| Hotline: 0983.970.780

Bùng phát bệnh nấm hồng hại keo

Thứ Sáu 17/02/2023 , 17:07 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Bệnh nấm hồng hiện phát sinh gây hại nhiều diện tích keo trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), trong khi dự báo bệnh này sẽ tiếp tục lây lan trong thời gian tới.

Những ngày đầu tháng 2, chúng tôi có mặt tại các xã Khánh Thành, Khánh Hiệp, Khánh Bình… (huyện Khánh Vĩnh), chạy dọc những con đường liên thôn và chứng kiến nhiều rẫy keo 1 - 3 năm tuổi bị bệnh nấm hồng nên xảy ra hiện tượng vàng lá rải rác.

Tại thôn Suối Sâu, xã Khánh Đông, các cánh rừng trồng keo bị bệnh nấm hồng khá nhiều. Nhiều vạt keo “dính bệnh" đã khiến cây bị chết khô. Càng đi sâu vào bên trong rừng càng thấy nhiều cây keo trơ trọi những cành khô.

Những cây keo bị bệnh sẽ bị héo, vàng lá rồi chết khô

Những cây keo nhiễm bệnh bị héo, vàng lá rồi chết khô. Ảnh: KS.

Những vạt keo bị bệnh cây vàng vọt đều nằm ở khu vực có độ dốc thấp và cạnh những con suối. Điển hình như vườn keo 3,4ha trồng được 1,5 tuổi của gia đình bà Trần Thị Ánh Tuyết ở thôn Suối Sâu hiện bị bệnh nấm hồng gây hại, lây lan hơn nửa diện tích, khả năng thiệt hại là rất lớn.

Bà Tuyết buồn bã cho biết, vườn keo của gia đình bị nhiễm bệnh lác đác từ khi cây trồng được 1 năm tuổi. Tuy nhiên sau Tết Nguyên đán, bệnh nấm hồng hại keo mới rộ lên. Ban đầu quan sát, cây có hiện tượng vàng lá, sau dần xuất hiện những đốm đen trên thân. Bệnh lan nhanh khiến vườn keo gia đình héo dần, mất sức sống.

Tương tự, vườn keo với diện tích 3,7ha trồng 1,5 tuổi của ông Nguyễn Xuân Mạnh ở cùng thôn Suối Sâu cũng đang bị bệnh nấm hồng tấn công mạnh. Mấy ngày trước, ông Mạnh tính thuê người phun thuốc để trị bệnh cho vườn keo nhưng suy đi tính lại nên thôi vì bệnh đã lan rộng quá nhiều. Ông tính ước thiệt hại cho đợt trồng keo này khoảng 100 triệu đồng.

Rời thôn Suối Sâu, chúng tôi đến thôn Đá Bàn, xã Cầu Bà và cũng thấy những vạt keo lác đác vàng vọt. Nhiều nông dân lo lắng vì bệnh nấm hồng hại keo ngày càng lan rộng.

vƯỜN

Vườn keo bị bệnh ở thôn Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Ảnh: QV.

Ông Hà Mướt, một người trồng keo ở thôn Đá Bàn cho hay, những năm trước, cây keo bị bệnh này cũng từng xuất hiện, sau đó tự khỏi. Tuy nhiên, nay bệnh này phát sinh gây hại nhiều diện tích trồng keo của bà con. Như vườn keo 1ha của nhà ông Mướt hiện bị nhiễm bệnh rất nặng, đã có nhiều cây bị chết khô.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa, tính từ đầu tháng 2/2023 đến nay, tổng diện tích cây keo lai trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh bị bệnh nấm hồng gây hại khoảng 60ha, với tỷ lệ bệnh phổ biến từ 1-20%.

Đây là bệnh do nấm Corticium salmonicolor gây ra, thường xuất hiện vào mùa mưa khi độ ẩm cao, lây lan, xâm nhiễm vào cây qua gió và nước. Do đó, dự báo trong thời gian tới, bệnh nấm hồng sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại trên cây keo.

Để hạn chế sự phát triển và lây lan của bệnh nấm hồng hại cây keo lai, Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa đã có văn bản thông báo và đề nghị các trạm trồng trọt và BVTV trên địa bàn tỉnh khẩn trương điều tra các diện tích trồng keo lai trên địa bàn. Đồng thời hướng dẫn người dân thăm vườn thường xuyên và thực hiện một số biện pháp phòng trừ bệnh nấm hồng hiệu quả.

Theo ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa, nếu phát hiện bệnh có thể sử dụng các loại thuốc trừ bệnh có gốc đồng hoặc các thuốc có hoạt chất khác như Hexaconazole, Validamycin, Mancozeb, Copper gold 47WP, Curenox oc 85WP, Vizincop 50WP, Champion 77WP, Fovathane 80WP…

hIÊ

Hiện bệnh nấm hồng hại keo đang phát sinh gây hại trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh. Ảnh: KS.

Tuy nhiên, lưu ý khi sử dụng thuốc cần phát hiện bệnh sớm, phun trị khi bệnh ở mức rất nhẹ – nhẹ, phun thuốc ở thời điểm cây khô ráo, phun thuốc phủ kín vết bệnh, cũng như phun thuốc đúng nồng độ và đủ liều lượng. Sau khi phun thuốc phải kiểm tra, nếu chưa khỏi bệnh thì phải tiếp tục phun thuốc nhắc lại cho đến khi khỏi bệnh, chu kỳ phun thuốc 10 – 14 ngày/lần.

Đối với biện pháp canh tác, Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa khuyến cáo nông dân trồng cây với mật độ thích hợp để đảm bảo đủ ánh sáng, giúp cây quang hợp tốt, tránh được sự phát triển của nấm bệnh. Những diện tích keo trồng ở vùng đất trũng, thấp cần khơi thông mương rãnh nhằm hạn chế ngập úng sau mưa lớn.

Bên cạnh đó, cần tuyển chọn cây keo giống có xuất xứ rõ ràng và khả năng kháng bệnh. Không phát, tỉa cành keo vào mùa mưa hoặc khi thời tiết có ẩm độ cao; sử dụng cưa hoặc kéo tỉa cành để vết cắt sắc gọn, hạn chế lây lan nguồn bệnh.

Không nên chăn thả trâu bò trong rừng keo dưới 3 năm tuổi để hạn chế việc gây ra các vết thương cơ giới tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh xâm nhiễm, lây lan từ vùng đang nhiễm bệnh. Đối với cây bị bệnh nặng không còn khả năng phục hồi, cần tiến hành tiêu hủy, xử lý vôi bột vùng gốc, rễ cây để ngăn chặn lây lan nguồn bệnh.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.