covid-19 nhưng đã khỏi trong 6 tháng gần nhất để vào quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim cùng các địa điểm giải trí khác. Tuy nhiên, sóng lây nhiễm hiện nay chủ yếu ảnh hưởng đến các khu vực phía nam và phía đông đất nước, nơi mức độ chấp nhận vacxin thấp.

Nếu các biện pháp do liên minh đề xuất được thông qua, chúng sẽ đưa Đức đứng cùng hàng ngũ với Áo, quốc gia láng giềng phía nam, nơi các biện pháp kiểm soát nhằm vào người chưa tiêm vacxin đã có hiệu lực từ đầu tuần trước.

Áo cấm những người chưa tiêm chủng, tương đương hơn 1/3 dân số cả nước, rời khỏi nhà trừ một số trường hợp cụ thể như đi mua nhu yếu phẩm hay đi làm. Các biện pháp này được đảm bảo thực hiện nghiêm bởi lực lượng cảnh sát, có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ngẫu nhiên chứng nhận vacxin của người đi đường.

Thủ tướng Alexander Schallenberg nhấn mạnh tỷ lệ tiêm vacxin của Áo “thấp một cách đáng xấu hổ”, cảnh báo người chưa tiêm chủng giờ đây sẽ “phải trải qua chính xác những gì chúng ta đã chịu đựng trong năm 2020”.

Áo có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn cả Đức. Họ cũng đang đối mặt đợt bùng phát dịch dữ dội. Ngược lại, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã tránh được sóng thần Covid-19 ập xuống một lần nữa nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất  châu Âu.

Các quốc gia khác ở châu Âu đang áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm cải thiện tốc độ tiêm chủng. Thủ tướng Boris Johnson hôm 15/11 khẳng định Anh sẽ sớm đưa yêu cầu tiêm mũi tăng cường vào điều kiện công nhận đã tiêm phòng đầy đủ.

“Rõ ràng rằng tiêm mũi tăng cường sẽ trở thành một tiền đề quan trọng và sẽ giúp cuộc sống của các bạn dễ dàng hơn theo mọi cách. Chúng tôi cần điều chỉnh khái niệm tiêm vacxin đầy đủ”, ông nói tại một cuộc họp báo.

Bước đi này đã được thực hiện ở Pháp, nơi số ca nhiễm cũng đang có dấu hiệu tăng. Chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron tuần trước đã ban hành một số quy tắc nhập cảnh nghiêm ngặt với người chưa tiêm phòng từ 16 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Tại Athens, Hy Lạp, hàng nghìn nhân viên y tế công cộng đã biểu tình vào đầu tuần trước nhằm bày tỏ giận dữ về vấn đề tiền lương và điều kiện làm việc trong bối cảnh các bệnh viện phải đối diện áp lực ngày càng tăng cao.

Hy Lạp đã ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục trong tháng qua. Theo Reuters, nước này đã áp lệnh bắt buộc tiêm chủng với nhân viên y tế hồi tháng 7, nhưng những người biểu tình nói rằng động thái trên đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự và đến nay vẫn chưa được lấp đầy.

“Người nhập viện trên băng ca đang tăng lên và bệnh viện phải lựa chọn bệnh nhân được điều trị trong khu chăm sóc tích cực dựa trên các tiêu chí ưu tiên và độ tuổi của họ”, Michalis Giannakos, chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Công Hy Lạp, cho hay.

  • Tags:
Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.