Bao gồm cả những loại nhựa được sử dụng rộng rãi cho túi nhựa, chai lọ, hàng dệt và bao bì thực phẩm.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu từ Đại học Tài nguyên Thiên nhiên và Khoa học Đời sống (BOKU) ở Vienna, Trung tâm Công nghệ Sinh học Công nghiệp Áo và Đại học Innsbruck vừa phát hiện ra rằng nhựa thông thường có thể bị phân hủy khi tiếp xúc với dạ cỏ trong bụng bò.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Frontiers hôm thứ Sáu tuần qua (2/7), cho biết đã xem xét rất kỹ các mẫu dạ cỏ của bò Alpine trong một lò mổ ở Áo.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm tác động của dạ cỏ lên ba loại nhựa - polyethylene terephthalate (thường được gọi là PET), polybutylene adipate terephthalate (PBAT) và polyethylene furanoate (PEF).
Giáo sư Georg Gubitz, từ BOKU, nói với CNN rằng dạ cỏ có thể phân hủy chất dẻo trong vài giờ và nó có thể phân hủy hoàn toàn một số chất dẻo khi nằm trong dạ cỏ đủ lâu.
Điều này là do dạ dày của bò có một cơ chế xử lý các thực phẩm khó phân hủy, bao gồm cả polyme thực vật cutin - một chất sáp được tìm thấy trong thực vật, bao gồm cả trong vỏ táo và các loại quả mọng, Gubitz nói.
“Cutin là một loại polyester, không giống nhau, nhưng tương tự như PET là loại nhựa phổ biến nhất như túi nhựa và bao bì thực phẩm”, ông nói.
Giáo sư nói rằng cần phải nghiên cứu thêm nhưng những phát hiện này rất quan trọng vì chúng có thể giúp tìm ra giải pháp để phân hủy chất dẻo khó tái chế, từ đó mở ra một hướng mới đối phó với nạn ô nhiễm rác thải nhựa đang đe dọa thế giới.
Lâu nay, giới khoa học vẫn theo đổi nghiên cứu về cách vi sinh và enzym tác động đến nhựa, nhưng hẳn là hướng chọn lựa dạ cỏ của bò thì nhóm nghiên cứu ở Áo là đội tiên phong. Họ đã âm thầm theo dõi dạ cỏ của bò trong nhiều năm trước khi công bố kết quả nghiên cứu.
Giáo sư Richard C. Thompson, người đứng đầu Đơn vị nghiên cứu rác thải biển quốc tế tại Đại học Plymouth (Anh) nhận xét: “Hầu hết các loại nhựa thông thường có khả năng chống phân hủy sinh học rất cao. Nhựa là một sản phẩm hoặc nguyên liệu có ích trong đời sống hàng ngày, nhưng khi không còn sử dụng được nữa lại là vấn đề học búa khi cả thế giới đang phải đi tìm lời giải”.
Tại châu Âu, đồ nhựa được sử dụng rộng rãi những cũng tạo ra khoảng 25,8 triệu tấn chất thải chưa được xử lý. Một số nghiên cứu còn tính toán rằng đến năm 2040, thế giới sẽ tồn đọng 710 triệu tấn rác thải nhựa.