| Hotline: 0983.970.780

Bứt phá giảm nghèo ở vùng biên giới

Thứ Tư 06/12/2023 , 15:07 (GMT+7)

Với bệ đỡ là nông nghiệp, bà con vùng biên giới khó khăn từng bước ổn định cuộc sống nhờ trồng những loại cây chủ lực, có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong (thứ 2 từ phải) thăm vùng chè của bà con Mường Khương. Ảnh: Hải Đăng.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong (thứ 2 từ phải) thăm vùng chè của bà con Mường Khương. Ảnh: Hải Đăng.

Thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ cây chè

"Ngày xưa tôi trồng ít chuối, sau đó trồng chè và làm được cái nhà. Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo nhưng từ hồi xây được nhà thì không còn là hộ nghèo nữa. Trước đây, được vận động trồng chè nên giờ mỗi tháng đều có thu, có tháng thu nhiều, có tháng thu ít nhưng bán được từ 7 - 10  ngàn đồng/kg chè tươi. Cây chè sử dụng ít phân bón hơn ngô, trong khi ngô cả năm mới được một vụ. Con tôi đi học đều nhờ  trồng chuối và trồng chè mỗi thứ một ít", ông Ly Cồ Hòa ở thôn Gia Khâu A, xã Nậm Chảy (huyện Mường Khương, Lào Cai) cho biết.

"Làm nương cách đây cũng xa đấy, tầm 3 - 4 cây số, nhưng giờ có xe máy đi làm nương rồi nên không mất công đi lại mấy. Người dân trong này xe máy vừa để đi làm, vừa làm xe thồ. Nhà và xe đều từ cây chuối, cây chè tích cóp lại mà ra. Ở Nậm Chảy chưa có chỗ thu mua nên phải chở chè đi bán hơi xa, tận xã Thanh Bình cơ. Tuy nhiên, bán tốt nên trồng chè thấy cũng được", ông Ly Cồ Lìn ở cùng thôn Gia Khâu A nói.

Đến thời điểm này trên địa bàn xã Nậm Chảy bà con đã trồng được trên 180ha chè, trong đó tiêu biểu là hộ ông Ly Cồ Hòa và Ly Cồ Lìn đã có nguồn thu từ cây chè, mỗi tháng thu nhập từ chè từ 6 - 8 triệu đồng. Đây cũng là một trong 2 gia đình tiêu biểu có nguồn thu để thoát nghèo trong năm 2022 - 2023.

Xã Nậm Chảy trước đây rất khó khăn, tuy nhiên từ khi những hộ dân mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng chè ở đây xuất hiện những căn nhà được xây dựng kiên cố và đẹp, nổi bật giữa núi rừng.

Ông Giàng Diu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy cho biết, khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững thì cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, năm 2021 - 2022, UBND huyện và các phòng ban hỗ trợ giống cho bà con trồng chè.

Khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn xã rất phù hợp với cây chè. Trước đây, người dân chỉ biết canh tác ngô, lúa, chuối, tuy nhiên cây chuối gần đây bị bệnh vàng lá Panama. Trong khi đó, cây chè có hiệu quả kinh tế cao hơn cây ngô và người dân có nguồn thu ổn định hơn so với những loại cây khác. Mặt khác, cây chè mỗi một năm cho thu kéo dài từ 9 - 10 tháng trong khi cây ngô chỉ thu được một vụ mỗi năm.

Hiện nay, tại địa phương cũng đã có công ty đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè tươi của người dân do đó bà con không phải lo đầu ra. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục vận động người dân trồng nốt phần đất còn lại để nâng cao thu nhập, qua đó để có nhiều hộ thoát nghèo cũng như thu nhập bền vững từ loại cây này.

Bà con dân tộc thiểu số ở Mường Khương (Lào Cai) có thu nhập ổn định từ việc bán chè cho các đơn vị sản xuất. Ảnh: Hải Đăng.

Bà con dân tộc thiểu số ở Mường Khương (Lào Cai) có thu nhập ổn định từ việc bán chè cho các đơn vị sản xuất. Ảnh: Hải Đăng.

Xây dựng chuỗi giá trị bền vững

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương cho biết, thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nhiệp hàng hóa, huyện Mường Khương xác định cây chủ lực gồm cây dứa, cây chuối, cây chè và các ngành hàng tiềm năng như cây ớt, lúa Séng Cù, cây quýt.

"Các ngành hàng chủ lực như cây dứa, chuối, chè chúng tôi đều tổ chức sản xuất theo phương thức liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, tức là sản xuất có địa chỉ, sản xuất theo nhu cầu của doanh nghiệp, của hợp tác xã liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, đối với cây chè hiện nay trên địa bàn huyện có 7 nhà máy ký hợp đồng với tổ hợp tác, hộ gia đình bao tiêu sản phẩm đầu ra, đồng thời hỗ trợ bà con vật tư đầu vào để đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Việc liên kết, sản xuất theo nhu cầu thị trường đã giải quyết được vấn đề người sản xuất cứ sản xuất, không biết bán cho ai, đến lúc thu hoạch có bán được không, bán với giá bao nhiêu.

Đến nay, việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã có địa chỉ, có tiêu chuẩn và chúng ta làm đúng theo cam kết thì giá thu mua đã được các doanh nghiệp đảm bảo. Bà con thấy được sản phẩm có đầu ra và đánh giá được hiệu quả kinh tế, tránh tình trạng được mùa mất giá, tiêu thụ bấp bênh như thời gian trước đây", ông Lê Thanh Hoa nói.

Trong khi đó, những đơn vị tham gia liên kết sản xuất, thu mua chè của bà con nông dân Mường Khương đã xây dựng giá thu mua ổn định trong dài hạn để khuyến khích bà con gia tăng sản xuất, bán sản phẩm cho họ, không để tình trạng tranh mua, tranh bán.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè Mường Khương cho biết, nhà máy hiện đang thu mua chè của bà con với giá từ 7.000 đồng/kg, cao hơn giá trước đây bà con bán ra ngoài.

"Chúng tôi xây dựng được giá thu mua ổn định dài hạn bởi doanh nghiệp phải chia sẻ lợi ích với bà con, với khách hàng; nhà máy sống khỏe thì bà con mới có thu nhập tốt; khách hàng nước ngoài, quốc tế cũng muốn bán sản phẩm chè của bà con Mường Khương cho đối tác thì phải đảm bảo chất lượng bởi xu hướng hiện nay không chỉ là "ăn no, mặc ấm" mà dần dần cũng phải "ăn ngon, mặc đẹp".

Chúng tôi xây dựng mối liên kết bền vững từ người nông dân, nhà máy tới các khách hàng trong nước và quốc tế. Chuỗi giá trị này gắn liền hoạt động của nhà máy, của khách hàng, của người nông dân bởi khi mua ẩu, bán ẩu chỉ được một vài vụ sẽ dẫn đến bà con không có thu nhập, rồi sẽ trồng xen các loại cây khác khiến vùng nguyên liệu có nguy cơ bị xóa bỏ...", ông Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Khương nhấn mạnh về công tác giảm nghèo, định hướng kinh tế huyện. Clip: Hải Đăng.

Bệ đỡ chủ lực của kinh tế xã hội vùng biên

Từ việc canh tác tốt theo đúng định hướng Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã giúp công tác giảm nghèo của huyện đạt được hiệu quả hết sức phấn khởi.

Liên quan đến việc giảm nghèo bền vững, ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Khương cho biết, trong năm 2023, huyện Mương Khương đạt được nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo, tỷ lệ giảm nghèo toàn huyện tiệm cận 7%. Trong công tác giảm nghèo, huyện tập trung lĩnh vực nông nghiệp, đây là bệ đỡ chính của nền kinh tế huyện Mường Khương.

Xác định cây chè là cây chủ lực, đến nay toàn huyện đã trồng mới và có trên 5.000ha chè; 1/2 trong số này đã cho thu hoạch và mang lại lợi nhuận cho người dân. Mường Khương cũng lựa chọn những cây trồng chủ lực khác như cây chuối, cây dứa, cây quýt và các loại đặc sản khác nhu gạo Séng Cù, tương ớt...

Cứ mỗi tháng bà con mang chè hái bán cho nhà máy với giá ít nhất 7.000 đồng/kg. Ảnh: Hải Đăng.

Cứ mỗi tháng bà con mang chè hái bán cho nhà máy với giá ít nhất 7.000 đồng/kg. Ảnh: Hải Đăng.

Thời gian tới, nhiệm vụ chính trị của huyện Mường Khương là giảm nghèo và sớm đưa huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước. Ngoài việc xác định nông nghiệp là bệ đỡ chính của nền kinh tế thì huyện Mường Khương tập trung vào kinh tế cửa khẩu, bởi Mường Khương có trên 70km đường biên giới với Mã Quan và Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

"Chúng tôi lựa chọn 2 hướng đi này cho Mường Khương. Về nông nghiệp đã tương đối rõ ràng về cây trồng chủ lực trên địa bàn. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch Cửa khẩu Mường Khương là cửa khẩu quốc tế. Thời gian tới, chúng tôi tập trung chuẩn bị tốt về nhân sự để kinh tế cửa khẩu có bước phát triển, đóng góp chung vào kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Mường Khương", Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng nhấn mạnh.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.