| Hotline: 0983.970.780

'Bóp cổ' sông Lô: Khách sạn vi phạm là của người nhà Phó chủ tịch tỉnh

Thứ Tư 28/07/2021 , 11:04 (GMT+7)

Kết luận 162 của UBND tỉnh Hà Giang nêu 1 công trình lấn chiếm sông Lô nghiêm trọng đến nay vẫn tồn tại. Được biết khách sạn này là người nhà của "quan" tỉnh.

Khách sạn Silk River Hotel được biết đến là người nhà của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Khách sạn Silk River Hotel được biết đến là người nhà của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Người nhà ‘quan’ tỉnh là ai?

Trong kết luận 162 của UBND tỉnh Hà Giang có nêu thanh tra việc khắc phục sai phạm của các hộ gia đình, cá nhân theo kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang. 

Cụ thể, đối với hộ gia đình ông Trần Tuyên Quang, tổ 17, phường Nguyễn Trãi đã xây dựng công trình ngoài diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 61,57m2, vi phạm Khoản 1, Điều 12, Luật đất đai năm 2013. Ông Trần Tuyên Quang cũng đã xây dựng vượt diện tích được cấp giấy phép xây dựng 643,9m2, vi phạm Khoản 4, Khoản 11, Điều 12, Luật Xây dựng năm 2014.

Đối với hộ ông Tạ Thành Hưng, tổ 17, phường Nguyễn Trãi  xây dựng công trình ngoài diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chủ hộ lấn chiếm 47,025m2 đất, vi phạm Khoản 1, Điều 12, Luật đất đai năm 2013. Ngoài ra, đã xây dựng công trình vượt diện tích được cấp giấy phép xây dựng là 235,125m2, vi phạm Khoản 4, Khoản 11, Điều 12, Luật Xây dựng năm 2014.

Còn có các hộ dân khác thuộc phường Quang Trung, phường Nguyễn Trãi cũng thực hiện thi công xây dựng các công trình khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hộ gia đình ông Trần Tuyên Quang, tổ 17, phường Nguyễn Trãi có mối quan hệ mật thiết  với cán bộ lãnh đạo tỉnh.  Bà Hà Thị Hồng Hải vợ ông Quang là em gái của bà Hà Thị Minh Hạnh, hiện đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Khách sạn Silk River Hotel lấn chiếm 61,57m2 đất bờ sông Lô, vi phạm Khoản 1, Điều 12, Luật đất đai năm 2013. Ảnh: Đào Thanh.

Khách sạn Silk River Hotel lấn chiếm 61,57m2 đất bờ sông Lô, vi phạm Khoản 1, Điều 12, Luật đất đai năm 2013. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay công trình xây dựng mà ông Trần Tuyên Quang vi phạm việc lấn chiếm đất, xây dựng trái phép là khách sạn Silk River Hotel. Kể từ năm 2018 đến nay, khách sạn này vẫn thực hiện hoạt động kinh doanh bình thường.

Câu hỏi được đặt ra rằng, liệu có sự nể nang người nhà hay không mà tại sao bao năm qua công trình vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” mà không bị xử lý dứt điểm. Việc nêu gương của người cán bộ, đảng viên ở đâu mà để sai phạm của người nhà diễn ra suốt thời gian dài như vậy làm ảnh hưởng xấu tới dư luận?

 Người dân Hà Giang được gì từ các dự án lấn chiếm sông Lô?

Sông Lô đang bị nhiều công trình lấn chiếm.

Sông Lô đang bị nhiều công trình lấn chiếm.

Trước hàng loạt những sai phạm của các công trình lấn chiếm sông Lô làm tác động tiêu cực khiến dòng chảy bị thay đổi, tiềm ẩn nguy hiểm khi mùa mưa lũ đang cận kề. Và người dân Hà Giang là đối tượng phải oằn mình gánh chịu.

Người dân Hà Giang và cả nước vẫn nhớ mãi vụ lũ kinh hoàng hồi tháng 7/2020 khiến cả thành phố Hà Giang bị nhấn chìm trong nước; nhiều ô tô, xe máy cùng tài sản của người dân ngập trong nước lũ.  Lũ lụt tại Hà Giang đã khiến 5 người chết, 2 người bị thương. Hai nhà máy thủy điện gồm Nhà máy thủy điện Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên và nhà máy thủy điện Thái An, huyện Quản Bạ bị đất đá vùi lấp toàn bộ hệ thống máy móc; gần 2.900 nhà dân sạt lở, bị ngập úng hư hỏng. Lũ lụt tại Hà Giang cũng khiến nhiều tuyến đường giao thông, hoa màu, đàn vật nuôi… bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại lên đến hơn 80 tỷ đồng (chưa tính thiệt hại về thủy điện).

Ngay sau lũ, nhiều chuyên gia đánh giá một trong những nguyên nhân quan trọng đó là do tỉnh Hà Giang đã xây dựng quá nhiều thủy điện. Bên cạnh đó việc các công trình xây dựng cứ vô tư lấn sông làm ảnh hưởng đến dòng chảy cũng là nguyên nhân quan trọng.

Bà Đỗ Thị Thắng người dân tổ 17, phường Nguyễn Trãi cho biết, trong năm 2020 gia đình gánh thảm họa cả từ thiên tai và các chủ doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình không đảm bảo an toàn. Cụ thể, tháng 6/2020 khi trên địa bàn tỉnh Hà Giang xẩy ra mưa lớn khiến đất đá từ trên công trình xây dựng khu đô thị Hà Sơn do Công ty CP Đầu tư Trung Quý - Bắc Ninh làm chủ đầu tư. Hai đập chứa nước bị vỡ khiến hơn 1.300 m3 khối bùn đất và nước chảy xuống khu dân cư ngập như ao, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân.

Các công trình xây dựng lấn sông Lô trái phép là một trong những nguyên nhân khi có mưa lớn khiến lụt lội xảy ra làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ảnh: TL.

Các công trình xây dựng lấn sông Lô trái phép là một trong những nguyên nhân khi có mưa lớn khiến lụt lội xảy ra làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ảnh: TL.

Riêng gia đình bà bị đổ tường nhà, sập sân, còn bùn thì lênh láng khắp nơi. Thế nhưng khi đền bù thiệt hại thì phía công ty đền bù không thỏa đáng, không đủ tiền để bà sửa chữa những hạng mục công trình bị hư hỏng.

Tiếp đến tháng 7/2020, trận lũ lịch sử tiếp tục “hành” gia đình bà cùng bà con trong tổ dân phố. Trận lũ đã khiến nhà bà và nhiều hộ dân khác phải sơ tán lên tầng cao của ngôi nhà mình và sống trong lo âu, sợ hãi. Cũng may nước rút và nhà không sập, không thì rất nguy hiểm. Bà Thắng sống ở Hà Giang mấy chục năm nay chưa khi nào thấy Hà Giang lại bị ngập lụt nặng nề như thế. Theo bà thì ngoài việc xây dựng quá nhiều công trình thủy điện thì việc các công trình xây dựng cứ vô tư lấn chiếm dòng sông cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc làm cho dòng chảy không được khơi thông, nước dồn ứ dâng cao dẫn đến lụt lội.

Việc không xử lý dứt điểm của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang để các doanh nghiệp vô tư lấn chiếm bờ sông Lô để xây dựng nhà hàng, khách sạn… trái phép sẽ trở thành hệ lụy xấu, là “căn bệnh” dễ lây lan kéo dài. Và người chịu thiệt, chịu khổ sẽ là những người dân, nhất là dân nghèo. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang cần có giải pháp xử lý, quyết liệt, dứt điểm đúng quy định của pháp luật.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.