| Hotline: 0983.970.780

'Bóng ma' Covid-19 quay lại châu Âu: [Bài 1] Người chết không ngừng

Thứ Hai 29/11/2021 , 07:19 (GMT+7)

'Người chết không ngừng, không ngừng tăng lên', y tá Claudiu Ionita thở dài nói, ánh mắt nhìn về một hàng dài thi thể xếp trước cửa nhà xác của Bệnh viện Đại học Bucharest.

Nhân viên y tế chăm sóc cho một bệnh nhân trong phòng cách ly Covid-19 tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Bucharest, Romania. Ảnh: AP.

Nhân viên y tế chăm sóc cho một bệnh nhân trong phòng cách ly Covid-19 tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Bucharest, Romania. Ảnh: AP.

Theo tiêu chuẩn, nhà xác này có thể chứa 15 thi thể, nhưng vào ngày CNN đến, họ đã tiếp nhận tới 41 thi thể. Các thi thể chất đầy hành lang bên ngoài giữa tiếng than khóc vọng lại từ bên trong nhà xác. Một người phụ nữ được cho phép vào nhìn cha mình lần cuối.

Bệnh viện Đại học Bucharest là cơ sở y tế lớn nhất của thủ đô Romania có chức năng điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, họ đang phải vật lộn với sóng Covid-19 thứ tư, tồi tệ nhất từ trước tới nay.

"Kể từ khi bắt đầu công việc này, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trải qua những thứ như vậy", Ionita cho hay. "Tôi chưa bao giờ nghĩ một thảm họa như vậy có thể xảy ra, có trường hợp mất cả gia đình vì dịch bệnh".

Tại những tầng bên trên, tất cả các giường, trừ một giường trong phòng chăm sóc đặc biệt, đều đã kín chỗ. Một y tá đang thay ga trên một chiếc giường trống. Người vừa nằm ở đó đã được chuyển tới nhà xác.

Romania là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất châu Âu. Chưa đầy 36% dân số nước này đã tiêm vacxin đầy đủ, dù chiến dịch tiêm chủng khởi đầu khá thuận lợi hồi tháng 12 năm ngoái.

Các nhân viên và quan chức y tế cho rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp bắt nguồn từ nhiều yếu tố, như tâm lý hoài nghi đối với chính quyền, niềm tin tôn giáo và loạt thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội.

Khi bác sĩ Alexandra Munteanu, 32 tuổi, đến nhận nhiệm vụ tại một trung tâm tiêm chủng của Bucharest sau ca trực đêm tại bệnh viện, cô nhận thấy tỷ lệ người đến tiêm rất thấp. Cô cho rằng người dân vẫn chưa thực sự cảm nhận được mức độ nguy hiểm của Covid-19. "Rất nhiều bác sĩ, bao gồm cả tôi, đang phải điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày. Chúng tôi muốn nói với mọi người rằng căn bệnh này thực sự tồn tại", cô nhấn mạnh.

Một trong những người bài vacxin nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất Romania là Thượng nghị sĩ Diana Sosoaca. Bà từng cố ngăn cản người dân đến một trung tâm tiêm chủng tại khu vực bầu cử của bà ở phá đông bắc đất nước.

"Nếu yêu con cái mình, hãy dừng tiêm chủng ngay", Sosoaca kêu gọi trong một video đăng trên Facebook. "Đừng giết chúng!".

Các loại vacxin lưu hành ở Romania đã được thử nghiệm rộng rãi để sử dụng cho trẻ em, đồng thời được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn Sosoaca cùng những người khác lan truyền các tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội và kể cả truyền hình địa phương.

Giới chức y tế rất giận dữ vì cho rằng nhiều gương mặt công chúng đã làm quá nhiều điều chỉ nhằm phá hoại nỗ lực tiêm chủng.

"Hãy nhìn vào thực tế", tiến sĩ Valeriu Gheorghita, bác sĩ quân y đang điều hành chiến dịch tiêm chủng quốc gia, cho biết. "Các phòng chăm sóc đặc biệt đang quá tải bệnh nhân. Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều ca bệnh mới. Thật không may, chúng ta đang ghi nhận hàng trăm ca tử vong mỗi ngày. Đây chính là thực tế. Hơn 90% bệnh nhân tử vong là do không được tiêm vacxin".

Không nơi nào tâm lý hoài nghi được thể hiện rõ ràng như ở nông thôn, nơi tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 chỉ bằng 1/2 so với khu vực thành thị. Hạt Suceava, cách Bucharest khoảng một giờ bay về phía đông bắc, có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất cả nước.

"Người dân ở nơi này rất sùng đạo. Đây là một khu vực có truyền thống tôn giáo mạnh mẽ và rất nhiều người theo đạo. Rất ít linh mục ủng hộ vacxin, và tôi chắc chắn biết một số người chống vacxin", bác sĩ Alexandru Calancea, 40 tuổi, giám đốc bệnh viện chính của hạt, cho hay. "Hầu hết họ chọn không nói bất cứ điều gì, dù ủng hộ hay phản đối. Nhưng chúng tôi có bằng chứng, từ bệnh viện, từ những bệnh nhân thuộc cùng một cộng đồng tôn giáo, nơi mà linh mục hoặc mục sư của họ đã khuyên họ không nên tiêm chủng".

Ngay ngoại ô Suceava, tại làng Bosanci, một mục sư như vậy cũng giữ chức trưởng làng. Neculai Miron từng là một trong những người phản đối vacxin dữ dội nhất nước và hiện tại cũng không khác gì. 

"Chúng tôi không phản đối tiêm chủng, nhưng chúng tôi muốn xác minh nó, để giải đáp những lo lắng của chúng tôi, vì vacxin có nhiều tác dụng phụ", ông nói với CNN. "Chúng tôi không nghĩ rằng các thành phần vacxin an toàn. Nó không phải vacxin an toàn".

Các dữ liệu y tế không thể tác động tới ông và cả bác sĩ đa khoa địa phương, người mà thị trưởng Miron đưa nhóm phóng viên CNN đến gặp, cũng vậy.

Bác sĩ Daniela Afadaroaie tiêm cho khoảng 10 người mỗi ngày, sử dụng vacxin của Johnson & Johnson. Các số liệu mới nhất cho thấy dưới 11% dân số trong làng được tiêm chủng, tính đến đầu tháng 11.

Trong khi Afadaroaie kể về tình hình trong làng, thị trưởng Miron đi quanh bàn của bà, nhìn xuống giấy tờ trên bàn để xem ai đã tiêm.

"Khi nào ông định tiêm phòng, thưa ngài thị trưởng?" Afadaroaie cười hỏi. "Tôi không cần tiêm", ông đáp. "Tôi hoàn toàn khỏe mạnh".

Miron bỏ ngoài tai lời giải thích của bác sĩ rằng vacxin sẽ giúp duy trì tình trạng khỏe mạnh như vậy ngay cả khi ông nhiễm virus.

  • Tags:
Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.