Brazil lại xuất hiện “bò điên”
Đầu tháng 9, AFP đưa tin, ngày 4/9/2021, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil tạm ngừng xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc vì có 2 trường hợp nhiễm bệnh bò điên xuất hiện tại bang Mato Grosso nước này . Động thái này được thực hiện dựa trên thỏa thuận an toàn thực phẩm đã ký kết với Bắc Kinh.
Lệnh tạm dừng xuất khẩu sẽ có hiệu lực cho tới khi Trung Quốc kết thúc quá trình đánh giá và phân tích về thông tin liên quan đã được đưa ra.
Còn tờ South China Morning Porst của Trung Quốc dẫn lời Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil. Theo đó, hai trường hợp mắc bệnh bò điên không điển hình đã được phát hiện ở Brazil, dẫn đến việc nước này bị đình chỉ xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp nước này cho biết hôm thứ Bảy.
Bước tạm thời đó được thực hiện theo một nghị định thư song phương hiện có giữa hai nước mặc dù Bộ này nhấn mạnh rằng “không có rủi ro đối với sức khỏe con người hoặc động vật”.
Hai trường hợp này là "không điển hình" vì căn bệnh này xuất hiện "một cách tự phát và không thường xuyên, không liên quan đến việc ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm", một tuyên bố của Bộ cho biết.
Trung Quốc là bạn hàng duy nhất có thỏa thuận với Brazil về việc tạm dừng nhập khẩu thịt bò ngay khi phát hiện trường hợp liên quan tới căn bệnh này.
Đây không phải lần đầu tiên Brazil dính lùm xùm với sự cố “bò điên”. Năm 2019, Brazil đã phải dừng các lô thịt bò xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi phát hiện trường hợp bệnh “bò điên” ở bang Mato Grosso. Thậm chí, 2012, sự cố còn lớn hơn. Rất nhiều bạn hàng lớn đồng loạt ngừng nhập khẩu thịt bò từ Brazil.
14.000 con bò trên đường về Việt Nam
Trong khi Brazil bị đình chỉ xuất khẩu bò sang Trung Quốc vì có 2 trường hợp nhiễm bệnh bò điên thì 14.000 con đang trên đường về Việt Nam qua phương thức nhập khẩu.
Tờ Beef Central (Brazil) tiết lộ lô hàng xuất khẩu bò với gần 14.000 con bò sống từ Brazil đang trên tàu MV Nada. Chuyến tàu chuyên chở đã rời cảng Vila Do Conde và dự kiến cập cảng Thị Vải của Việt Nam vào cuối tháng 9.
Đáng chú ý, Beef Central khẳng định thoả thuận xuất khẩu được cho là có sự hợp tác giữa một doanh nghiệp và một nhà nhập khẩu gia súc hiện tại của Australia. Tuy nhiên, Beef Central không tiết lộ danh tính đơn vị nhập khẩu này.
Như Beef Central đã báo cáo trước đây, Brazil đã nỗ lực để có được quyền tiếp cận xuất khẩu gia súc sống của mình sang Việt Nam trong vài năm. Đường biển quá xa là yếu tố chính cản trở sự phát triển của thương mại trong thời gian đó, nhưng giá bò Úc cao kỷ lục đã đã giúp gia súc Brazil có lợi thế trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, tờ Beef Central cũng cho biết bò Úc có lợi thế hơn bò Brazil ở thị trường Việt Nam. Bò Úc vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi bằng 0 trong khi bò Brazil phải chịu thuế nhập khẩu 5%.
Nhập khẩu bò sống có sợ lây lan dịch bệnh?
Nhập khẩu thịt bò và bò sống từ Brazil là câu chuyện dài. Sau sự cố bò điên năm 2012, bò của Brazil đã bị cấm cửa tại nhiều quốc gia. Tới năm 2017, ngành thực phẩm Brazil lại bị giáng một đòn mạnh khi sự cố thịt bò bẩn đã khiến nhiều nước tiếp tục quay lưng với bò Brazil.
Tới năm 2018, Việt Nam xem xét nhập khẩu trở lại thịt bò Brazil. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có quyết định nào được công bố rộng rãi. Và khi người tiêu dùng tạm quên đi sự cố thịt bò bẩn năm 2017 thì hiện tại, câu chuyện bò điên tại Brazil lại nóng lên.
Vì vậy, việc doanh nghiệp nhập khẩu 14.000 con bò sống từ Brazil về Việt Nam nhận được sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho biết nguyên nhân gây ra bệnh bò điên chính là khẩu phần ăn và truyền nhiễm.
Theo ông Thuỷ, bệnh bò điên tại Brazil rơi vào thời gian các hộ, chủ trang trại muốn đẩy nhanh quá trình tăng trọng của bò (đối với bò thịt và bò sữa, bò giống). Khẩu phần ăn không hài hoà có thể kích thích yếu tố này, giảm yếu tố kia làm giảm tự miễn. Cộng với thời tiết, hai yếu tố này có thể gây ra tình trạng bò điên.
Thứ hai, về truyền nhiễm, một con bò bị bệnh khi nhỏ dãi và ăn chung với các con bò khác, có thể truyền bệnh cho cả đàn.
“Cần quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu bò sống vì liên quan đến dịch bệnh. Đặc biệt, hiện tại, ngành bò sữa và bò thịt của chúng ta đang trong thời kỳ tăng trưởng, lấy lại uy tín”, chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ khẳng định.
Triệu chứng bệnh Bò điên
Triệu chứng bệnh bò điên được đánh dấu bằng sự suy giảm sức khỏe tâm thần nhanh chóng, thường là trong vòng vài tháng. Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu thường gặp như:
- Thay đổi tính cách
- Lo âu
- Chán nản
- Mất trí nhớ
- Suy nghĩ rối bời
- Thị lực giảm hoặc mù
- Mất ngủ
- Khó nói
- Khó nuốt
- Di chuyển đột ngột
Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng về sức khỏe tâm thần trở nên nặng hơn. Hầu hết cuối cùng, người bệnh rơi vào tình trạng hôn mê, suy tim, suy hô hấp, viêm phổi hoặc nhiễm trùng là nguyên nhân chính dẫn tới tử vong. Từ khi mắc bệnh và đến lúc tử vong thường kéo dài trong vòng một năm.
(Nguồn: Vinmec)